Đánh cược vào ứng dụng mạng xã hội trên di động

Các đại gia công nghệ nước ngoài không che giấu tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt. Còn các doanh nghiệp Việt tỏ rõ quyết tâm dùng “lợi thế sân nhà” để cạnh tranh đến cùng.

Những tưởng sau khi ứng dụng trên mạng xã hội di động như WeChat, Hao123 của Trung Quốc đang dần bị tẩy chay thì các doanh nghiệp Việt đã có thể dễ thở hơn và tự tin giành lại thị phần trên sân nhà. Nhưng cuộc chiến dường như vẫn mới chỉ bắt đầu khi hàng loạt công ty nước ngoài vừa công bố đạt được con số khủng về lượng người dùng tại Việt Nam.

Khối ngoại ra quân

Ngay sau khi tuyên bố đạt 1 triệu người dùng dịch vụ Kakao Talk tại Việt Nam hồi đầu năm, nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin đang phát triển mạnh nhất Hàn Quốc là Kakao đã chính thức bắt tay vào cuộc đua giành thị phần với các đối thủ cạnh tranh bằng hàng loạt các hoạt động truyền thông rầm rộ. Hình ảnh TVC của Kakao Talk tràn ngập tại các rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm lớn, sân bay của các thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh TVC, hàng loạt bài viết quảng bá cho sự kiện tặng sticker miễn phí dịp 8/3 của Kakao Talk cũng được đăng tải trên một loạt các báo dành cho đối tượng teen và dân văn phòng. Trước đó, khi tham gia thị trường Việt Nam từ đầu năm 2013, Kakao chỉ im hơi lặng tiếng để vừa thăm dò thị trường, vừa tập trung dành thời gian bản địa hóa sản phẩm từ các tính năng, hệ thống item, sticker cho tới các ấn phẩm truyền thông.

Cùng với Kakao, Công ty NHN của Nhật Bản cũng đã tuyên bố đạt 1 triệu người dùng với ứng dụng Line. Ngoài việc thực hiện các hoạt động truyền thông rầm rộ như viết bài PR, quảng cáo trên khắp các mặt trận như: báo điện tử, chợ ứng dụng, các website có đông người truy cập…, Line còn có thế mạnh của nền tảng mạng xã hội khi đáp ứng được nhu cầu của người dùng như tạo thiệp mừng, chỉnh sửa ảnh, chơi game đơn giản… Ngoài ra, ứng dụng này còn được hơn 100 triệu người dùng quốc tế đón nhận và đây thực sự là một đối thủ đáng gờm mà các doanh nghiệp Việt không thể không tính đến.

Không ồn ào, không có các hoạt động quảng bá rầm rộ, nhưng mới đây nhất Viber tuyên bố đã đạt con số kỷ lục 3,5 triệu người dùng tại Việt Nam. Trong bài trả lời trang Techinasia, CEO của Viber cho biết, mỗi ngày ứng dụng này đón nhận 20.000 người dùng mới ở Việt Nam. Riêng trong tháng 2 vừa qua họ đã có thêm 500.000 người dùng mới. CEO của Viber dự đoán, trong tháng 3, ứng dụng này sẽ tiếp cận được thêm 600.000 người dùng mới. Và để thu hút người dùng cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, trong thời gian tới Viber cho biết sẽ chính thức hỗ trợ tiếng Việt cho phiên bản 3.0.

Như vậy, cùng với các đại gia công nghệ đến từ Trung Quốc như Tencent, Baidu, những tên tuổi lớn đến từ nhiều quốc gia khác thời gian qua thực sự là rào cản lớn mà các doanh nghiệp Việt cần phải vượt qua nếu muốn chiến thắng trên sân nhà.

Khối nội: Hành động trước khi quá muộn

Nói về mức độ ảnh hưởng của các công ty ngoại tới hoạt động kinh doanh của mình, ông Phan Anh Tuấn, Phó giám đốc VTC Online thẳng thắn thừa nhận: “Những mạng xã hội trên di động với các tính năng kết nối (gọi điện, nhắn tin) miễn phí được triển khai lâu năm trên một thị trường khá gần với Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra những lợi thế không nhỏ so với những dịch vụ tương đồng của các công ty trong nước. Kèm theo lợi thế tài chính của các tập đoàn đứng sau các mạng xã hội này, cánh cửa dành cho các công ty trong nước sẽ bị thu hẹp rất nhiều, đặc biệt khi người dùng đã quen với các mạng xã hội và những dịch vụ đi kèm này”.

Theo phân tích của người đứng đầu mạng xã hội Việt Nam Go.vn (hiện đang có khoảng 26 triệu người dùng), lợi thế lớn nhất của các mạng xã hội nói trên nằm ở tiềm lực kinh tế của tập đoàn sở hữu cũng như kinh nghiệm triển khai lâu năm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điểm yếu mà họ gặp phải là chưa có sẵn tập người dùng tại Việt Nam và họ vẫn đang trong thời kỳ dò đường.


Sự phát triển của Hao123 và Laban.vn năm 2012

Là ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại di động duy nhất của Việt Nam, Zalo của VNG đang cố gắng làm mọi thứ để có thể cạnh tranh được với các đối thủ lớn như: WeChat, Viber, Line, Kakao Talk… Người đứng đầu VNG xác định “chỉ có năm 2013 để đánh trận “Zalo”, và VNG sẽ phải cố gắng tập trung toàn lực để giành lấy một cơ hội thành công, dù không cao”. Theo các chuyên gia công nghệ, nếu so với các đối thủ kể trên, ứng dụng Zalo của VNG vượt trội về những yếu tố mang tính bản địa, thân thiện với người Việt. Đơn cử như Zalo cho ra mắt phiên bản Tết 2013 trên tất cả các kho ứng dụng iOS, Android, Nokia. Trong phiên bản này, người dùng có thể sử dụng bộ hình động kèm lời thoại do chính danh hài Hoài Linh thu âm để gửi cho nhau những lời chúc ngộ nghĩnh đầu năm mới. Đây là điều mà không một ứng dụng nước ngoài nào có được… Theo đánh giá của chuyên trang công nghệ Techinasia,“với bản cập nhật mới nhất của Zalo, có thể dự đoán ứng dụng này sẽ trở thành nền tảng phổ biến bậc nhất đối với người dùng di động tại Việt Nam”. Hiện VNG đang nỗ lực quảng bá của các ứng dụng này qua hệ thống website của Zing và nhiều trang mạng… Ngoài ra, công ty này cũng đang tập trung phát triển sản phẩm Laban.vn để cạnh tranh trực tiếp với Hao123 của Baidu Trung Quốc. Mục tiêu trong năm 2013 mà VNG đặt ra cho nhóm phát triển Laban.vn là đạt 5 triệu lượt thăm/ngày.

Ông Phan Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm này VTC Online chưa thực sự bị ảnh hưởng rõ nét về mặt kinh tế, nhưng nguy cơ mất thị phần và cơ hội kinh doanh trong thời gian tới là không tránh khỏi nếu các phần mềm/mạng xã hội đã đề cập ở trên được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển ở Việt Nam. Chính vì vậy, quan điểm của ông Tuấn đưa ra trong lúc này là “dù là áp dụng chiến lược nào thì chúng ta cũng phải làm nhanh và quyết liệt trước khi quá muộn”. Hiện VTC Online cũng đang dồn sức cho sự phát triển của Go.vn với 3 định hướng phát triển chính là giáo dục – giải trí – giao tiếp. Để thu hút người dùng, Go.vn tổ chức các cuộc thi lớn mang tầm cỡ quốc gia như IOE – Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet với hơn 8 triệu thành viên đăng ký tham gia, Giao thông thông minh – Hình thức tuyên truyền an toàn giao thông hoàn toàn mới nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh sinh viên trong cả nước… Ông Tuấn tin tưởng rằng, nếu có nhiều sản phẩm chất lượng thì người dùng Việt Nam chắc chắn sẽ không chọn những sản phẩm đến từ ngoại quốc./.

Nguồn Doanh Nhân Online