TVCreate 2016 tổ chức Workshop thứ 3: Hậu kỳ và E-Marketing – Xúc tác thành công

Đến với buổi hội thảo cuối cùng “Hậu kỳ và E-Marketing – Xúc tác thành công” trong chuỗi workshop hỗ trợ các bạn sinh viên tìm hiểu và biết một quy trình sản xuất một TVC như thế nào, chương trình TVCreate đã vinh dự mời đến hai vị diễn giả tài năng và thành công. Đó là chị Thi Anh Đào (Denise Thi) – Giám đốc Điều hành Isobar Vietnam và anh Rajib Gupta – Giám đốc Sáng tạo Isobar Vietnam.

Phần giao lưu đầu với diễn giả Thi Anh Đào diễn ra khá thú vị khi có sự tương tác liên tục giữa diễn giả và các bạn sinh viên. Nhiều câu hỏi được đặt ra giúp các bạn hiểu rõ thêm về Viral trong E-Marketing.

Bạn thắc mắc những yếu tố nào sẽ giúp nội dung TVC được viral? Có bốn yếu tố chính sẽ giúp bạn làm điều này, đó là: thông tin, cảm xúc, thể hiện cái tôi và giải trí. Bạn cũng cần phải có tối thiểu một trong bốn yếu tố này khi đặt tiêu đề cho TVC, bên cạnh đó cần quan tâm đến khách hàng, những người xem mà bạn nhắm đến là ai và họ quan tâm về những điều gì để có một tiêu đề tốt nhất. Lưu ý là tiêu đề sẽ không dài dòng và hãy để những phần thông tin quan trọng xuất hiện rõ ràng mà người xem có thể dễ thấy.

Có ba kiểu kênh truyền thông chính giúp viral marketing:

  • Paid (truyền thông trả tiền): TV, POSM, Advertorial, KOLs…
  • Owned (truyền thông sở hữu): Facebook, Youtube, Website…
  • Earned (truyền thông lan truyền): Forum, Editorial, KOLs…

Việc sử dụng bao nhiêu kênh truyền thông sẽ tùy thuộc vào việc đối tượng người xem mà bạn nhắm đến là ai.

Để đánh giá phản ứng người xem đối với clip của bạn thì trước hết bạn có thể gửi một link test hoặc gửi bản nháp làm từ story board cho họ xem thử. Nếu muốn đánh giá khi đã chạy clip rồi thì sẽ xem lượng xem tự nhiên, số lượng chia sẻ và lượng tìm kiếm là bao nhiêu và nguồn chủ yếu từ đâu. Thông qua đó, chúng ta sẽ biết được kênh viral tốt nhất để có chiến lược phù hợp.

Khi viral không đạt hiệu quả kỳ vọng thì nguyên nhân có thể ở vấn đề nội dung chưa đủ sức thu hút, có thể xem lượng xem và chia sẻ để kiểm tra vấn đề này. Ngoài ra, nguyên nhân cũng thể ở vấn đề chiến lược truyền thông chưa nhắm đến đúng kênh, cần kiểm tra lượng xem đến từ các kênh truyền thông chủ yếu nào và chuyển hướng để gia tăng lượng xem.

Một lưu ý quan trọng là các bạn cần xem các quy định nội dung về các vấn đề như bản quyền âm nhạc, sự đồng ý của thương hiệu mà bạn sử dụng, hình ảnh nhạy cảm và một số vấn đề khác để tránh việc TVC bị báo cáo xấu và gỡ bỏ.

Tiếp theo chương trình là phần giao lưu cùng diễn giả Rajib Gupta, anh rất tâm lí khi biết đưa quá nhiều lí thuyết sẽ gây nhàm chán cho mọi người. Thay vào đó, anh giải thích đơn giản nhất những vấn đề cần chú ý trong bước Post Production, đồng thời lồng những bức ảnh đã qua bước xử lí hậu kì để làm nổi bật sự khác biệt giữa before – after.

Các bước trong Post Production:

  • Color grading: màu vàng hoặc những màu gần giống tạo cảm giác ấm áp, các tông màu xanh mang cảm giác lạnh lẽo, mát mẻ
  • Sound: âm thanh, nhạc nền giúp truyền tải thông điệp, cảm xúc đến người xem.
  • Editing:
    - Offline: chọn cảnh ghép thành một câu chuyện
    - Online: khâu cuối cùng của sản xuất 1 video sau offline để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
    Nếu Offline là việc xây nhà thì Online chính là khâu trang trí

Anh còn chia sẻ những bí kíp khi quay như trung tâm hình ảnh không chuyển động quá nhanh nếu không người xem không thể tập trung hay không đợi hết hành động mới cắt cảnh vì sẽ gây nhàm chán cho người xem. Dù thời lượng của chương trình đã hết nhưng rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên liên tục gửi đến anh.

Ban tổ chức thông báo đến các bạn thí sinh thay đổi trong thời gian nộp bài, cụ thể hạn chót nộp bài là ngày 10/12/2016 thay vì 13/12/2016 như trước.

Các bạn theo dõi fanpage chương trình để cập nhật những thông tin bổ ích và kịp thời nhé!

Nguồn TVCreate