Nhựa Đông Á: Ngôi sao mới nổi

Là doanh nghiệp vượt mốc doanh thu ngàn tỉ đồng từ 3 năm trước nhưng dường như chẳng mấy nhà đầu tư chú ý đến doanh nghiệp này.

Bằng chứng là cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á giậm chân trong mức 14.000-15.000 đồng suốt thời gian dài. Chỉ đến khi Công ty công bố các kế hoạch bành trướng trong lĩnh vực nhựa xây dựng, cụ thể là sản xuất thanh nhựa profile (bao gồm cửa và cửa sổ), nhà đầu tư mới ngoái đầu nhìn lại.

Bởi lẽ, nếu hoàn tất đầu tư 15 dây chuyền sản xuất thanh nhựa profile và đưa vào khai thác ngay trong tháng 9 này, Nhựa Đông Á sẽ có những bước tiến đáng kể. Công suất sản xuất thanh nhựa profile sẽ tăng gấp đôi và Công ty có cơ hội tiến công vào miền Nam - nơi Nhựa Đông Á mới chỉ nắm 7% thị phần.

Thị trường thanh nhựa profile ở Việt Nam đang bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi lớn của nước ngoài như Rehau GmbH, Kommerling, Inoutic, Veka, Dimex, Dalian Shide... Chẳng hạn, Kommerling là thương hiệu hàng đầu về sản xuất thanh profile UPVC tại châu Âu. Tập đoàn này có trụ sở tại Đức và có nhà máy đặt tại nhiều nước như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Mỹ... Thanh nhựa profile của Kommerling xuất hiện tại Việt Nam năm 2003 gắn liền với thương hiệu cửa nhựa lõi thép Eurowindow. Hay Rehau là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, có hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp thế giới.

Sản phẩm thanh nhựa profile của Nhựa Đông Á đang chiếm lĩnh 50% thị phần ở miền Bắc.

Nhưng các sản phẩm của Rehau, Kommerling hay Veka, Dimex, Inoutic đều là hàng cao cấp. Dòng sản phẩm Sparlee của Dalian Shide (Trung Quốc) mới là kẻ chiếm lĩnh thị trường nhờ xuất hiện ở Việt Nam sớm nhất (từ năm 2002), lại nhắm đến phân khúc bình dân của đại đa số người Việt. Khi Việt Nam tham gia sản xuất thanh nhựa profile, các sản phẩm như Sea profile của Nhựa Đông Á, Builex profile của Tín Kim, Euro profile của QueenViet, Storos profile của Storos Việt Nam… đều nhắm đến phân khúc phổ thông nên thường cạnh tranh trực tiếp với Dalian Shide.

Tuy nhiên, thuận lợi cho các công ty trong ngành kinh doanh thanh nhựa profile nói chung và Nhựa Đông Á nói riêng là với giá thành rẻ hơn 50%, lại dễ dàng chuyên chở thi công, nhu cầu thanh nhựa profile ngày càng tăng. Điều này thể hiện qua thị phần cửa nhựa làm từ thanh nhựa profile hiện đã đạt 35%, gần bằng thị phần cửa nhôm (40%) và vượt xa thị phần cửa gỗ (18%).

Ưu thế cho riêng Nhựa Đông Á còn ở chỗ, Công ty đã tham gia vào ngành này từ những ngày thị trường còn sơ khai, ban đầu chỉ là phân phối thanh nhựa profile nhập từ Đức và Trung Quốc. Đến năm 2007, khi đã hiểu rõ đặc điểm thị trường và sản phẩm, Công ty mới bắt tay vào sản xuất. Nhựa Đông Á nhìn thấy khoảng trống từ thị trường miền Bắc và ưu tiên tập trung vào đây. Hiện Công ty nắm giữ 50% thị trường miền Bắc.

Nhờ đó, mặc cho thị trường cạnh tranh quyết liệt, Nhựa Đông Á vẫn ổn định ở địa bàn của mình và sản phẩm thanh nhựa profile của Công ty trở thành nguồn đóng góp chính, lên tới 35-36% doanh thu và mang lại biên lợi nhuận gộp cao nhất. Điều quan trọng là công suất sản xuất thanh nhựa profile của Nhựa Đông Á đã chạm mức tối đa và Công ty luôn trong tình trạng hàng làm không đủ bán.

Trong 5 năm tới, nếu diện tích bình quân đầu người tăng lên 25 m2 vào năm 2020, như kiến nghị của Bộ Xây dựng, tổng diện tích nhà ở tại Việt Nam khi ấy ước đạt 2,4 tỉ m2. Nếu làm một phép tính, nhu cầu cửa/cửa sổ sẽ tăng trung bình mỗi năm khoảng 42,8 triệu m2. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng thanh nhựa profile để làm cửa nhựa sẽ tăng cao. Đó là chưa kể, ngành nhựa sẽ được tái cơ cấu theo hướng nâng tỉ trọng nhựa xây dựng và nhựa công nghệ cao, theo kế hoạch phát triển ngành nhựa dài hạn của Chính phủ.

Hệ thống 30 dây chuyền sản xuất thanh profile sẽ giúp nâng công suất của Nhựa Đông Á lên gấp 3 lần so với hiện nay. Ảnh: f319.com

Trong bối cảnh đó, việc đầu tư thêm dây chuyền và nâng công suất sản xuất thanh nhựa profile được Phòng phân tích Công ty Chứng khoán VCBS đánh giá là sẽ tạo thuận lợi và tác động mạnh mẽ lên tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á. Trước mắt, theo ước tính của VCBS, mức đóng góp từ các dây chuyền mới vào doanh thu quý IV/2016 của Nhựa Đông Á có thể đạt tới 203 tỉ đồng. Doanh thu cả năm 2016 có thể vượt mục tiêu 1.468 tỉ đồng.

Mở rộng công suất sản xuất cũng góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho Nhựa Đông Á. Theo thông tin công bố, công suất tại các dàn máy mới hiện cao gấp 1,5 lần các dàn máy cũ. Máy móc công nghệ mới cũng giúp giảm tỉ lệ hư hao sản phẩm từ 4% xuống còn 2% sản lượng. Nhờ đó, giá bán thanh profile do Nhựa Đông Á sản xuất đã rẻ hơn giá nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc.

Hiệu quả từ dây chuyền mới cũng giúp Nhựa Đông Á cải thiện biên lợi nhuận gộp, xấp xỉ 11% nửa đầu năm nay và có thể vượt 12% vào cuối năm nay, tăng mạnh so với mức 8,3% của năm 2015. Việc mở rộng sản xuất thanh nhựa profile còn tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, giúp Công ty tự chủ sản xuất tấm trần.

Với những thuận lợi này, Nhựa Đông Á đang dồn lực vào lĩnh vực thanh nhựa profile, nhắm đến mục tiêu mở rộng thị trường, gia tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận gộp và phát triển dài hạn. Riêng những sản phẩm như tấm ốp trần, nẹp trang trí, nhôm composite, hệ thống cửa nhựa lõi thép Smartwindow, tấm trần, tấm mica … tuy không còn đóng góp đáng kể vào doanh thu nhưng vẫn là mặt hàng giúp đa dạng nguồn thu và tăng độ nhận biết thương hiệu cho Nhựa Đông Á. Vì thế, theo lãnh đạo Công ty, hướng đi của Nhựa Đông Á vẫn là đa dạng hóa và tiếp tục nhập khẩu thương mại (fomex, simili, decal…) ở mức 20-30% doanh thu, như Công ty đã thực hiện suốt 15 năm qua.

Nhưng muốn triển khai các kế hoạch này, Nhựa Đông Á sẽ phải tiếp tục các kế hoạch tăng vốn cũng như tăng tỉ lệ nợ vay. Dự kiến tỉ lệ vay nợ/nguồn vốn sẽ ở mức 40%. Lo ngại cổ phiếu bị pha loãng và áp lực trả lãi gia tăng đã được đặt ra. Tuy nhiên, trước tiềm năng tăng trưởng của ngành thanh nhựa profile cùng những lợi thế về giá nguyên liệu ở mức thấp, được hưởng ưu đãi thuế…, các công ty chứng khoán cho rằng, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á vẫn đáng để xem xét đầu tư.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư