Du lịch Việt Nam: Tay không sao "bắt" khách!

Để đạt được mục tiêu tăng lượng du khách 30%-50%/năm không hề là việc dễ dàng, nhất là khi du lịch Việt Nam vẫn chưa đưa ra được chiến lược quảng bá, xúc tiến đúng tầm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu năm 2017, Việt Nam phải đón 13 triệu khách quốc tế . "Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho ngành du lịch đạt mức tăng trưởng 30%-50%, chúng ta không được lùi" - ông quả quyết.

Nhiều thách thức

Bảy tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,25 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu đạt gần 307.000 tỉ đồng, tăng hơn 26%.

Những con số này đã khiến ngành du lịch lạc quan với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 30% so với năm 2017. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: "Chúng tôi cố gắng giữ mức tăng từng tháng để cuối năm đạt con số 13 triệu khách quốc tế".

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ VH-TT-DL mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu: "Năm nay, du lịch phải đón 13 triệu khách, được hơn càng tốt". Ông Thiện cũng nhắc nhở Tổng cục Du lịch phải theo dõi từng tháng, bảo đảm mức tăng trên 30% bởi chỉ cần một tháng giảm là gay go.

Du khách nước ngoài tham quan TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh.

Chính phủ kỳ vọng ở sự tăng trưởng rất cao của du lịch, bù đắp ít nhiều cho một số ngành đang gặp khó khăn. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên không hề dễ dàng.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thẳng thắn: "Mục tiêu 13 triệu khách quốc tế trong ngắn hạn hay 20 triệu đến năm 2020 đều không thể đạt được nếu chúng ta chỉ hô hào. Ngành du lịch vẫn còn gặp những thách thức về năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách, đặc biệt là chưa có một chiến lược quảng bá, xúc tiến bài bản để thu hút khách đến Việt Nam".

"Dạo chơi" với quảng bá, xúc tiến

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch thừa nhận công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta còn nhiều bất cập, khó khăn. Nếu đi một hội chợ du lịch quốc tế sẽ thấy gian hàng của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước. Ví dụ, dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong hội chợ ITB tổ chức tại Đức đầu năm 2017, gian hàng của Việt Nam chỉ có diện tích 200 m2, khó trình bày cho "ra tấm ra món".

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là kinh phí nhà nước cấp gần như không tăng, thậm chí còn giảm. Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong các nước ASEAN.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng với 2 triệu USD, Việt Nam mới chỉ "dạo chơi" với quảng bá, xúc tiến du lịch. "Cho nên ở hội chợ, hội nghị, chúng ta chỉ be bé con con, vô cùng gian khổ, không mang ý nghĩa quốc gia" - ông băn khoăn. Đó là chưa kể đến rào cản là việc chậm giải ngân.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, mỗi năm Indonesia chi 200 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế; Thái Lan chi gần 70 triệu USD và đón hơn 30 triệu lượt du khách...

Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong các nước ASEAN.

Phải có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia

Không thể tay không "bắt" du khách, ông Vũ Thế Bình cho rằng muốn xúc tiến du lịch phải có bộ máy chuyên nghiệp. Vì thế, nên tái lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, từ đó xác định quỹ xúc tiến chỉ chi cho xúc tiến, người làm được quyết định sử dụng như thế nào và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ông Hoàng Nhân Chính cũng đặt vấn đề cần thành lập cơ quan chuyên về quảng bá, xúc tiến du lịch, bởi lâu nay, cả nước không có cơ quan chuyên trách. Thực tế, ngay Tổng cục Du lịch mà không có đơn vị chuyên trách, không có nhân sự chuyên trách xúc tiến từng thị trường thì e khó đạt được kỳ vọng.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, cũng nhấn mạnh việc phải có một cơ quan xúc tiến du lịch chuyên nghiệp. Ông Tài cho rằng không thể lấy chương trình quảng bá, xúc tiến ở thị trường này mang sang thị trường khác mà phải nghiên cứu chuyên sâu từng thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) cũng cần đưa ra sớm kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, bảo đảm đồng bộ, tránh trùng lắp. Muốn vậy, phải có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp các DN, định hướng nhóm thị trường, có cơ sở dữ liệu đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến... Cơ quan này cần tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả và độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào kinh phí.

Trước đề xuất của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết bộ đang xây dựng nghị định về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, trong đó đề xuất thành lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc Trung tâm Xúc tiến du lịch quốc gia. Cơ quan này sẽ khắc phục những bất cập trong xúc tiến du lịch như thời gian chậm, không tập trung, khó khăn trong giải ngân.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã thành lập được CLB DN đầu tư du lịch. Bước đầu, CLB thu hút hơn 10 DN tham gia, trong đó có 5 DN lớn, mỗi năm đóng góp khoảng 5 tỉ đồng. Với tiềm lực của các nhà đầu tư chiến lược và các nhà kinh doanh, ông tin rằng mô hình liên kết công - tư này sẽ hoạt động hiệu quả.

Ông Trần Trọng Kiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh:

Trần Trọng KiênCần các giải pháp có tác dụng ngay sau 7-12 tháng

Nước ta chỉ có 2 hãng hàng không giá rẻ là Vietjet Air và Jetstar Pacific, trong khi nhu cầu của người Việt Nam còn rất lớn. Tôi đánh giá chúng ta phải cần khoảng 10 hãng hàng không.

Tính cạnh tranh của thị trường hàng không Việt Nam cũng chưa phải đã cao, cần thúc đẩy cạnh tranh hơn nữa để các hãng buộc phải tăng chất lượng dịch vụ cũng như tính hiệu quả hoạt động. Chỉ có cạnh tranh mới giúp ngành hàng không phát triển và chỉ cạnh tranh mới có thể cho phép người dân hưởng lợi tốt hơn trong tương lai. Vấn đề quá tải hạ tầng chỉ trầm trọng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Cả nước vẫn còn những sân bay thừa năng lực, như Nội Bài đang thừa 10 triệu khách mỗi năm. Các sân bay khác như Đà Nẵng hay Nha Trang sắp tới cũng thừa.

Muốn phát triển du lịch cần chính sách dài hạn nhưng trước mắt, phải có giải pháp được thực hiện ngay để cho kết quả sau 7-12 tháng. Đặc biệt, những kiến nghị này không làm ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ và hợp với xu hướng hiện tại.

Ngân sách dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam hiện nay quá nghèo nàn, chỉ khoảng 2 triệu USD/năm, thấp hơn cả Lào và Campuchia. Công tác quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế do không có cơ quan quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia và chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm. Cần xây dựng quỹ quảng bá xúc tiến du lịch, tập trung tại các thị trường trọng điểm có mức thu nhập cao, trong đó nên chọn ra 7 thị trường chính với 14 quốc gia.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines:

Dương Trí ThànhCần thay đổi tư duy mở thị trường

Đường bay Hà Nội - TP HCM là đường bay nội địa nhộn nhịp thứ 5 trên thế giới về lưu lượng khách đi lại và là đường bay quá cảnh nhộn nhịp thứ 7 thế giới. Như vậy, có thể thấy rằng thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách du lịch.

Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không; đường biển, đường bộ và đường sắt đều không đáng kể. Để khai thác được tiềm năng, chúng ta cần phải có sự thay đổi cả về tư duy, phải xác định có sự hỗ trợ cần thiết cho các hãng hàng không đi trước mở đường.

Tuần trước, đối tác Nhật Bản đã mời Vietnam Airlines (VNA) bay đến đảo Hokkaido. Đối tác cho biết VNA đưa 1 khách sang Hokkaido chi tiêu khoảng 3.600 USD, họ sẵn sàng bù lỗ 500 USD/người - tức là phía Nhật Bản chỉ thu về 3.000 USD/khách để hỗ trợ hãng trong thời gian đầu mở thị trường.

Phía đối tác chiến lược của VNA là tập đoàn hàng không ANA (Nhật Bản) cho biết lợi nhuận của họ năm nay khá cao nhưng cũng bị chia sẻ bởi đang đầu tư đường bay mới vào Việt Nam. Giá thị trường hiện rất thấp song ANA vẫn bay, lỗ cũng bay vì thị trường Việt Nam tương lai khả quan.

Từ năm 2017, VNA đã ký hợp tác thỏa thuận về chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn 5 năm (2017-2021) đối với các thành phố là địa điểm du lịch quan trọng như Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Theo đó, VNA sẽ phối hợp với các thành phố này hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch trong các hội chợ du lịch trong và ngoài nước; nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay, mở đường bay mới và xây dựng cơ chế hỗ trợ các đường bay mới trong giai đoạn đầu nhằm kích cầu lượng khách. Đồng thời, VNA sẽ hợp tác tổ chức cho các đoàn báo chí, lữ hành đến từ châu Âu, Đông Bắc Á và châu Úc để tham quan, khảo sát, tìm hiểu tiềm năng du lịch tỉnh; cũng như giới thiệu điểm đến, môi trường đầu tư, sản phẩm du lịch của Việt Nam tới những thị trường này.

Tô Hà

Yến Anh
Nguồn Người lao động