Khốc liệt “cuộc chiến” điện máy Việt-Thái

Cuộc chiến với doanh nghiệp Thái trong ngành điện máy vẫn rất gian nan đối với các doanh nghiệp Việt.

Tính đến thời điểm này, Central Group đã mở 38 siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên toàn quốc so với công bố ban đầu sẽ mở hơn 50 siêu thị điện máy vào năm 2020. Trong khi đó, Điện Máy Xanh (ĐMX) đang chinh phục thị trường với hơn 268 siêu thị phủ khắp cả nước. VinPro cũng không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối theo sự phát triển của Vincom. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa Thái Lan với các doanh nghiệp (DN) điện máy Việt Nam cũng không hề dễ dàng.

Chuyển sang kênh hiện đại

Theo báo cáo quý IV-2016 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có 49% người tiêu dùng sẵn sàng trả cao để mua các thiết bị điện tử, công nghệ cao cấp, dẫn đầu trong các nhóm ngành hàng. Điều đó cho thấy một tín hiệu lạc quan cho thị trường điện tử tiêu dùng năm 2017.

Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing điện máy Phan Khang, cho rằng xu hướng mua sắm trong năm 2017 sẽ chuyển sang kênh hiện đại (mua sắm qua website của công ty) nhiều hơn. Lý do là các kênh hiện đại luôn có nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá, trưng bày nhiều hơn. Đặc biệt là kênh này đã niêm yết giá ngang bằng với các cửa hàng nhỏ lẻ, thậm chí ngang bằng với các đơn vị chuyên bán hàng qua mạng. Vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng là dịch vụ sau bán hàng của kênh hiện đại cũng được cải thiện tốt hơn.

Doanh nghiệp điện máy Việt đang tăng tốc giành thị phần trong nước. Ảnh: Tú Uyên.

Cùng nhận định trên, ĐMX cho rằng đây là việc rất tốt cho người tiêu dùng. Vì chắc chắn khách hàng sẽ có được nhiều trải nghiệm mua sắm chất lượng hơn, hiện đại hơn và thị trường sẽ có tăng trưởng nhờ những chuỗi này.

Mặt khác, ngoài mục tiêu mới là sẽ trở thành thương hiệu số một về bán lẻ điện máy, nằm trong “Top of mind” của người tiêu dùng, ĐMX còn rẽ hướng khi phát triển chuỗi cửa hàng ĐMX mini có quy mô nhỏ 300-500 m2, bán các loại hàng hóa vừa đủ dành cho khu vực dân cư đó. Dự kiến năm 2017 ĐMX sẽ có khoảng 270 cửa hàng mini.

Nhằm chuyển mình trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt, điện máy Thiên Hòa cũng chuyển đổi khi phát triển mô hình cửa hàng nhỏ lẻ với quy mô nhỏ. Theo đó, siêu thị thay vì tọa lạc ở những vị trí trung tâm, mặt tiền đường lớn như lâu nay thì nay nằm ở khu dân cư. Đặc biệt là tập trung vào hàng hóa phân khúc giá trung bình. Dự kiến trong năm 2017 Thiên Hòa sẽ nhân rộng mô hình này với số lượng tăng hơn gấp đôi so với hiện nay.

Cuộc đua hứa hẹn hấp dẫn

Theo ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường Đào tạo marketing EQVN, hiện tại ngoài Thế Giới Di Động với lợi thế công nghệ thì các DN khác của Việt Nam trong lĩnh vưc điện máy cũng không có gì nổi bật để có thể cạnh tranh với DN Thái Lan. Do vậy, cuộc chiến với DN Thái trong ngành điện máy vẫn rất gian nan đối với các DN Việt.

180 ngàn tỉ đồng là doanh thu ngành điện máy năm 2016, tăng 20% so với năm 2015. Trong đó, điện thoại di động đóng góp tăng trưởng khá tốt với 40%. Dự báo năm 2017 doanh thu ngành điện máy tăng khoảng 10% so với năm 2016.

Tuy nhiên, ông Quý cũng cho rằng ĐMX vẫn là đối thủ nặng ký nhất của Nguyễn Kim (của người Thái) trong lĩnh vực điện máy. ĐMX kế thừa được mô hình kinh doanh kết hợp online, offline hoàn hảo của Thế Giới Di Động. Trong khi đó, mặc dù được Thái Lan đầu tư và dù có mua cả Zalora về thì Nguyễn Kim cũng vẫn không thể vượt qua ĐMX trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Phân tích cụ thể hơn, ông Quý dẫn chứng ĐMX đầu tư nhiều cho website và marketing trực tuyến, tương tự Thế Giới Di Động trước đây. Khi mức độ quan tâm trực tuyến gia tăng, ĐMX sẽ mở rộng quy mô cửa hàng tương ứng. Điển hình là chiến dịch marketing “Mua tivi hãy đến ĐMX” hồi trước Tết. Đây là một chiến dịch được lan truyền qua mạng xã hội rất tốt.

Cùng nhận xét trên, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng chỉ ra ĐMX và VinPro đều có những nền tảng rất mạnh để có thể phát triển một cách nhanh chóng. Đây là hai tên tuổi đáng gờm nhất của Nguyễn Kim trong lĩnh vực bán lẻ điện máy. Thực tế ĐMX có được nền tảng quản trị cực kỳ tốt, thừa hưởng từ đội ngũ lãnh đạo đã tạo dựng nên thành công của Thế Giới Di Động. Những chiến dịch quảng cáo với sức lan tỏa trong thời gian vừa qua cho thấy ĐMX có đội ngũ thực thi marketing rất tốt. Còn VinPro với hệ thống trung tâm thương mại của Vincom mở rộng khắp cả nước, VinPro có lợi thế lớn về mặt bằng và có sẵn sức mạnh thương hiệu của Tập đoàn Vincom để thuyết phục người tiêu dùng. “Cuộc đua hứa hẹn sẽ có nhiều hấp dẫn và chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi” - ông Tùng dự báo.

Thị phần lớn nhất thuộc cửa hàng nhỏ lẻ

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng thị trường còn có những đối thủ khác như điện máy Chợ Lớn, VinPro, Thiên Hòa nên có thể coi những thương hiệu này là đối thủ của nhau. Nhưng thị phần lớn nhất, trên 50% vẫn đang thuộc về những cửa hàng nhỏ lẻ không có thương hiệu và không phải là chuỗi. “Theo tôi, đây mới là miếng bánh dễ chiếm lĩnh nhất chứ không phải là các ông lớn tự giành giật thị phần của nhau” - ông Tùng nhấn mạnh.

Mặt khác, theo một số nhà bán lẻ, dù hiện nay chiếm khoảng 55% thị phần nhưng khi các chuỗi điện máy ngày càng mở rộng quy mô thì các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ dần thu hẹp. Nhưng sự thay thế này chỉ diễn ra ở các TP lớn. Riêng các tỉnh lẻ thì xu hướng mua hàng tại các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Tú Uyên
Nguồn Báo Pháp Luật