Mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD và toan tính của Masan

Masan đang có bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong chiến lược bành trướng thị trường nội địa, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sáng ngày 14/9, cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) giao dịch ở mức giá 67.700 đồng một cổ phiếu. Lãnh đạo tập đoàn này cho biết đã lên kế hoạch mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ từ nay đến cuối năm nhằm tối đa hóa giá trị cho cổ đông, bên cạnh hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD vào cuối năm nay.

Thực tế, nhìn lại động thái đầu tư chiến lược tại các mảng, ngành thời gian qua cho thấy câu chuyện của ông lớn này không dừng lại ở con số doanh thu tỷ USD mà hơn thế là định vị sự ảnh hưởng của một "đế chế" hàng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.

6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 19.141 tỷ đồng, tăng 83,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong những mảng đầu tư của Masan, tiêu dùng là lĩnh vực sáng nhất.

Doanh thu từ kinh doanh thực phẩm và đồ uống (F&B) tăng mạnh và đạt mức kỷ lục trong quý II với 3.566 tỷ đồng, vượt 14,7% so với cùng kỳ và tăng 28,3% so với quý I/2016. Kết quả này nhờ sự đóng góp các thương hiệu Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Vinacafé, nước suối Vĩnh Hảo, nước khoáng Quảng Ninh, bia Sư Tử Trắng...

Masan lên kế hoạch mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ từ nay đến cuối năm nhằm tối đa hóa giá trị cho cổ đông.

Quý II, doanh thu ngành hàng gia vị tăng 16,1%, nhưng lĩnh vực thực phẩm tiện lợi giảm 6%. Tuy nhiên, xu hướng này có thể đảo ngược khi công ty chuẩn bị tung ra các sản phẩm mới của ngành hàng thực phẩm tiện lợi. Trong khi đó, thị phần phân khúc kinh doanh đạm động vật (Proconco, Anco) tiếp tục giữ vững ở mức tăng trưởng doanh thu 30%.

Lý giải điều này, Masan từng cho biết đó không phải là chuyện “nhà giàu buôn đất ăn may”, nhất là trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Ngoài tư duy quản trị hiện đại, cẩn trọng và khoa học ở một mô hình kinh doanh phức tạp thì trình độ quản lý quốc tế, nhân lực bài bản bên cạnh khả năng thu hút đầu tư, chuyển đổi các nguồn vốn, và giải ngân tài chính là yếu tố giúp tập đoàn luôn bứt phá trên thị trường.

"Nền tảng này khiến nguồn vốn hàng đầu quốc tế luôn chảy vào tập đoàn này bất chấp những khó khăn của nền kinh tế", lãnh đạo tập đoàn bày tỏ.

Trong chiến lược bành trướng thị phần của mình, Masan khá biết thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tại các thương vụ mua bán - sáp nhập gần đây. Đáng kể có thương vụ đình đám với Vinacafé Biên Hòa mà Masan muốn xây dựng một tên riêng cho cách uống cà phê phin độc đáo của Việt Nam mang tên “Vietnamo”. Qua đó định hướng phong cách uống cà phê kiểu mới thông qua sử dụng phin điện và viên cà phê rang xay Café de Nam.

Không dừng lại, ông lớn này tham vọng chiếm lĩnh phần nhiều chuỗi tiêu dùng 3F (thức ăn gia súc - trang trại chăn nuôi - đóng gói và phân phối thực phẩm tiêu dùng có truy xuất nguồn gốc) vốn dĩ do khối ngoại chi phối, thông qua hợp tác chiến lược với Vissan. Nhờ đó, công ty đặt chân vào thị trường đạm động vật có giá trị 18 tỷ USD. Chưa kể đến quyết định bắt tay với Singha để cung ứng hàng hóa vào thị trường Thái Lan, tạo bước đệm vững chắc tiến công các thị trường trong khu vực ASEAN.

Vì vậy, theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 vừa công bố, kế hoạch doanh thu 2 tỷ USD trong năm nay đã hoàn thành gần 50%, nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần trong 2 quý đầu đạt tới 83,8%. Đây là bước tiến mới vì thông thường giai đoạn nửa cuối năm chiếm đến 60% doanh thu cho Masan do tính thời vụ trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Bên cạnh đó, nhờ hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận của năm với 1.900 tỷ đồng, Masan không ngần ngại đặt mục tiêu tăng lãi thêm 25%, lên 2.400 tỷ đồng đến cuối năm.

Tham gia vào ngành đạm động vật có giá trị 18 tỷ USD sẽ là động lực tăng trưởng cho Masan trong tương lai.

"Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau khi vận hành chuỗi giá trị 3F này sẽ tăng khá cao. Con số doanh thu thuần 2 tỷ USD của tập đoàn trong năm 2016 có thể chỉ là cột mốc khởi đầu cho sự bùng nổ tăng trưởng của công ty này thời gian tới", Masan tự tin cho biết.

Đóng góp không nhỏ cho "đế chế" Masan là Techcombank khi ngân hàng này đạt mức tăng trưởng lợi nhuận thuần 73,1% trong quý II/2016 so với cùng kỳ. Nhà băng này đang trên đà hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.500 tỷ đồng trong năm 2016, tương ứng với mức tăng trưởng 73,9%, nhờ nguồn thu nhập cao hơn từ dịch vụ ngân hàng và nhanh chóng hoàn thành chu kỳ trích lập dự phòng.

Cũng giống như bản chất đầu tư căn cơ của Masan, những bước đi chiến lược của Techcombank thời gian qua khá thận trọng và đặc biệt là sau khi tái cấu trúc. Theo Masan, đây là kết quả của một hành trình dài kiểm soát chi phí, duy trì chính sách cho vay thận trọng và cũng cố nền tảng huy động vốn, cũng như dịch vụ cá nhân vững mạnh...

Không thể phủ nhận, tại mỗi phân khúc, lĩnh vực nào, sự hiện diện của đại gia thực phẩm này đều khiến giới đầu tư phải quan sát. Dù vậy, mục tiêu cuối cùng và xuyên suốt của Masan vẫn là bành trướng, chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa.

Thanh Thư
Nguồn VnExpress