Giấc mơ smartphone của ông chủ tivi Việt

Tạo dựng thương hiệu Asanzo với sản phẩm nổi bật nhất là tivi, ông Phạm Văn Tam còn đặt nhiều tâm huyết vào dòng smartphone mà hãng sắp ra mắt.

Tháng 8, khoảng 20.000 smartphone mang tên Asanzo sẽ ra mắt, làm nóng thị trường điện thoại vốn cạnh tranh mạnh mẽ.

Ghi nhận từ trang chuyên thống kê dữ liệu Statista cho thấy, số người dùng smartphone tại Việt Nam năm 2015 và 2016 là 20,6 triệu và 24,6 triệu. Con số này ước đoán sẽ lên 28,5 triệu trong 2017, chạm mốc 40 triệu vào 2021.

Đánh giá phân khúc điện thoại thông minh còn nhiều tiềm năng phát triển, vị doanh nhân gốc Quảng Ninh kỳ vọng có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong 2 năm tới. Để hiện thực hóa mong muốn đó, 3 năm qua, ông từng bước hoàn thiện hệ thống phần cứng cho sản phẩm.

"Smartphone là một phần của kế hoạch kinh doanh mới, trong đó chú trọng nâng cao đẳng cấp thương hiệu, khẳng định chúng tôi không chỉ có 1-2 sản phẩm", ông chia sẻ.

Phạm Văn Tam

Ông Phạm Văn Tam sắp tung ra thị trường dòng smartphone mang thương hiệu Asanzo. Ảnh: Minh Trung.

Ba năm trước, ông Tam đối đầu với hàng loạt thương hiệu tivi ngoại và nhanh chóng giành 15% thị phần phân khúc tầm trung. Từ chiếc tivi với mức giá phù hợp cho người Việt tới sản phẩm smartphone lần này, triết lý kinh doanh của ông không thay đổi. Đó là mang giá trị thật cho người tiêu dùng, tức chiếc smartphone sẽ tối giản linh kiện nhưng đầy đủ tính năng hữu ích, với mức giá tốt nhất cho người dùng.

"Sản phẩm sẽ thời thượng, cập nhật mẫu mới, kiểu dáng không thua kém các hãng khác, cấu hình cao", ông tiết lộ. Kho ứng dụng sẵn có với nhiều tiện ích về chăm sóc sức khỏe, giá cả thị trường, thời tiết... cũng tạo cơ hội hợp tác cho các nhà phát triển ứng dụng trong nước. Những ứng dụng này hoàn toàn miễn phí cho người dùng.

6 tháng đầu năm nay, ông Tam chi hàng triệu USD đầu tư về nhân lực và công nghệ cho "quân bài chiến lược" sẽ tung ra thị trường trong 2017. Trong đó ngốn nhiều nhất là kinh phí thuê kỹ sư nước ngoài hoàn thiện phần mềm của smartphone với giá vài chục nghìn USD mỗi tháng.

Ông cũng dự trù một khoản kinh phí để kịp xoay vòng vốn trong thời gian đầu ra mắt sản phẩm. Với vị CEO đã có hơn 10 năm bươn chải thương trường, kinh doanh smartphone không phải là canh bạc mà có sự tính toán kỹ lưỡng.

Chọn lối đi và phân khúc riêng, ông Tam không xem bất cứ thương hiệu nào là đối thủ. Ông tạo một hệ sinh thái phân phối điện thoại mới toanh. Với hệ thống 6.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam của Asanzo, CEO cho rằng không lý do gì phải đưa sản phẩm vào các kênh bán lẻ hiện hữu để cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu khác.

Nghiên cứu từ GFK Việt Nam chỉ ra thị trường di động năm 2016 tăng trưởng 25% so với năm 2015, đạt 91.790 tỷ đồng.

Công ty tận dụng kênh phân phối của mình để phát triển thêm dòng sản phẩm mới, với tập khách hàng và phân khúc sẵn có. Đó là nơi tập trung nhiều mặt hàng như điện thoại, điện máy, điện lạnh hoặc các loại thực phẩm. "Các siêu thị, điểm bán lẻ hiện nay có quá nhiều thương hiệu, tại sao lại không chọn đứng một chỗ riêng, nơi khí trời mát mẻ hơn? Asanzo khẳng định sẽ làm được vì đang có hệ thống phát triển tốt", ông chia sẻ.

Sự "sẵn có" cũng được tận dụng triệt để với hệ thống chăm sóc khách hàng phủ sóng toàn quốc. Am hiểu thị trường, văn hóa vùng miền, tầng lớp, lứa tuổi của người Việt Nam, nhà phân phối là thế mạnh mà ông Tam cho rằng không nhiều doanh nghiệp nước ngoài có được. Nhờ đó, công ty có sự linh hoạt chính sách cho từng vùng như Bắc, Trung, Nam, thúc đẩy doanh số bán hàng.

Tự tin dòng điện thoại mới sẽ được thị trường đón nhận như tivi, ông Tam đã lên kế hoạch cho smartphone phiên bản 2, 3... trình làng tiếp sau đó.

Phần lớn thị phần smartphone tại Việt Nam đang thuộc về các thương hiệu nước ngoài. Cạnh tranh khốc liệt là bối cảnh chung trên thế giới. Nhiều hãng điện thoại đã rút lui bởi không theo kịp sự phát triển như vũ bão của công nghệ và thói quen người dùng liên tục thay đổi.

Nhiều năm qua, không ít thương hiệu điện thoại Việt bước vào sân chơi này cùng các ông lớn nước ngoài. Chênh lệch về tiềm lực công nghệ và tài chính khiến nhiều công ty lao đao và im hơi lặng tiếng rời khỏi thị trường.

Doanh nhân 8x nhận ra những thất bại ấy là do chưa có sự chuẩn bị. Còn riêng ông, đã có định hướng từ rất lâu, cả về phân khúc khách hàng, chuỗi cửa hàng, nhà phân phối và tiện ích sản phẩm.

Ở Việt Nam, lực lượng dân số trẻ và ngày càng tăng trở thành mảnh đất màu mỡ không đại gia nào muốn bỏ qua. Nghiên cứu từ GFK Việt Nam chỉ ra thị trường di động năm 2016 tăng trưởng 25% so với năm 2015, đạt 91.790 tỷ đồng.

Ảnh: Tạp chí công nghệ.

"Mục tiêu của tôi là nắm 5% thị phần trong vòng 2 năm, ở phân khúc giá tầm trung", ông kỳ vọng.

Mong muốn ấy hoàn toàn có cơ sở. Smartphone tiêu thụ nhanh hơn điện tử vì người dùng có thể thay điện thoại trong vài ba tháng. Theo ông Tam, đây là thị trường lớn và quan trọng là nhà sản xuất có biết nắm bắt, cập nhật công nghệ hay không.

"Đã dấn thân vào ngành này bắt buộc phải thay đổi và thích nghi nhanh. Tôi tham gia cuộc chơi và sẵn sàng chi hàng triệu USD nhưng những việc làm này hoàn toàn có cơ sở, có định hướng. Nguồn thu nhập từ các sản phẩm hiện tại sẽ trang trải cho các chi phí kinh doanh smartphone trong thời gian đầu", ông giải thích.

Hiện nhiều nhà phân phối online và offline chờ đợi tín hiệu từ ông Tam để tiếp cận smartphone của công ty.

Ông hồi hộp. Bởi không đơn giản là việc thị trường có đón nhận hay không, mà vì giấc mơ ấp ủ nhiều năm trời sẽ thành hiện thực trong tháng 8, khi dòng smartphone mang tên Asanzo xuất hiện trên thị trường.

Với ông, đó không chỉ là cuộc chiến với đối thủ, mà là thử thách của lòng đam mê.

Trương Sanh
Nguồn VnExpress