H&M - phát triển nhờ vào chuỗi cung ứng

Góp phần không nhỏ trong thành công hiện tại của H&M là chuỗi cung ứng linh hoạt với khả năng liên tục “xâm chiếm” các thị trường tiền năng, cộng với triết lý tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm thiểu thời gian giao hàng và số lượng tồn kho.

H&M là tập đoàn thời trang lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Inditex - chủ sở hữu của Zara) với hơn 4.351 điểm bán lẻ khắp 64 nước và doanh thu hơn 27 tỷ USD trong năm 2016. H&M và Zara là hai tên tuổi áp dụng thành công nhất triết lý kinh doanh “thời trang nhanh” và cũng là 2 tập đoàn bán lẻ có độ phủ thương hiệu hàng đầu thế giới.

Góp phần không nhỏ trong thành công hiện tại của H&M là chuỗi cung ứng linh hoạt với khả năng liên tục “xâm chiếm” các thị trường tiền năng, cộng với triết lý tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm thiểu thời gian giao hàng và số lượng tồn kho.

Cùng tìm hiểu xem “kỳ phùng địch thủ” này của Zara đã làm gì để được tôn vinh trong Top 5 chuỗi cung ứng tốt nhất thế giới năm 2017.

Thiết kế

H&M duy trì một đội ngũ thiết kế tại Stockholm với hơn 60 thợ mẫu, được hỗ trợ bởi 700 nhà cung cấp và hơn 20 trung tâm sản xuất trên khắp thế giới.

Nhìn chung, triết lý thiết kế của H&M khá giống với Zara, hướng đến các mẫu mã thời thượng với số lượng ít và tần suất “ra lò” liên tục, một trong những đặc điểm nổi bật của mô hình “thời trang nhanh”. Tuy nhiên, Van den Bosch, thiết kế trưởng của H&M tin rằng, “thời trang nhanh” không đủ để diễn tả quy trình hoạt động tinh vi và phức tạp mà đội ngũ hơn 100 nhà thiết kế của H&M đang đảm nhận, khi họ phát triển và thống nhất các mẫu mã trước khi tung ra thị trường gần 1 năm.

Với kế hoạch này, năng suất thiết kế của H&M tăng gấp đôi so với mô hình thông thường, các bộ sưu tập của công ty được kết hợp giữa các mẫu mã theo định hướng lâu dài và các mẫu mã được phát triển ngay trong mùa thời trang thông qua phản hồi từ khách hàng và thị trường.

Hoạt động cốt lõi của H&M nằm ở khâu thiết kế để luôn nắm bắt được những xu hướng thời trang mới nhất, phần còn lại, từ sản xuất cho đến phân phối, H&M sử dụng một mạng lưới các công ty thuê ngoài, bao gồm cả việc dự đoán xu hướng thời trang qua công ty Worth Global Styles Network (WGSN).

H&M kết hợp giữa kinh nghiệm và tay nghề của các nhà thiết kế tại công ty với công nghệ mô phỏng và số liệu từ các đối tác với mục tiêu vượt qua các đối thủ trong việc nắm bắt xu hướng thời trang.

Sản xuất

Sự khác biệt và cũng là một điểm mạnh của H&M là việc quản lý và duy trì mối quan hệ với các nhà cung cấp. Không sở hữu bất kỳ một nhà máy nào, H&M thuê ngoài hơn 700 công ty tại 20 nước để duy trì hệ thống thu mua và sản xuất của mình. H&M thu mua nguyên liệu từ hơn 750 nhà cung cấp khác nhau, với 60% năng lực sản xuất nằm ở Châu Á và phần còn lại ở Châu Âu.

H&M sản xuất trước hơn 80% lượng hàng và chừa 20% năng suất nhà máy còn lại để phản ứng với nhu cầu và xu hướng của thị trường. H&M cạnh tranh về giá với các đối thủ khác bằng mối quan hệ tốt với hệ thống nhà cung cấp của mình.

Và để duy trì sự hiệu quả của mạng lưới thuê ngoài này, H&M sở hữu hàng chục nhân viên giám sát và điều phối trên khắp thế giới. Những nhân viên này hoạt động như là một cầu nối giữa H&M và nhà máy sản xuất, đảm bảo hàng hóa được hoàn thành với chất lượng cao nhất và giá thành hợp lý nhất.

Phân phối

Do đặc thù có nhiều nhà máy sản xuất khác nhau, H&M không vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến từng cửa hàng mà thay vào đó, sử dụng một mạng lưới các trung tâm phân phối trên khắp thế giới.

Mỗi trung tâm phân phối sẽ xử lý đơn hàng và vận chuyển đến các cửa hàng tại một hoặc nhiều nước mà trung tâm chịu trách nhiệm. Từng cửa hàng sẽ không lưu trữ hàng tồn kho và luôn phải tiếp nhận sản phẩm từ các trung tâm phân phối. Mỗi khi có một sản phẩm được thanh toán, trung tâm phân phối ngay lập tức tiếp nhận được dữ liệu và lên kế hoạch vận chuyển trong thời gian thực.

Với hướng đi thuê ngoài và sử dụng trung tâm phân phối, H&M còn ứng dụng thêm một mạng lưới quản trị dữ liệu tinh vi có thể giảm từ 15-20% thời gian sản xuất. Tuy nhiên, CEO của H&M - Karl-Johan Persson từng nhận định, chuỗi cung ứng của công ty hiện tại đã lỗi thời và có vẻ đang “hụt hơi” trước sự thay đổi và phát triển của cả thế giới.

"Công ty sẽ chuyển hướng về Châu Âu, có thể là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một nước nào đó," Persson cho hay. H&M sẽ hướng tới việc hợp tác với các nhà cung cấp linh hoạt hơn để giảm thiểu thời gian sản xuất và gia tăng tốc độ để đuổi kịp các đối thủ trên thị trường.

Lê Thanh Sang
Nguồn Trí thức trẻ