Uber - Từ dẫm chân người khác đến dẫm chân chính mình

Quan điểm không khoan nhượng của Kalanick đã giúp Uber trở thành một công ty toàn cầu trong hơn 7 năm qua. Với giá trị ước tính 70 tỷ USD, Uber có thể áp đảo mọi hãng khởi nghiệp khác trong lịch sử Thung lũng Silicon. Sự kiêu ngạo của Kalanick đã gắn liền với hình ảnh Uber.

“Uber trở thành công ty như ngày nay là nhờ ông ấy. Họ sẽ không được định giá cao như thế nếu không có Kalanick”, Bradley Tusk - một trong những nhà đầu tư khá sớm vào Uber nhận xét.

Tuy nhiên, hàng loạt khủng hoảng trong vài tuần gần đây đã khiến người ta nghi ngờ giá trị Uber. Chúng làm dấy lên câu hỏi liệu có phải Kalanick có sai lầm hay không? Có chen lấn quá đà không và có đủ sự chín chắn để đưa công ty đến IPO hay không?... Nói cách khác, chính văn hoá doanh nghiệp mà Kalanick tạo ra có lẽ đang khiến Uber tự dẫm chân mình trên con đường phát triển tiếp theo.

Sự nghiệp của CEO Uber - Travis Kalanick.

Giữa cơn bão chỉ trích của người dùng và nhà đầu tư về văn hóa “độc hại” tại Uber, Kalanick vài ngày trước cho biết ông đang tìm một Giám đốc Tác nghiệp (COO). Người này sẽ là bạn đồng hành với Kalanick trong việc quản lý Uber. Thông điệp của ông rất rõ ràng: CEO 40 tuổi này cần một ai đó như Sheryl Sandberg — COO của Facebook. Bà là người giúp cân bằng những khiếm khuyết của CEO trẻ tuổi — Mark Zuckerberg trong những năm trước khi mạng xã hội này IPO.

Sóng gió đầu năm

Cuộc khủng hoảng của Uber bắt đầu từ tháng trước, khi Susan Fowler — một cựu kỹ sư tiết lộ cô đã bị cấp trên quấy rối và phân biệt đối xử tại công ty. Fowler nói rất kỹ về việc phòng nhân sự đã lờ đi những phàn nàn của cô như thế nào. Kalanick cho rằng những tiết lộ này “rất kinh khủng và đi ngược với văn hóa của Uber”, rồi lập một nhóm điều tra sự việc trên.

Kể từ đó, Uber liên tiếp rơi vào tình huống khó. Alphabet - công ty mẹ của Google - kiện Uber với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về xe tự lái. Sau đó, đoạn video về việc Kalanick văng tục khi tranh cãi với một lái xe Uber về giá cước được đưa lên mặt báo. CEO Uber sau đó đã phải xin lỗi về việc này.

Dấu mốc

Cựu kỹ sư tại Uber - Susan Fowler - tiết lộ đã bị phân biệt đối xử và quấy rối tại công ty.

Đầu tháng 3, hai lãnh đạo cấp cao liên tiếp rời công ty. Đến tuần này, một nhân viên nghiên cứu hàng đầu của họ về trí tuệ nhân tạo cũng dứt áo ra đi. Uber gần đây còn bị phát hiện dùng phần mềm bí mật để qua mặt giới chức tại các địa điểm họ bị cấm hoạt động.

Mỗi lần Uber lâm vào tình cảnh khủng hoảng liên tiếp, Kalanick lại cố chứng tỏ ông đang cải thiện tình hình. Và đây cũng chẳng phải lần đầu. “Tôi phải thay đổi căn bản, trong vai trò là một lãnh đạo. Và phải trưởng thành lên nữa”, ông viết trong email xin lỗi sau vụ cãi nhau với lái xe Uber, “Tôi cần sự trợ giúp về mặt lãnh đạo”.

Tuyển một COO dày dạn kinh nghiệm sẽ trấn an được các nhà đầu tư. Phần lớn họ vẫn luôn ủng hộ Kalanick, bất chấp các sai lầm gần đây của ông. “Tôi cảm thấy khá hài lòng khi Travis làm chủ được vấn đề và nhanh chóng có cách giải quyết”, Jason Calacanis nhận xét, “Một COO đẳng cấp thế giới sẽ san sẻ được kha khá gánh nặng cho Travis, giúp ông ấy có thời gian hít thở và trưởng thành”.

Quyền lực tối cao

Tuy nhiên, nhiều người từng làm việc với Kalanick cho rằng muốn ông chia sẻ quyền lực là rất khó. Làm CEO từ năm 2009, Kalanick đã quen với việc có toàn quyền trong tay. Ông cũng nổi tiếng thích nhảy từ nhóm này sang nhóm khác để giúp họ giải quyết vấn đề của thời điểm đó. Ít nhất một cổ đông từng than phiền rằng Kalanick có thể không phải người thích hợp để dẫn dắt công ty đến IPO.

“Đã đến lúc ông ấy nên lùi lại, và tiếp tục vai trò giám đốc sáng tạo hay giám đốc giải quyết vấn đề. Còn nếu là CEO thì phải trưởng thành lên”, người này cho biết.

Các cổ đông cũng bày tỏ sự lo lắng về phong cách lãnh đạo có phần quyết liệt của Kalanick. Họ cho rằng các cấp phó của ông quá tôn sùng CEO.

“Ông ấy rõ ràng đã tạo ra một văn hóa sùng bái Travis. Việc này sẽ trở nên rất nguy hiểm”, một trong các cổ đông nhận xét, “Ông ấy phải thay đổi văn hóa này, bằng cách đưa lên những người không ngại cất tiếng nói và cho họ quyền tạo ra sự thay đổi”.

Phong cách lãnh đạo của Kalanick không phải vấn đề duy nhất của Uber hiện tại. Mà chính các giá trị của ông cũng đang lung lay. Uber có 14 nguyên tắc, từ “làm việc như máy bơm” đến “tư duy của nhà vô địch” . Những nguyên tắc này đã gắn bó với họ từ thời kỳ đầu và rất khó tách rời.

Kalanick từ lâu đã theo chủ nghĩa khách quan - một lý thuyết của tác giả sách Ayn Rand về việc chỉ dựa vào bản thân. Những phác họa của Rand về doanh nhân trong cuốn sách của mình khiến Kalanick cảm thấy bị thu hút.

Trước Uber, Kalanick từng thành lập 2 công ty nhỏ. Một đã phá sản. Đường thành công của ông cũng chẳng dễ dàng gì. Nhưng chúng khiến Kalanick trở nên dày dạn kinh nghiệm trận mạc, luôn khát khao và thích khởi nghiệp. Mỗi khi diễn thuyết trước công chúng, hoặc trước nhân viên, Kalanick lại nói về nhiệm vụ tham vọng của Uber - cung cấp phương tiện giao thông một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi cho mọi người.

Văn hóa chiến thắng bằng mọi giá

Tuy nhiên, ông cũng tạo ra một môi trường làm việc khắc nghiệt tại Uber. Trên Financial Times, các cựu nhân viên hãng này đều nói về những giờ làm việc dài dằng dặc và văn hóa cạnh tranh lẫn nhau ngay trong công ty.

“Khi tôi gia nhập Uber, nó như là bước chân vào một cái máy chém vậy”, một nhân viên làm việc tại Uber 7 tháng cho biết. Người này cho rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của công ty đã tạo ra khoảng trống về lãnh đạo. Còn nhân viên thường xuyên phải giấu thông tin mình có với người khác, để được thăng tiến. Fowler cũng nhận xét Uber là một tổ chức “ngày càng hỗn loạn”.

Các nhà tuyển dụng thì cho rằng môi trường làm việc tại Uber không phải dành cho tất cả mọi người. Guillaume Champagne - Chủ tịch SCGC nhận xét Uber và Airbnb đại diện cho hai cực trong trục tọa độ về văn hóa tại Thung lũng Silicon.

“Uber là môi trường thiên về nam giới và đánh giá bằng kết quả công việc. Airbnb thì thiên về nữ giới và ít tập trung vào thành quả ngắn hạn. Phần lớn các hãng công nghệ nằm ở khoảng giữa thôi”, ông đánh giá.

Những người từng làm việc tại Uber đều ấn tượng về môi trường cạnh tranh khủng khiếp tại đây. “Ở đó, nếu thất bại, đó là lỗi của anh. Anh là người duy nhất chịu trách nhiệm cho thành công hoặc thất bại của chính mình”, một nhân viên kể lại.

Các lái xe tham gia Uber biểu tình phản đối khi giá cước giảm. Ảnh: NYT .

Các lái xe tham gia Uber cũng có nhiều điều để phàn nàn. Nhiều người cho biết họ đã phải rất vất vả kiếm sống sau khi trừ chi phí xe cộ.

Ảnh hưởng từ lý thuyết dựa vào bản thân của Rand có thể thấy rất rõ trong video. “Một số người không thích tự chịu trách nhiệm cho những vấn đề của riêng mình. Họ đổ lỗi mọi chuyện cho người khác”, Kalanick to tiếng với người lái xe, sau khi anh này cho biết mình trắng tay vì Uber. Kalanick sau đó đã phải xin lỗi vì nổi nóng.

CEO Uber tranh cãi với lái xe về giá cước giảm.

Văn hóa chiến thắng bằng mọi giá của Uber đã khiến quan hệ giữa họ và giới chức các nước xuống cấp. Gần đây nhất là với thông tin về Greyball. Bằng chương trình này, Uber sẽ nhận diện được người dùng có thể là đối thủ hoặc quan chức. Từ đó, họ sẽ đưa ra phiên bản giả của ứng dụng bất kỳ lúc nào người này gọi xe. Ở các thành phố mới - nơi Uber chưa được phép, Greyball có thể giúp họ thoát rắc rối.

Hồi giữa tuần, Uber tuyên bố đang xem xét lại chương trình này. Các nhân viên của họ cũng đã bị cấm dùng Greyball. Tuy nhiên, nó vẫn khiến Uber bị chỉ trích là không có đạo đức.

Phần lớn rắc rối gần đây của Uber là hậu quả trực tiếp từ văn hóa mà Kalanick đã gây dựng. Nó khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu ông có thể đưa Uber ra khỏi tình hình hiện nay hay không. Nhiệm vụ vực lại tinh thần nhân viên và xây dựng lại danh tiếng cá nhân cũng cần sự dũng cảm rất lớn.

Thách thức thay đổi

Đến nay, Kalanick chưa hề tỏ ra đặc biệt quan tâm tới IPO. Trên thực tế, ông còn từng nói muốn trì hoãn lâu nhất có thể. Trước đây, các nhà đầu tư từng mong việc này xảy ra vào năm sau. Nhưng giờ họ hy vọng nó không diễn ra trước năm 2019. Vì Uber cần khoảng thời gian này để hồi phục.

Một cổ đông cho biết nhiều nhà đầu tư gần đây còn bàn trực tiếp chuyện công ty với đồng sáng lập Uber - Garrett Camp. Camp hiện cũng là cổ đông quan trọng của Uber.

Tuy nhiên, kể cả nếu họ muốn hất cẳng Kalanick, việc này cũng là cả một thách thức. Kalanick và hai người bạn của mình - Camp và Ryan Graves - kiểm soát phần lớn việc biểu quyết. Vì số cổ phiếu phát hành trong các vòng huy động vốn đầu tiên của Uber có giá trị 10 quyền biểu quyết một cổ phiếu.

Garrett Camp

Đồng sáng lập Uber - Garrett Camp.

Thêm vào đó, các cuộc khủng hoảng gần đây có tác động không đáng kể lên việc kinh doanh của công ty. Tốc độ tăng trưởng mạnh của Uber đã khiến các vụ khủng hoảng truyền thông gần đây của họ chỉ là thứ yếu. Quý III năm ngoái, doanh thu của họ còn tăng gấp 3 so với cùng kỳ, lên 1,7 tỷ USD.

Sau scandal cáo buộc quấy rối tháng trước, thị phần Uber tại Mỹ chỉ giảm nhẹ, theo hãng nghiên cứu số liệu tiêu dùng TXN. Chiến dịch tẩy chay Uber hồi tháng 1 thậm chí còn có tác động lớn hơn. Tháng trước, các lái xe Uber còn lập kỷ lục về số chuyến tại Mỹ, FT trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.

Kalanick có thể là một người thô lỗ, và tạo ra một công ty cũng thô lỗ chẳng kém. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, thành công của ông là điều không thể bàn cãi. Trong đoạn video, ông cũng từng nói: “Nếu tôi không làm những gì đã làm, chúng ta đã bị đánh bại rồi. Tôi đảm bảo đấy”.

Tuy nhiên, đó là vì công ty còn chưa IPO. Sau khi niêm yết, những hành động này sẽ khó được nhà đầu tư chấp nhận. Một COO có thể giúp Kalanick kiềm chế phần nào. Nhưng các nhân viên thì không cho rằng ông sẽ thay đổi được. “Mọi người đều biết TK (Travis Kalanick) là người thực sự thế nào mà. Kể cả nếu ông ấy rơi nước mắt cá sấu, chuyện này đã xảy ra rất nhiều lần rồi. Ai cũng biết ông ấy thực sự nghĩ gì”, một cựu nhân viên Uber kết luận.

Hà Thu - Anh Tú / FT / CNN
Nguồn VnExpress