Bookaholic #4: Ngấu nghiến nghiền ngẫm bộ sách Dave Trott

Bookaholic #4: Ngấu nghiến nghiền ngẫm bộ sách Dave Trott

Series rất thú vị về sáng tạo của Dave Trott: “Ngấu nghiến nghiền ngẫm”, “Một với một là ba” và “Sáng tạo thần sầu” - là ba cuốn sách đã và đang gây “bão” trong giới yêu sáng tạo Việt Nam. Với lối trình bày ngắt dòng đặc trưng cùng chất “tưng tửng”, “dị dị”, “hài hài” của tác giả qua lối dịch khéo léo, tinh tế của dịch giả chính Chu Sen, bộ sách như một làn gió lạ đầy thú vị, khiến trải nghiệm đọc sách như thể đang xem một show hài độc thoại giàu cảm hứng.

Brands Vietnam đã có một buổi trò chuyện với anh Chu Sen – dịch giả chính của quyển sách và là một copywriter kì cựu trong ngành quảng cáo để tìm hiểu về sách, làm rõ quan điểm cũng như khơi gợi những trao đổi sâu hơn. Toàn bộ buổi phỏng vấn có thể được xem lại trong chương trình Brands Vietnam BOOKAHOLIC - đánh giá những quyển sách hay về thương hiệu, truyền thông và kinh doanh.

Mời các bạn xem nội dung phỏng vấn tóm tắt:

* Ông Trần Hùng Thiện (Giám đốc Điều hành Công ty NCTT GCOMM): Xin chào Chu Sen. Rất vui khi anh đã nhận lời mời tham gia Bookaholic #4 kì này. Đầu tiên, bàn về Dave Trott – một cây đa cây đề trong ngành quảng cáo - thì theo anh, sách của ông thì có gì khác so với sách của những tác giả khác trong cùng một lĩnh vực?

Cảm ơn câu hỏi của anh. Sách về quảng cáo sáng tạo nói chung có một đặc điểm là đều đi vào lối tự sự. Dave Trott thì lại tự sự theo một cách khác, đó là ông đưa ra những câu chuyện, những trải nghiệm rất thật mà độc giả có thể nhìn thấy bản thân mình ở trong đó, và rút ra những bài học không chỉ là trong lĩnh vực quảng cáo mà còn trong cách thức chúng ta làm việc hay đối nhân xử thế hằng ngày.

Cảm xúc đầu tiên khi tôi đọc sách của Dave Trott đó chính là thú vị. Phong cách viết của bác này rất súc tích, ngắn gọn với giọng văn hài hước. Bên cạnh đó trong mỗi câu chuyện đều chứa nhiều ẩn ý, nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau.

* Trong hành trình dịch 3 cuốn sách của Dave Trott thì anh có những cảm xúc nào thú vị nào?

Đầu tiên đó là “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” là cuốn sách đầu tiên tôi làm với WeCreate. Tên gốc của cuốn sách là “Predatory Thinking”, lúc ban đầu khi mới dịch thô cuốn sách tôi đã chọn cái tên rất sát nghĩa gốc là “Tư duy của loài thú săn mồi”. Nhưng sau một lần ngồi trên máy bay đi công tác, đọc sách lại từ đầu đến cuối và không dứt ra được, tối hôm đó tôi đã quyết định xoá hết bản thảo cũ, làm lại từ đầu và đặt cái chọn cái tên vừa mới nảy ra đó là “Ngấu nghiến nghiền ngẫm”.

* Đến bây giờ thì cuốn “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” – cuốn sách đầu tiên dịch có vẻ vẫn là cuốn được yêu thích nhất. Chu Sen nghĩ có lí do gì đặc biệt khiến cuốn sách vẫn giữ được vị thế đó?

Tôi nghĩ điều này đến từ hai yếu tố. Đầu tiên là bản thân bản gốc của cuốn “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” đã rất là hay, là cuốn sách best-selling của bác Dave Trott. Thứ hai thì có lẽ là bởi đó là lần đầu tiên tôi dịch sách nên đã trút hết tâm can, đặt toàn bộ tâm huyết của mình vào.

Điều hay nhất của “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” là nó không nói quá sâu về quảng cáo mà cuốn sách hệt như cuốn “Đắc nhân tâm” từ một người làm quảng cáo đúc kết ra từ việc chiêm nghiệm rất nhiều khía cạnh của cuộc sống.

* Còn đối với cuốn sách thứ hai là “Một với một là ba” thì có điều gì hay ho khác với “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” trước đó hay không?

Nếu như “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” nói về cuộc sống nói chung từ góc nhìn của một người làm quảng cáo thì “Một với một là ba” lại nói về chuyện làm sao để làm quảng cáo hay, làm quảng cáo sáng tạo thì cần những yếu tố gì.

Nếu như “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” là “binh pháp tôn tử” luôn để dưới gối đọc hằng ngày thì “Một với một là ba” là cuốn sách dành cho mỗi khi bí ý tưởng cần tìm triết lí sáng tạo.

Nếu như “Ngấu nghiến nghiền ngẫm” nói về chuyện làm quảng cáo nhưng phải luôn sống trong cuộc sống thật, phải xóa bỏ ranh giới giữa quảng cáo và đời sống, thì “Một với một là ba” lại động viên người ra rằng sự sáng tạo nó nằm trong mỗi con người rồi, hãy tìm cách nối những điểm đó lại để cho ra những ý tưởng tuyệt vời.

* “Một với một là ba" là cuốn sách mới nhất được Dave Trott viết năm 2014. Với độ nóng như vậy thì nó có những gì hay ho hơn những cuốn sách trước đó?

Tôi nghĩ đó là tính thời đại. Bác Dave Trott là người luôn cập nhật những xu hướng mới nhất, điều này thể hiện rõ khi các bạn vào blog của bác Dave để xem những bài viết gần đây. Khi viết cuốn sách này thì trào lưu “7 công việc đầu đời” lúc đó đang rất nổi, và bác Dave Trott đã có bài viết chia sẻ không phải là 7 công việc mà là 7 kinh nghiệm đầu đời để tạo nên một Dave Trott như bây giờ. Tôi nghĩ cuốn “Một với một là ba” có tính thời đại nhiều hơn so với các cuốn trước đó. Đơn cử là ý tưởng “nối điểm” - connect the dots. Sáng tạo không chỉ là những điều bộc phát ra bên ngoài, những điều ngẫu hứng đến một cách tình cờ, mà còn từ những điểm bên trong mỗi chúng ta. Cách chúng ta nối những điểm đó như thế nào sẽ tạo nên những sự sáng tạo khác nhau với mỗi con người.

* Vậy còn cuốn sách thứ 3 là “Sáng tạo thần sầu” thì điểm gì là đặc biệt nhất?

Cuốn sách này ra đời vào thời điểm sự nghiệp của tôi có một bước chuyển khá quan trọng, đó là từ làm thuần về creative sang creative strategy. Giống như là mình vớ được vàng vậy. Vì ở trong cuốn “Sáng tạo thần sầu” này có nhiểu câu chuyện giúp mình định hướng về sáng tạo. Thông thường mọi người nghĩ là sáng tạo thì phải rất là ngẫu hứng, rất là tự nhiên nhưng thật ra sáng tạo trong quảng cáo là cả một chiến lược, một chiến thuật.

Trong cuốn sách này, chương cuối cùng là chương mà tôi thích nhất, nội dung nói về “tư duy của đá” và “tư duy của nước”. Tư duy của đá là rất là kiên định, cứng rắn, làm gì cũng phải chắc như đá. Còn tư duy của nước thì mềm mỏng, mềm mại hơn. Đá mà gặp đá thì sẽ tan tành, nhưng nước gặp đá thì nước sẽ uốn quanh để tạo ra một dòng chảy mới. Hai tư duy đó giúp chúng ta xử lí những tình huống gặp trong cuộc sống.

* Cuốn “Sáng tạo thần sầu” thì chuyên nói về chuyện “ngược" như là lội ngược dòng, đảo ngược brief, nhìn ngược lại, nổi bật nhưng không bật ngửa… Thì cá nhân Chu Sen có ủng hộ xu hướng này không?

Với tôi trong sáng tạo có hai trường phái chính: đi thẳng một con đường với từng điểm chắc chắn phải kinh qua, và thứ hai là lật ngược vấn đề lại để giải quyết. Nói cách khác là có hai cách để nổi tiếng là làm những gì người khác làm nhưng giỏi hơn và làm những gì người khác không làm. Mỗi hướng đi bao gồm cả một chiến lược trong đó. Nếu muốn nổi bật nhưng không bật ngửa ra sau thì hãy lựa chọn ở đầu thái cực này hay đầu thái cực kia, chứ không nên đứng ở giữa.

* Theo anh thì độ tuổi nào phù hợp để đọc và hiểu sách của Dave Trott?

Tôi nghĩ các bạn học sinh – sinh viên đang định hướng nghề nghiệp và muốn tìm hiểu về sáng tạo là giai đoạn thích hợp để đọc bộ sách này. Ngoài ra những người như tôi đọc cuốn sách khi bước vào độ tuổi ba mươi cũng khá phù hợp, vì mình sẽ có những suy nghĩ, cách tiếp cận và chiêm nghiệm khác khi đối ứng lại với cuộc đời của mình.

* Chu Sen có bất kì lời nhắn nhủ nào cho độc giả hiện tại và độc giả tương lai của mình hay không?

Tôi chỉ muốn cảm ơn tất cả mọi người đã ủng hộ bộ ba cuốn sách này cũng như ủng hộ bản thân tôi trong hành trình dịch sách. Và điều thứ hai là đừng bao giờ dừng lại cho bất cứ chuyện gì. Đừng mỏng manh như là nước nhưng cũng đừng cứng nhắc như là đá, mà hãy uyển chuyển, mềm mại, chuyện nào cần cứng thì cứng, chuyện nào cần mềm thì mềm.

* Cảm ơn Chu Sen rất nhiều vì những lời nhắn nhủ này cũng như đã dành thời gian cho buổi trò chuyện ngày hôm nay.

Sáng tạo không chỉ là những điều bộc phát ra bên ngoài, những điều ngẫu hứng đến một cách tình cờ, mà còn từ những điểm bên trong mỗi chúng ta.

Dave TrottVề tác giả

Dave Trott là một trong những chuyên gia quảng cáo lỗi lạc nhất nước Anh từng sản sinh ra và là đồng sáng lập 4 công ty quảng cáo đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Ông vẫn duy trì việc viết lách thường xuyên, đọc thêm những bài viết mới nhất của ông tại http://davetrott.co.uk.

Độc giả có thể đặt mua sách tại:

- Ngấu nghiến nghiền ngẫm: https://goo.gl/9G9ZVF
- Một với một là ba: https://goo.gl/hPsycE
- Sáng tạo thần sầu: https://goo.gl/QPgpJU

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Lương Vy / Brands Vietnam
Brands Vietnam