Chủ tịch Mai Linh tiết lộ chiến lược cho xe ôm công nghệ

Ông Hồ Huy khẳng định dịch vụ xe ôm công nghệ mới triển khai của doanh nghiệp này sẽ không tăng giá, chèn ép khách hàng lúc cao điểm.

Chia sẻ với phóng viên nhân sự kiện vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ sáng 20/11, ông Hồ Huy - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho rằng sự khác biệt giữa doanh nghiệp khi triển khai dịch vụ này là không bắt chẹt khách hàng, dù cao điểm hay điều kiện thời tiết bất lợi thì vẫn không điều chỉnh cước phí.

“Điều chỉnh giá không phải là mục tiêu của chúng tôi, mà vấn đề lớn nhất là làm sao phục vụ khách hàng tốt hơn. Không riêng xe ôm công nghệ mà tất cả dịch vụ của Mai Linh suốt 25 năm qua đều cam kết không tăng giá. Đây là nguyên tắc cơ bản và phù hợp với văn hóa của người Việt Nam”, ông Huy nói và cho biết thêm, ứng dụng mới ra mắt có bản đồ nhiệt giúp tài xế lựa chọn địa điểm thuận lợi nhất để tìm khách nhằm dung hòa lợi ích cho đối tác (tài xế) và khách hàng.

Cũng theo ông Huy, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tổ chức chiến dịch thuyết phục thêm những tài xế xe ôm truyền thống gia nhập công ty và sử dụng công nghệ để hạn chế tối đa xung đột với Mai Linh Bike.

Mai Linh cam kết không điều chỉnh cước phí dịch vụ xe ôm công nghệ như các đối thủ.

Mai Linh chính thức vận hành dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sau hơn một tháng thử nghiệm. Hiện có khoảng 5.500 đối tác tham gia dịch vụ này, trong đó thị trường Đà Nẵng tuy số lượng ít nhất nhưng được doanh nghiệp này kỳ vọng dẫn đầu tăng trưởng nhờ lượng khách du lịch đông đúc và lòng tin vào thương hiệu taxi của doanh nghiệp này tại đây.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng 20/11, đa phần các tài xế đến đăng ký dịch vụ xe ôm mới của Mai Linh tại Hà Nội là các đối tác của Uber và Grab. Anh Cường - một sinh viên với kinh nghiệm hơn một năm chạy Grab chia sẻ trong lúc đợi đến lượt làm thủ tục cho biết: “Mình đến đăng ký vì nghe anh em trong giới nói Mai Linh mới ra mắt dịch vụ xe ôm có nhiều ưu đãi cho tài xế”.

“Tranh thủ thời gian ngoài lên lớp, mình chạy xe ôm Grab để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt nhưng thu nhập ngày càng giảm. Grab hiện đã chiết khấu lên 20% và không còn nhiều chính sách hỗ trợ tài xế như trước. Đồng thời, mình thấy ở đâu cũng màu áo xanh của GrabBike cũng có thể khiến lượng khách của những người chạy parttime như mình bị giảm”, Cường tỏ ra trầm ngâm khi chia sẻ về công việc gần đây. Cậu sinh viên năm cuối hy vọng có nguồn thu ổn định từ Mai Linh Bike.

Nhiều tài xế xe ôm Grab đến đăng ký thêm tại Mai Linh Bike. Ảnh: Anh Tú.

Theo giới thiệu của Mai Linh, dịch vụ xe ôm mới có giá cước tương đương hai đối thủ Uber, Grab là 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo với xe phổ thông. Trong ngày đầu ra mắt, Mai Linh Bike tung mã khuyến mại giảm đến 50.000 đồng cho mỗi chuyến đi.

Đồng thời, Mai Linh cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút tài xế. Trong hai tháng đầu tiên, các tài xế không phải nộp chiết khấu cho hãng. Sau đó, tỷ lệ ăn chia giữa hãng và tài xế sẽ là 15-85%. Đây là mức chiết khấu thấp hơn mức 20% của Grab và 25% của Uber.

“Tôi đăng ký dịch vụ xe ôm của Mai Linh chủ yếu để nghe ngóng chính sách đãi ngộ tài xế của hãng mới thế nào. Tôi vẫn đang dùng song song cả hai ứng dụng Uber và Grab. Tùy thời điểm, bên nào có nhiều thưởng cho tài xế hơn thì tôi chạy nhiều cho hãng đó”, một tài xế GrabBike khoảng hơn 40 tuổi chia sẻ.

Ông cho rằng cần phải mất một thời gian dài mới có thể biết được dịch vụ xe ôm của Mai Linh có đem lại thu nhập ổn định và chế độ đãi ngộ tốt cho tài xế hay không. Theo tài xế này, lúc mới ra mắt cả Uber và Grab đều có rất nhiều chương trình để thu hút nhân sự nhưng sau đó giảm hẳn.

Theo khảo sát của chúng tôi tại khu vực Hà Nội, khách hàng hiện khó có thể đặt Mai Linh Bike vì lượng tài xế hiển thị trên bản đồ vẫn còn rất ít.

Phương Đông - Anh Tú
Nguồn VnExpress