Chưa chịu tác động của thực phẩm Tết, CPI đã tăng 0,46%

Lần lấy giá cuối được thực hiện trước 20 Âm lịch nên các nhóm hàng liên quan đến ăn uống chưa tác động nhiều vào mức tăng 0,46% của CPI tháng 1 vừa qua, song đây vẫn là tháng Tết có mức tăng giá mạnh trong những năm gần đây.

Tổng cục Thống kê vừa công bố một số số liệu kinh tế - xã hội tháng 1, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,46% so tháng trước và 5,22% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, giao thông và dịch vụ y tế tăng cao nhất, kéo CPI cả nước tháng vừa qua, mức tăng lần lượt 3,21% và 1,3%. Ngược lại, chỉ số hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại giảm nhẹ 0,24%. Trong nhóm này, chỉ số thành phần là giá lương thực và ăn uống ngoài gia đình chỉ tăng 0,47% và 0,31%, còn giá thực phẩm giảm 0,59%.

Lý do chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm trong tháng Tết là việc lấy giá theo quy định trong tháng được thực hiện 3 lần (ngày 25 tháng trước, 5 và 15 tháng hiện hành). Như vậy, biến động giá cả hàng hóa tháng 1 chỉ được tính đến ngày 15/1, tức 18/12 Âm lịch. Biến động của lương thực - thực phẩm trong Tết sẽ được phản ánh chủ yếu vào CPI tháng 2.

Năm trước, chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng Tết - tháng 2/2016 đã tăng tới 2,23%. Riêng giá thực phẩm tăng 2,76%.

Chỉ số giá thực phẩm giảm 0,59% dù thời điểm điều tra đã sát Tết Nguyên đán. Ảnh: Tomas Slavicek.

Hồi đầu tháng 1/2017, giá thịt lợn tại khu vực phía Nam bất ngờ giảm mạnh do dư thừa nguồn cung, trong bối cảnh thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng thu mua tại một số huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Tại các chợ TP HCM, giá thịt lợn khi đó cũng giảm 1.000-2.000 đồng một kg. Đối với một số chuỗi cửa hàng thịt, giá thịt lợn giảm bình quân 3.000-4.000 đồng một kg.

Mặc dù vậy, theo số liệu từ cơ quan thống kê, nhập khẩu và tiêu thụ các hàng hóa tiêu dùng khác trong tháng 1/2017 đều tăng so với cùng kỳ. Mức tăng CPI 0,46% cũng cao hơn so với mức 0,42% của tháng Tết 2016.

Tiêu thụ bia hơi và bia đóng chai trong tháng 1 tăng trên 20% so với cùng kỳ. Các sản phẩm tiêu dùng khác như thuốc lá điếu, sữa tươi, thủy hải sản chế biến, bột ngọt đều ghi nhận mức tiêu thụ tăng so với tháng 1/2016.

Rau quả đạt kim ngạch nhập khẩu 110 triệu USD trong tháng qua, tương đương gần 2.500 tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ; dầu mỡ động thực vật tăng 84,2%, giá trị 75 triệu USD; thủy sản có giá trị nhập khẩu 120 triệu USD, tăng 25,3%.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn mới công bố, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 1/2017 ước đạt 2,27 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 1,64 tỷ USD, tăng khoảng 15,1%.

Minh Sơn
Nguồn VnExpress