Big C liên tiếp 'tung chiêu' sau khi về tay đại gia Thái

Sau 6 tháng đổi chủ, Big C đã nhanh chóng khoác lên mình diện mạo mới, từ cách bán hàng đến chính sách ưu đãi thu hút nhà cung cấp.

Khảo sát của chúng tôi gần đây cho thấy, quầy kệ tại Big C được sắp xếp bắt mắt hơn. Giá các sản phẩm tươi sống, rau củ quả, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại siêu thị ngày càng được ưu đãi. Đáng chú ý, gần đây siêu thị đưa ra khá nhiều mặt hàng giá "sốc", rẻ một nửa so với chợ và thấp hơn 20-60% so với các siêu thị đối thủ.

Chẳng hạn như sản phẩm cà chua, nếu tại các chợ truyền thống, siêu thị khác, cà chua bị ảnh hưởng mưa bão giá lên tới 30.000-50.000 đồng một kg thì tại siêu thị này giá chỉ 12.700 -17.900 đồng một kg. Cũng chính vì giá quá rẻ nên lượng người đến mua đông nghẹt buộc siêu thị phải treo biển hạn chế mua hàng.

Bên cạnh các sản phẩm được chọn lựa tham gia vào chương trình “giá sốc” để hút khách, siêu thị này gần đây còn liên tục tung ra hình thức so sánh giá với các siêu thị khác. Trên một số sản phẩm như cải thảo, dưa leo..., bảng giá vừa thể hiện giá của siêu thị, vừa trưng giá đơn vị khác để so sánh với mức chênh lệch dao động từ 1.000 đến 5.000 đồng một kg.

Vì bán với giá rẻ nên Big C buộc phải treo biển hạn chế khách hàng. Ảnh: Phương Đông.

Mới đây, trong buổi họp công bố chiến lược phát triển mới của Central Group và Big C Việt Nam, Tổng giám đốc Philippe Broianigo cho biết, để hướng đến mục tiêu 2021 đạt mức tăng trưởng gấp đôi về mặt doanh số và số lượng siêu thị so với hiện nay, Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam sẽ tập trung vào các chính sách cốt lõi về giá, khuyến mại, sản phẩm đa dạng, phong phú. Trước đó, đơn vị này cũng tuyên bố đầu tư thêm 30 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới nhằm nâng cấp 13 trung tâm thương mại và siêu thị Big C thành các mô hình trung tâm thương mại hiện đại và đa dịch vụ, đón đầu nhu cầu mua sắm của thế hệ mới.

Riêng đối với nhà cung cấp, khi Big C chính thức về tay doanh nghiệp Thái, khá nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng lo ngại hàng Việt sẽ bị “đuổi” và thay thế vào đó là đế chế hàng Thái. Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông Big C cho biết, 95% hàng trong siêu thị là hàng Việt, nếu đơn vị ngừng bán thì hoạt động kinh doanh sẽ thụt lùi, do đó sẽ không có chuyện siêu thị “đuổi” doanh nghiệp Việt mà thực tế chủ sở hữu Thái Lan đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

"Nếu trước đây, một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ tươi sống, gia dụng vào siêu thị sẽ phải chịu chi phí quản lý, bán hàng, tạo code, thì hiện các doanh nghiệp bán thực phẩm tươi sống đã không phải chi trả những chi phí này", đại diện Big C Việt Nam cho hay.

Trong hội nghị chiến lược mới đây ở TP HCM, đơn vị này cũng cho biết đã đưa ra 4 chính sách nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt, như ký hợp đồng có thời hạn tối thiểu ba năm; Hỗ trợ để sản phẩm của doanh nghiệp được chào đón ở tất cả các đơn vị phân phối trực thuộc Central Group Việt Nam (bao gồm Big C Việt Nam, Lan Chi, Nguyễn Kim, Robins, Zalora Việt Nam). Chẳng hạn như, hàng điện máy của doanh nghiệp bán ở Big C thì cũng sẽ được bán ở Nguyễn Kim, Zalora. Hay hàng thời trang ở Robins cũng có thể vào bán tại Big C hay Zalora…

Chiêu thức so sánh giá đang được Big C áp dụng để hút khách. Ảnh: Phương Đông.

Cùng với chính sách này, Central Group cũng như Big C cam kết bảo lãnh giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhất.

Từ cuối 2015, trong kế hoạch tái cơ cấu tài chính nhằm giảm nợ năm 2016, Casino Group đã đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam - thị trường hãng không coi là trọng điểm và đến tháng 4/2016 sau khi vượt qua một loạt các đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ như: Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam) thì Central Group đã sở hữu Big C Việt Nam với cái giá 1 tỷ euro (tương đương 1,14 tỷ USD).

Central Group được sáng lập năm 1927, hiện hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, cửa hàng, bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tài sản lớn nhất của Tập đoàn là Central Retail - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu các trung tâm mua sắm như: Central, Robinson, Zen, La Rinascente (Italy).

Casino Group đã có hơn 18 năm để phát triển hệ thống và thương hiệu Big C tại Việt Nam. Big C Việt Nam hiện gồm 43 cửa hàng, 30 trung tâm mua sắm và đã đạt được doanh thu chưa bao gồm thuế năm 2015 là 586 triệu euro (khoảng 665 triệu USD).

Thi Hà
Nguồn VnExpress