"Đấu trường" xúc xích

Cách nay 2 năm, nhiều dự báo cho rằng thị trường xúc xích sẽ bão hòa, nhưng với mức tăng trưởng đều 15 - 20%/năm, bình quân người Việt Nam mới chỉ dùng khoảng 208 gram/người/năm. Vì thế thị trường xúc xích vẫn là "đấu trường" cạnh tranh "nóng".

Có chưa đến 10 doanh nghiệp sản xuất xúc xích cách nay 5 năm, thì hiện tại, con số này đã vượt 50. Nhiều thương vụ mua bán các doanh nghiệp thực phẩm chế biến, trong đó có mảng xúc xích nổi đình nổi đám gần đây như Masan mua cổ phần Vissan. Daesang Corp. (Hàn Quốc) chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng) mua lại 99,99% cổ phần Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt (Đức Việt) để củng cố thị phần xúc xích đầy tiềm năng ở Việt Nam. Tập đoàn CJ (CheilJedang Corp) mua lại 64,9% cổ phần của Công ty Thực phẩm Minh Đạt với giá trị thương vụ khoảng 13,4 triệu USD, tương đương 305 tỷ đồng...

Những diễn biến trên cho thấy, thị trường xúc xích vô cùng hấp dẫn. Vissan chiếm 65% thị phần xúc xích và sản phẩm xúc xích đóng góp hơn 1/2 tổng lợi nhuận của Vissan với mức tăng trưởng đều từ 15 - 20%/năm. Thật dễ hiểu khi đơn vị này được rất nhiều "ông lớn" săn đón, giành nhau sở hữu. Tương tự, doanh thu tăng trưởng của Nipponham cũng tăng đều từ 15 - 20%/năm và đơn vị này đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bán hàng ở nước ngoài lên 15%.

Viet Foods cũng đang hồi phục tăng trưởng đến 90% so với doanh thu năm 2015 và đang tiếp tục mở rộng đầu tư, giữ vững thế mạnh đang cung cấp lượng xúc xích lớn ra thị trường miền Bắc. Mavin Foods cũng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại, với hệ thống dây chuyền theo công nghệ của CHLB Đức, với tổng vốn đầu tư gần 10 triệu USD...

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng tăng nhiệt khiến các doanh nghiệp phải đua nhau "rút hầu bao" tiếp tục đầu tư, giành vị thế thị trường và doanh số.

Đại diện Nipponham cho biết: "Dù nhà máy phía Nam tại Khu công nghiệp Long Hậu có công suất 2.500 tấn/tháng nhưng hiện nay đã quá tải nên Công ty vừa đầu tư xây dựng nhà máy mới với công suất tương đương tại Hưng Yên. Đặc biệt, Nipponham chú trọng vào đa dạng hóa sản phẩm".

Với tổng diện tích 6.000m2, nhà máy của Viet Foods cũng được đầu tư các hệ thống máy móc thiết bị hiện đại. Bà Huỳnh Vũ Thị Minh Loan - thành viên sáng lập, cố vấn cao cấp của Viet Foods xác nhận: "Viet Foods đã đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng cho hệ thống, bao gồm: lò xông khói, máy định hình của các hãng uy tín Maurc, Fassman, Handman, máy xay Inotex, K+G, máy đóng gói Sealpack, Variovac. Tất cả hệ thống máy móc đều được tự động hóa, tăng năng suất và tiết kiệm sức lao động".

Tham gia thị trường muộn hơn, nhưng Công ty Ba Huân cũng đã thể hiện thế mạnh khi vừa mở rộng thị trường ra khu vực phía Bắc và xây dựng Nhà máy Xử lý và Chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân miền Bắc tại Cụm Công nghiệp thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Tiếp theo, Ba Huân sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi gia cầm, nhà máy chế biến thực phẩm từ nguyên liệu gia cầm để cung cấp đa dạng sản phẩm cho thị trường Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Công ty Ba Huân vừa cho ra thị trường thêm mặt hàng chế biến là xúc xích tươi với nguyên liệu gà, heo. Trước đó, Ba Huân cũng đã cho ra thị trường xúc xích tiệt trùng Oliba.

Đi theo xu hướng phát triển bền vững với sản phẩm an toàn, chất lượng, cuộc đua của các doanh nghiệp xúc xích không chỉ về quy mô nhà xưởng mà còn là cuộc chạy đua chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, sắp tới, công ty sẽ đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm chế biến độc đáo với thành phần chính là thịt gà và trứng gà”.

Vissan chiếm 65% thị phần xúc xích và sản phẩm xúc xích đóng góp hơn 1/2 tổng lợi nhuận của Vissan với mức tăng trưởng đều từ 15 - 20%/năm.

Ông Hùng cho biết thêm: "Điểm khác biệt của các sản phẩm chế biến của Ba Huân là không trùng với sản phẩm cùng loại đã có trên thị trường. Các sản phẩm xúc xích trên thị trường thường được chế biến từ thịt heo, thịt bò nhưng xúc xích Ba Huân được sử dụng nguyên liệu thịt bò, thịt gà hoặc thịt heo kết hợp với trứng gà tươi. Khác biệt nữa là xúc xích Ba Huân còn có thành phần đạm đậu nành, giúp sản phẩm có vị béo từ đậu nành kết hợp béo từ trứng gà tươi tạo nên hương vị đặc biệt".

Bà Loan cũng khẳng định: "Tất cả nguyên liệu, gia vị của Viet Foods đều nhập khẩu từ các nước phát triển của châu Âu và châu Á. Công ty cũng ký kết hợp đồng với các ông lớn trong hãng gia vị như Brentag của Đức, Connell Bros (Mỹ), Benmeyer (Đức), và Ajinomoto (Nhật)...

Đặc biệt, để sản phẩm có chất lượng thơm ngon, an toàn, Viet Foods cũng nhập khẩu một số nguyên liệu thịt đặc trưng như thịt bò Úc, thịt heo Đức, Pháp, và thịt gà phi lê tại các trang trại lớn, uy tín ở Việt Nam cùng hệ thống sản xuất khép kín và trải qua quá trình tiệt trùng kỹ lưỡng trong từng quy trình sản xuất. Từ việc kiểm nghiệm đầu vô nguyên liệu, gia vị, đến định lượng nguyên liệu, xay thịt tách xương, định hình sản phẩm đầu ra, qua công đoạn nấu, xông khói, làm nguội rồi định lượng, sau đó hút chân không để giảm thiểu sự hư hỏng, oxy hóa cho sản phẩm".

Nếu điểm mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài là chuỗi cung ứng khép kín từ nông trại tới bàn ăn, hoàn toàn chủ động ở khâu nguyên liệu đầu vào như CP, Mavin Foods, thì điểm mạnh của các doanh nghiệp trong nước là tính linh hoạt, chi phí vận hành thấp.

"Song, áp lực lớn nhất mà các doanh nghiệp xúc xích đang phải đối mặt là cạnh tranh không lành mạnh", bà Loan nói. Cạnh tranh trong thị trường thực phẩm nói chung và thị trường xúc xích nói riêng cực kỳ khốc liệt. Một số DN đã gặp phải những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ với mục tiêu hạ uy tín.

Thị trường xúc xích từng chứng kiến một vụ cảnh báo thiếu chính xác, đến từ một sai sót trong quy trình kiểm tra của các cơ quan chức năng, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp sản xuất mà sau đó chính các cơ quan chức năng đã cải chính và xin lỗi doanh nghiệp, nhưng sau đó vẫn bị đối thủ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội gây hoang mang lo sợ cho người dùng.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn