Đo rating truyền hình - đua 'tay đôi' kiếm bạc tỷ

Trong khi hàng chục nhà đài sẵn sàng chi trả nhiều tỷ đồng cho việc mua rating để kiếm quảng cáo, thì thị trường hiện chỉ có 2 đơn vị cung ứng dịch vụ này.

Từng là phụ trách kinh doanh tại phòng quảng cáo của một kênh truyền hình có trụ sở ở TP HCM, chị Hạnh cho biết, rating (định lượng khán giả) là số liệu hiển nhiên phải có khi chào bán quảng cáo hay kêu gọi tài trợ của các nhà đài.

“Mấy nhãn hàng hay công ty quảng cáo gọi đến để đặt TVC (phim quảng cáo) lúc nào cũng hỏi rating các khung giờ đầu tiên. Họ muốn biết với mỗi 1.000 đồng mà họ bỏ ra có thể ‘mua’ được bao nhiêu người xem. Khi làm kế hoạch cho các chương trình để gọi tài trợ cũng vậy. Rating chính là điều quan trọng hàng đầu mà mấy công ty nhìn vào để cân nhắc”, chị Hạnh cho biết.

Chính vì tầm quan trọng của rating mà hầu hết các kênh truyền hình có mặt tại Việt Nam đều phải mua rating. Đó là chưa kể các công ty dịch vụ quảng cáo. Theo chia sẻ của những người trong nghề, các hãng dịch vụ truyền thông - quảng cáo lớn sẽ mua những gói dịch vụ đo rating cùng lúc nhiều đài. Tùy theo số lượng và thông tin cần thu thập thì giá các gói này từ vài tỷ đồng đến chục tỷ đồng. Với các kênh truyền hình riêng lẻ, để phục vụ nhu cầu của mình, hàng năm, mỗi kênh cũng phải chi hơn một tỷ đồng để biết được rating của kênh mình.

Hàng chục nhà đài chi nhiều tỷ đồng để mua rating phục vụ quảng cáo hàng năm.

Cũng theo chị Hạnh, giá mua rating khó có thể nói là đắt hay rẻ vì còn tùy vào khả năng thương lượng và mức độ thông tin mà người mua muốn có. Và quan trọng hơn hết, do chỉ có một đơn vị duy nhất tại Việt Nam làm dịch vụ đo rating truyền hình là Công ty TNHH Truyền thông TNS Media Việt Nam (thuộc Tập đoàn Kantar Media - Anh) nên cũng không có cơ sở so sánh.

Đến tháng 3/2016, Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình thuộc Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) bất ngờ công bố sự tham gia của mình vào thị trường đo rating, phá vỡ thế độc quyền bấy lâu nay của TNS.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc của trung tâm cho biết, kế hoạch đo rating này thực chất được vạch ra từ năm 2008 và bắt đầu thử nghiệm ở TP HCM và Hà Nội vào 2014. Đến nay, hệ thống đo rating của trung tâm đã xây dựng xong. Theo đó, 1.200 máy đo People Meter được lắp đặt tại các hộ gia đình của Hà Nội (500 hộ) và TP HCM (700 hộ). Hiện tại, hệ thống này đang đo lường dữ liệu của hơn 120 kênh truyền hình. Công nghệ của trung tâm này cho phép cung cấp dữ liệu 100 kênh có chỉ số chi tiết đến từng chương trình, khung chương trình; 90 kênh có chỉ số chi tiết đến từng spot quảng cáo. Dữ liệu hàng ngày được chuyển giao trước 12 giờ của ngày tiếp theo.

Lý giải sự tham gia vào cuộc đua đo rating, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hoạt động này vừa nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với các kênh truyền hình, vừa tạo ra nguồn thu từ việc bán các gói cung cấp rating cho các đài và công ty quảng cáo. Hôm 27/9, cuộc đua này thực sự nóng lên khi "nhân tố mới" trong lĩnh vực đo rating đã ký được hợp tác với một loạt khách hàng đầu tiên, gồm các đài như: HTV, VTC, THVL , BTV và 2 hệ thóng truyền hình trả tiền là SCTV và VTVCab.

“Dù Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng internet và tham gia mạng xã hội thuộc top đầu ở Đông Nam Á, nhưng TV vẫn là kênh thông tin trọng yếu tại đây. Vẫn có trên 72% người Việt Nam tiếp nhận thông tin chủ yếu qua TV.”

Theo chia sẻ từ một số người trong ngành, độ trung thực của số liệu rating chính là nỗi ám ảnh của các nhà quảng cáo. Đã có những thông tin rỉ tai nhau về những "thủ thuật chi phí" có thể làm số liệu trở nên đẹp mắt hơn. Do đó, thị trường bắt đầu cạnh tranh là tín hiệu tốt. Nhưng quan trọng hơn là chất lượng đo cũng phải chính xác và trung thực. Đó cũng là lý do mà trong cuộc gặp gần đây với các nhà đài, ông Phạm Hoàng Hải cùng các đại diện từ Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, lẫn Bộ Thông tin và Truyền thông đều lặp lại cam kết trung thực và sẽ tránh tối đa sự can thiệp của con người vào quá trình đo rating. Còn về khả năng cạnh tranh với đối thủ duy nhất và lâu năm là TNS, ông Hải khéo léo để ngỏ: “Chúng tôi chỉ thực hiện việc đo lường trên cơ sở khách quan chứ không có đi so sánh sự khác biệt với TNS. Chúng tôi để lại sự đánh giá này cho khách hàng sau khi đã sử dụng dịch vụ một thời gian”.

“Dù Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng internet và tham gia mạng xã hội thuộc top đầu ở Đông Nam Á, nhưng TV vẫn là kênh thông tin trọng yếu tại đây. Vẫn có trên 72% người Việt Nam tiếp nhận thông tin chủ yếu qua TV”, ông Đoàn Duy Khoa - Giám đốc mảng nghiên cứu thói quen tiêu dùng của Nielsen Việt Nam cho biết. Đó cũng là lý do mà các nhãn hàng vẫn phải chi tiền để quảng cáo trên TV và các nhà đài thì không thể tiếc tiền để đi mua rating. Có chăng thì giờ họ đã có 2 sự lựa chọn.

Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình cho biết, doanh thu quảng cáo của các kênh truyền hình vẫn tiếp tục tăng trưởng qua 2 quý đầu 2016. Doanh thu này đến chủ yếu từ nhóm ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, sữa và các sản phẩm thay thế sữa, đồ uống.

Tại Hà Nội và TP HCM, 38% thời lượng trên truyền hình là chiếu phim dài tập, 6% thời lượng là phát gameshow. Đây chính là 2 thể loại "hút" được nhiều tiền quảng cáo nhất. Trong đó, gameshow chiếm 19% thị phần doanh thu, phim dài tập chiếm 6%. Khung giờ có giá quảng cáo cao nhất, hay còn gọi là "giờ vàng" rơi vào 19 đến 22 giờ hàng ngày. Khoảng một nửa lượng khán giả truyền hình hiện nay là trên 50 tuổi. Họ có thể bật TV hơn 5 tiếng mỗi ngày. Trong khi đó, người từ 15 đến 29 tuổi xem TV ít nhất. Trung bình, nhóm người này mở TV không đến một tiếng mỗi ngày.

Viễn Thông
Nguồn VnExpress