Thị trường bán lẻ 6 tháng vượt 64,3 tỉ đô la Mỹ

Thị trường bán lẻ trong nước trong nửa đầu năm nay vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định hơn 10%, ước tính đạt 243,5 nghìn tỉ đồng (tương đương hơn 64,3 tỉ đô la Mỹ).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 rồi, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 243,5 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng 10,85 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay lên hơn 64,3 tỉ đô la Mỹ. Kết quả này so với cùng kỳ năm ngoái tăng 10,2%. Đây cũng là mức tăng của thị trường bán lẻ của cả năm 2016 so với năm 2015.

Kết quả doanh thu và mức tăng trưởng này của thị trường bán lẻ trong nước được giới phân tích nhận định là khá cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.

Điều này cũng được các công ty tư vấn thị trường quốc tế nhận định qua các khảo sát toàn cầu. Cụ thể hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney vào đầu tháng 6 rồi đã công bố Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ sáu trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) và đây là sự trở lại tốp cao trong bảng xếp hạng mà Việt Nam đã từng đạt được trong lịch sử của chỉ số do hãng thực hiện.

Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh ở mô hình siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Khách xếp hàng chờ tính tiền trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven ở Việt Nam. Ảnh: Quốc Hùng.

Theo khảo sát hàng năm về chỉ số GRDI này của A.T. Kearney, năm nay Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (thứ 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (thứ 16), Saudi Arabia (thứ 11)...

Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang hấp dẫn trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý theo báo cáo của cơ quan thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay trong lĩnh vực bán lẻ có nhiều ngànhh hàng tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6%; may mặc tăng 9,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại cùng tăng 8,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,7%...

Điều này cũng khá trùng hợp với khảo sát nói trên của hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney cũng như diễn biến của thị trường và nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực này hiện nay. Cụ thể như ở lĩnh vực văn phòng phẩm - giáo dục, nhìn thấy tiềm năng của thị trường này mới đây (ngày 1-7), nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm văn phòng phẩm B2S (business to school) đầu tiên tại Việt Nam, đặt ở TPHCM.

Khảo sát của AT Kearney cũng chỉ ra mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ (mini-marts) là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay. Điều này cũng được khẳng định bằng việc xâm nhập thị trường của gã khổng lồ cửa hàng tiện lợi thế giới 7-Eleven vào trung tuần tháng rồi, bên cạnh hàng loạt chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình này đến sớm hơn và ngày càng mở rộng chuỗi cửa hàng như Circle K, FamilyMart, Ministop, Shop & Go, B's mart,...

Khả năng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt đến gần 130 tỉ đô la Mỹ trong năm nay so với mức khoảng 118 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái và gần 110 tỉ đô la Mỹ của năm 2015.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh cửa hàng 24 giờ này đang dành riêng cho các thương hiệu nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam chưa có thương hiệu cửa hàng 24 giờ và đang đứng ngoài cuộc chơi này.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, giới phân tích nhận định khả năng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt đến gần 130 tỉ đô la Mỹ trong năm nay so với mức khoảng 118 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái và gần 110 tỉ đô la Mỹ của năm 2015.

Kết quả này được cho là đạt sớm hơn những dự báo trước đó của các công ty tư vấn quốc tế về thị trường bán lẻ trong nước là chỉ đạt gần mốc 100 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016 và phải đến năm 2017 mới đạt được 109 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, rõ ràng thị trường bán lẻ trong nước đang tăng trưởng nhanh và có doanh số lớn hơn khá nhiều so với dự báo của nhiều nhà bán lẻ và các công ty tư vấn quốc tế đánh giá.

Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều.

Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn