'Ông lớn' phân phối điện tử tuột dốc khi buông Nokia

Kết quả kinh doanh 2 năm gần đây của Digiworld giảm mạnh do công ty vẫn đang chật vật tìm kiếm sản phẩm mới thay thế sau khi ngừng phân phối điện thoại Nokia.

Báo cáo tài chính mới được Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, MCK: DGW) công bố cho thấy, lũy kế doanh thu đạt 3.843 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 67 tỷ. Kết quả này lần lượt giảm 9,5% và 34,8% so với năm trước, đồng thời kéo dài chuỗi sụt giảm từ 2014 đến nay.

Đầu năm 2016, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu 5.430 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì các sản phẩm trong mảng điện thoại là thương hiệu mới nên sức tiêu thụ không như kỳ vọng, cộng thêm thời gian ra mắt sản phẩm của đối tác chậm hơn dự kiến khiến công ty phải điều chỉnh kế hoạch lần lượt giảm 27% và 53,5% so với mục tiêu ban đầu.

Theo ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Digiworld, doanh số bán hàng của Nokia sụt giảm và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng hơn 38% so với năm trước do tập trung phát triển đội ngũ nhân sự là nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh kém khả quan trong thời gian gần đây.

Digiworld vẫn đang chật vật sau khi không còn phân phối mảng điện thoại di động cho Nokia.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2016, ban lãnh đạo công ty tuyên bố ngừng phân phối nhóm sản phẩm điện thoại của Microsoft sau khi nhà cung cấp thay đổi chiến lược kinh doanh khiến thị phần ngày càng thu hẹp. Đây từng là dòng sản phẩm đóng góp đến 21% vào tổng doanh thu của công ty.

Doanh thu hiện tại và trong tương lai ngắn hạn của Digiworld vẫn đến từ 3 mảng chính gồm: máy tính xách tay, thiết bị văn phòng và điện thoại thông minh. Trong đó, mảng điện thoại thông minh phân khúc bình dân mà công ty đang hướng tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt, tăng tỷ lệ đóng góp vào tổng doanh thu từ 15% lên 35% trong vài năm tới. Hiện công ty đang dồn sức chiếm lĩnh phân khúc này với những thương hiệu mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam như: Obi, Freetel, Intex. Mới đây, công ty đã bắt tay với hãng công nghệ Trung Quốc Xiaomi để phân phối và cung cấp dịch vụ bảo hành cho tất cả sản phẩm của hãng này.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), nếu không tính các khoản còn phát sinh từ phân phối điện thoại Nokia trong năm qua thì ước tính doanh thu của các thương hiệu mới do công ty phân phối độc quyền tăng khoảng 200%.

Phương Đông
Nguồn VnExpress