Giáo dục trực tuyến: Mô hình nào sẽ thành công?

Thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam ước tính có quy mô tính bằng tỷ USD, nhưng còn quá nhiều rào cản cho cuộc cách mạng rất tiềm năng này.

Alex Tabarrok, một nhà kinh tế tại Đại học George Mason (Mỹ) và đồng sáng lập của một trang web giáo dục trực tuyến, Marginal Revolution University, ví giáo dục trực tuyến như mô hình của ngành công nghiệp giải trí vì sẽ cũng đến ngày các giáo sư nổi tiếng trên khắp thế giới như các siêu sao trong ngành công nghiệp giải trí. Không chỉ vậy, giáo dục trực tuyến cũng có cơ hội bùng nổ như một thị trường đầy tiềm năng.

Mô hình tiềm năng

Sự ra đời của internet, giáo dục trực tuyến có thể xoá đi mọi rào cản. Bất cứ ai có kiến thức, khả năng truyền đạt tốt đều có thể trở thành người đi dạy và bất cứ ai có nhu cầu đều có thể đi học. Dù chi phí sản xuất cao nhưng các khóa học trực tuyến có cơ hội mang lại lợi nhuận cao nhất.

Theo nghiên cứu của Global Industry Analysts, thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu đạt hơn 100 tỉ USD trong năm 2016. Còn theo The Economist, số người đăng ký học trực tuyến trên thế giới năm 2016 đạt 60 triệu người và dự báo đạt 70 triệu người trong năm nay. Với nhiều đại học danh tiếng trên thế giới, không quá ngạc nhiên khi Mỹ hiện là quốc gia có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MOOC (Massive Online Open Coures - các khóa học trực tuyến quy mô lớn) nổi tiếng nhất. Có thể kể đến như Coursera, edX và Udacity. Hơn 17 trường đại học hàng đầu của Mỹ và các quốc gia khác cung cấp những khóa học trực tuyến miễn phí thông qua Công ty Giáo dục Trực tuyến Coursera, trong đó có cả các trường đại học nổi tiếng như Harvard và Massachusetts.

Giáo dục trực tuyến cũng được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm. Ông Nguyễn Thành Nam, người sáng lập Đại học Trực tuyến FPT (FUNiX), cho biết, trước năm 2010, đã có các đơn vị tiên phong tìm kiếm cơ hội kinh doanh với mô hình này như Violet.vn, hocmai.vn TOPICA..., phần lớn đi theo mô hình e-learning. Đến năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động dự án đại học ảo nhưng không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường.

Tháng 8.2013, GiapSchool là đơn vị đầu tiên mở cổng MOOC với nhiều khóa học trong các lĩnh vực khác nhau. Khoảng 2 năm sau, FPT tham gia bằng một dự án MOOC khác mang tên FUNiX. Theo ông Nguyễn Trí Hiển, chuyên gia nghiên cứu giáo dục trực tuyến, đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 150 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Các đơn vị này cung cấp chương trình giảng dạy từ thiếu nhi, đại học cho đến người đi làm.

Với 40% dân số kết nối internet, chủ yếu là giới trẻ, nhu cầu học hành cao. Mỗi năm, người Việt Nam chi 3-4 tỉ USD để cho con cái du học. Vì thế, thị trường giáo dục đào tạo trực tuyến đang đầy tiềm năng với quy mô lớn cùng tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm, ước tính quy mô thị trường không dưới 2 tỉ USD. Do đó, không chỉ các doanh nghiệp trong nước đầu tư, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc hay Singapore. “Hiện nay, có 5 đơn vị đang dẫn đầu thị trường là Topica, FUNiX, Kyna, Tienganh123 và eGroup”, ông Hiển nhận định.

Rào cản tại thị trường Việt Nam

Tại các nước đang phát triển, giáo dục trực tuyến là cơ hội lớn để đẩy nhanh cải cách giáo dục, đào tạo. Qua đó, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trong lúc giáo dục Việt Nam chuyển biến quá chậm thì đào tạo trực tuyến có thể đẩy nhanh tốc độ cải tiến giáo dục. Dù được đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn và khả năng bùng nổ cao, nhưng cho đến nay, nguồn lực đầu tư vào giáo dục trực tuyến vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong năm 2016, tổng số tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong ngành giáo dục bằng công nghệ trên toàn cầu là gần 8 tỉ USD, tương đương với thị trường trò chơi trực tuyến, dù ngành giáo dục được định giá lớn hơn 50 lần, tương đương 91 tỉ USD.

Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 309 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Topica Founder Institute, năm 2015, có 67 công ty khởi nghiệp nhận được đầu tư, 3 đến 4 trong số đó là vào giáo dục trực tuyến. Đến năm 2016, chỉ có Kyna.vn (trước đây là Delta Việt), đơn vị chuyên cung cấp các khóa học đào tạo kỹ năng mềm và chuyên môn nhận đầu tư từ Quỹ CyberAgent Ventures (Nhật).

Trên thế giới, theo The Economist, các khóa học trực tuyến thu hút nhiều học viên tham gia nhất là quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, khoa học và khoa học xã hội. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ), nhóm người thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 80% số đăng ký khóa học MOOC. Ở Việt Nam, theo ông Hiển, giống như nhiều dự án công nghệ khác, các công ty giáo dục trực tuyến ở Việt Nam phát triển một cách tự phát. Vì thế, trong 3 năm trở lại đây, dù chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường nhưng chỉ là yếu tố “lượng”, “chất” vẫn thiếu.

Giáo dục số có các mô hình học trực tuyến, gồm: Video Streaming, tương tác người - máy và tương tác người - người. Cho đến nay, mô hình học trực tuyến tương tác giữa học viên và giảng viên được lựa chọn nhiều hơn. Mặc dù vậy, phần lớn các chương trình tại Việt Nam vẫn tập trung vào phần luyện thi đại học, luyện tiếng Anh hay các khóa học về kỹ năng mềm. Cách làm của doanh nghiệp giống nhau, dẫn đến việc đi vào lối mòn dạy và học. “Sinh viên học vì bị bắt buộc, mở video chạy đối phó cho đủ giờ; số khác đăng ký học rồi bỏ giữa chừng vì không chủ động hoặc thiếu sự giúp đỡ khi gặp thắc mắc về kiến thức. Theo tôi biết, nấu ăn và làm đẹp mới là nghề được học phổ biến nhất trên internet”, ông Nam của FUNiX nói.

Nhóm người thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 80% số đăng ký khóa học MOOC. Ảnh: central.com.

Có thể nhìn thấy khá nhiều rào cản lớn đối với các khóa học trực tuyến như khoảng cách giữa người dạy và học, thói quen học, hạ tầng công nghệ... Doanh nghiệp đầu tư nội chủ yếu đến từ nhóm công nghệ thông tin và nhóm giáo viên muốn tham gia vào lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Còn các nhà đầu tư nước ngoài thiên về hướng đưa các chương trình đã thành công trên thế giới về Việt Nam nhưng phần địa phương hóa lại chưa đủ hấp dẫn nên thiếu nhiều tay chơi lớn để tạo ra một thị trường sôi động. Bên cạnh đó, xã hội Việt Nam cho đến nay vẫn đặt nặng tư duy bằng cấp nhưng vẫn không nhiều doanh nghiệp có thể “đóng dấu” vào tấm bằng của người học sau khi tốt nghiệp. Cho đến nay cả thị trường chỉ có Topica và FUNiX là có bằng được chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lời giải bài toán “con gà - quả trứng”

Giáo dục trực tuyến nằm trong loại hình hoạt động thứ tư của nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn chưa có công thức tài chính chuẩn cho lĩnh vực này. Hiện nay, các khóa học trực tuyến dần phát triển và phải tìm kiếm nguồn doanh thu mới. Với MOOC, các giảng viên không còn cần phải làm việc trực tiếp với một trường đại học mà hoàn toàn có thể tạo ra các ebook hoặc bán các bài giảng. Một nhà đầu tư đào tạo tiếng Anh trực tuyến tại Việt Nam tính toán: nếu trong một năm có 20.000 lượt học và giá mỗi bài giảng là 10.000 đồng, thì doanh thu một năm trên mỗi bài giảng là 200 triệu đồng. Lợi nhuận tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo. Phép tính này rất hấp dẫn nhưng trong khi thị trường chưa sẵn sàng và giáo dục trực tuyến là mô hình kinh tế dựa trên quy mô, một câu hỏi thú vị đặt ra là mức độ đầu tư vào mô hình này như thế nào và khi nào sẽ hái trái ngọt?

Coursera hiện là đơn vị kinh doanh giáo dục trực tuyến lớn nhất thế giới, cung cấp 1.700 khóa học cho 24 triệu học viên trên toàn cầu. Kể từ khi thành lập vào năm 2011, doanh nghiệp này đã được đầu tư tổng cộng hơn 140 triệu USD và vẫn chưa có lợi nhuận. Tương tự, Udacity, một đơn vị chuyên cung cấp các khóa học trong lĩnh vực công nghệ với 11.000 học viên, cũng chưa thấy lợi nhuận dù đã được đầu tư hơn 160 triệu USD. Theo tìm hiểu của NCĐT, phần lớn các khóa học của Udacity có giá khoảng 4,5 triệu đồng (199 USD/tháng), trong khi Coursera đang chuyển sang hình thức thuê bao với mức phí từ 39-89 USD mỗi tháng.

Ở Việt Nam, ông Thành Nam cho rằng đầu tư vào giáo dục trực tuyến hiện nay là bài toán chưa rõ chi phí. Ở mô hình đại học truyền thống, doanh nghiệp phải có giấy phép, có đất, có đội ngũ giáo viên cơ hữu, có thời gian biểu... Đây là các thông số cố định có thể tính toán giá học phí đầu ra để đảm bảo lợi nhuận. Còn giáo dục trực tuyến thì khác, doanh nghiệp có thể bắt đầu với chi phí rất thấp nhưng tốc độ mở rộng của nhóm này rất nhanh và không giới hạn về số lượng lẫn khung giờ tham gia, từ đó sẽ phát sinh nhiều chi phí không lường trước được.

Chẳng hạn, các khóa học MOOC đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người bao gồm cả quay phim chụp ảnh, thiết kế giảng dạy, các chuyên gia công nghệ thông tin và các chuyên gia nền tảng... “Chỉ khi có số lượng học viên nhất định, doanh nghiệp mới có thể giải được bài toán chi phí khi đầu tư mô hình này”, ông Thành Nam cho biết. Hiện FUNiX chỉ giới hạn trong chuyên môn ngành công nghệ thông tin với hơn 1.000 học viên tham gia trong 16 tháng qua.

Kể từ khi được đầu tư, Kyna.vn đã phát triển thêm nhánh Quản trị kinh doanh trực tuyến Mana, nền tảng học và luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ KynaLingo và giải pháp đào tạo nội bộ trực tuyến KynaBiz. Công ty cũng đang thử nghiệm đưa vào yếu tố gamification (hình thức đưa các yếu tố trò chơi điện tử vào việc học tập), nhằm gia tăng sự hứng thú của học viên. Bà Hồ Hồng Bảo Trâm, Giám đốc Điều hành Kyna Group, cho biết hiện có khoảng 400.000 người đăng ký học tại Công ty.

Trên thực tế, dù chưa thể thay thế nhưng xu hướng giáo dục trực tuyến cũng đang tác động lớn đến mô hình giáo dục truyền thống. Theo Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Giám đốc Điều hành khối Cao đẳng Việt Mỹ (IAE), đầu tư công nghệ là xu hướng tất yếu trong giáo dục vì chi phí của giáo dục truyền thống quá cao, hạn chế sự tiếp cận của nhiều gia đình. IAE hiện sở hữu 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 2 hệ thống đào tạo tiếng Anh với tổng số học viên là 20.000 người nhưng cũng đang trong kế hoạch lên internet.

Việc ứng dụng công nghệ, trước mắt sẽ giải quyết bài toán nhân lực, với mô hình truyền thống, đào tạo 2,5 triệu sinh viên cần khoảng 100.000 giáo viên trong khi giáo dục trực tuyến cần con số ít hơn nhiều. “Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến hiện cũng không đơn giản, chi phí sản xuất cho mỗi bàn giảng lên đến vài chục triệu đồng nhưng chỉ thu lại tầm 300.000 đồng. Rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ vài triệu USD vào lĩnh vực này nhưng vẫn chưa hái được trái ngọt”, ông Minh nói.

Theo chuyên gia Trí Hiển, đầu tư giáo dục trực tuyến là đầu tư đường dài, không thể có lời nhanh nhưng khi thương hiệu, chất lượng sản phẩm được chào đón thì mô hình này sẽ đem lại lợi nhuận đột biến vì chỉ mất một lần chi phí sản xuất nội dung nhưng có thể khai thác nhiều lần. “Thị trường giáo dục trực tuyến 2017 là năm bản lề, bước ngoặt chuyển đổi giữa số lượng sang chất lượng. Từ đó sẵn sàng cho việc xuất hiện nhiều tên tuổi, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập, nhiều ông lớn trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến xuất hiện trong năm 2018 và 2019”, ông Trí Hiển nhận định.

Công Sang - Đức Tài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư