Người Việt mua sắm trực tuyến nhiều thứ 4 Châu Á/Thái Bình Dương

Theo Khảo sát Mua sắm Trực tuyến mới nhất của Mastercard tại Châu Á/Thái Bình Dương (TBD), cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì có đến 9 người (92%) đã mua sắm qua mạng, đứng thứ 4 trong khu vực chỉ sau Hàn Quốc (96,7%), Ấn Độ (95,8%), và Nhật Bản (95%).

Những nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện dẫn đầu danh mục các website được ghé thăm nhiều nhất, tiếp theo là các siêu thị trực tuyến (37,3%), và những cửa hàng ứng dụng (36,9%).

Mặc dù an toàn vẫn là yếu tố sống còn khi mua sắm qua mạng, nhưng điều này vẫn không ngăn cản những người tiêu dùng trong khu vực mua sắm trực tuyến. Tại Việt Nam, tuy chỉ có 34% người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy an toàn khi mua sắm qua mạng, nhưng khi được hỏi thì có đến 96,2% người tiêu dùng trả lời sẽ thực hiện thêm ít nhất một giao dịch mua sắm trực tuyến trong nửa đầu năm 2017 – xếp thứ hai trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc (97,3%).

Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Theo nghiên cứu, yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc thu hút người tiêu dùng trong khu vực Châu Á/TBD mua sắm trực tuyến vẫn là việc mang lại những phương tiên thanh toán an toàn (85,9%), song song đó là giá cả (85,5%) và sự tiện lợi (85,1%).

Để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực, còn nhiều việc mà các doanh nghiệp có thể thực hiện nhằm cải thiện trải nghiệm mua sắm của người dùng, đứng đầu là miễn phí hoặc tính phí giao hàng thấp (62,9%), đảm bảo giao dịch an toàn (45,9%) và giảm thiểu những sự cố trong quy trình giao dịch (44,1%).

Khi chọn lựa địa điểm mua sắm trực tuyến, đa số người tiêu dùng trong khu vực Châu Á/TBD thường nghe lời giới thiệu từ bạn bè và gia đình (36,1%), kế đến là các trang mạng xã hội (27,4%) và những nguồn tin truyền thống và trực tuyến (17,5%).

“Người tiêu dùng tại Châu Á/TBD muốn có nhiều tiện lợi và an toàn hơn khi mua sắm trực tuyến. Do đó, chúng ta không thể ngừng phát triển những giải pháp nhằm giải quyết và ngăn chặn những nỗi lo tiềm ẩn về an toàn và an ninh khi thanh toán. Một vài trong số này bao gồm ví kỹ thuật số và thanh toán sinh trắc học có thể giúp tái định hình và định nghĩa lại trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng,” là nhận xét của ông Ben Gilbey, Phó Chủ tịch cấp cao thuộc Bộ phận Thanh toán và Nghiên cứu, chi nhánh khu vực Châu Á/TBD của Mastercard.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư