Thị trường fastfood: "Nội chiến" thương hiệu… ngoại!

Những ông trùm như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut… đang làm mưa làm gió trong thị trường thức ăn nhanh (fastfood) của Việt Nam. Đặc biệt, mới đây tập đoàn cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh hàng đầu của Mỹ - Burger King, đã mở hệ thống chuỗi cửa hàng của mình tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán sẽ có một cuộc "nội chiến" thương hiệu ngoại, trong khi thương hiệu thức ăn nhanh Việt Nam đã đuối nay lại đuối hơn.

Hầu hết các "ông trùm" thức ăn nhanh thế giới đã có mặt tại việt Nam

Các thương hiệu nước ngoài phần lớn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thông qua mô hình chuyển nhượng thương hiệu. Đây là giải pháp tối ưu cho các nhà đầu tư (NĐT), giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí, bớt rủi ro và gánh nặng về quản lý thị trường. Vì vậy, các NĐT nước ngoài nhanh chóng chen chân vào Việt Nam.

Ngoại: Dần "độc quyền"

Mặc dù mới xâm nhập vào thị trường Việt, nhưng Burger King chuẩn bị mở 12 cửa hàng từ nay đến hết năm 2012. Cụ thể, tại TP.HCM sẽ có 5 cửa hàng, Hà Nội 3, Đà Nẵng 1 và các sân bay 3.

Xu hướng thức ăn nhanh gia nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, mặc dù khủng hoảng kinh tế nhưng đã đạt được mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 26% - một con số đáng mơ ước so với nhiều loại hình dịch vụ khác. Số lượng khách hàng lớn do thế mạnh chính là chất lượng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Burger King - nhãn hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam

Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2004, sau 3 năm hoạt động, đã có 37 cửa hàng thức ăn nhanh mang thương hiệu Lotteria. Theo như kế hoạch ban đầu, Lotteria hướng tới sẽ mở 79 - 80 cửa hàng, nhưng đến nay, Lotteria đã có 124 cửa hàng và phấn đấu đạt 140 cửa hàng cho đến hết tháng 12/2012.

Không kém cạnh, KFC sau 15 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã có 125 cửa hàng. Theo ông Lê Hoài Nam - Giám đốc tiếp thị thương hiệu KFC, cho biết: "Ngay khi vào Việt Nam, KFC đã xác định chiến lược phát triển gắn với gà rán và tạo những không gian đồng nhất thân thiện trong chuỗi cửa hàng mình. Hiện nay, KFC đang có những đổi mới trong thiết kế cửa hàng theo hướng trẻ trung, hiện đại".

Bên cạnh đó, Jollibee cũng tăng tốc với hơn 30 cửa hàng. Và tuy chưa đạt đến con số hàng chục, nhưng những cái tên như Pizza Hut, Afresco… cũng góp phần tạo sự sôi động cho thị trường. Điều này chứng tỏ thị trường kinh doanh thức ăn nhanh tại Việt Nam đang bị DN nước ngoài nắm giữ với trên 70%.

Trong đó, KFC với thế mạnh là gà rán khi sở hữu trên 60%, hay Lotteria lợi thế với bánh mì hamburger chiếm 60 - 70%, còn lại là thương hiệu bánh Pizza... Trong tương lai, 2 chuỗi siêu thị này sẽ đạt mức 200 cửa hàng rải khắp trên cả nước.

Nội: Chấp nhận nhường "sân"?

Trong khi các NĐT nước ngoài đang săn đón thị trường Việt Nam thì các NĐT trong nước lại không mấy hứng thú đối với thị trường tiềm năng này. Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh cơm kẹp "Made in Việt Nam" của Vietmac có đối tượng phục vụ chủ yếu là dân văn phòng cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định trước sự xâm chiếm thị trường của các thương hiệu ngoại.

Kinh Đô là một trong số ít DN mở cửa hàng thức ăn nhanh theo kiểu Việt tại Việt Nam: Công ty Kinh Đô Sài Gòn - thành viên của Tập đoàn Kinh Đô Sài Gòn đã mở cửa hàng K-Do Bakery phục vụ café, bánh sandwich, pizza, hamburger và các loại thức uống theo kiểu mô hình thức ăn nhanh.

Tuy nhiên, ông Trương Hàm Liêm - Giám đốc tiếp thị Lotteria, nhận định: "Kinh doanh theo kiểu Kinh Đô không phải là kinh doanh thức ăn nhanh, nên chúng tôi không liệt kê những hình thức này là đối thủ cạnh tranh".

Chuỗi cửa hàng Wrap & Roll cũng bán các món ăn liền, nhưng không phải thương hiệu thức ăn nhanh

Bà Võ Trần Anh Thy - đại diện K-Do Barkery, cũng cho rằng thức ăn nhanh không phải là thế mạnh của các DN Việt Nam.

Theo ông Lý Quý Trung - chủ thương hiệu Phở 24, những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện khá nhiều chuỗi cửa hàng ẩm thực Việt chủ yếu theo mô típ phục vụ nhanh chứ không phải thức ăn nhanh. Khách hàng đến cửa hàng chỉ cần 5 phút để có tô phở nóng, đĩa cơm tấm…

Chủ hệ thống Warp&Roll - bà Kim Oanh, cho rằng chuỗi cửa hàng chuyên bán các món cuốn và gỏi của mình là nhà hàng chứ không phải cửa hàng thức ăn nhanh. Hiện Wrap&Roll đang làm thủ tục nhượng quyền ra nước ngoài với phong cách nhà hàng mang phong cách Việt. Nhìn nhận về cơ hội khi khảo sát phần lớn khách hàng đều cho rằng họ đến thưởng thức thức ăn nhanh không chỉ vì thương hiệu mà còn muốn được hưởng không khí, phong cách tạo bởi thương hiệu đó.

Các hãng thức ăn nhanh đều cho rằng thị trường thức ăn nhanh Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Vì vậy, McDonald's, Burger King hay các thương hiệu khác vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu không chịu "chạy" mà cứ "đi đủng đỉnh" thì khi những thương hiệu lớn trên thế giới này vào Việt Nam, các DN trong nước phải chấp nhận một thực tế rằng thị trường thức ăn nhanh sẽ là "sân chơi" hoàn toàn của các thương hiệu nước ngoài.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn