Startup người Nhật bán quảng cáo trên mặt trăng

Dịch vụ quảng cáo này cho phép gắn logo công ty trên tàu vũ trụ, xe thám hiểm tự hành và những hình ảnh đó sẽ xuất hiện trên mặt trăng.
Ispace - startup trong lĩnh vực du lịch vũ trụ - vừa đưa ra một khoản tài trợ mới dành cho mạng lưới các công ty có trụ sở tại Nhật Bản. Công ty này đã chi kinh phí hơn 90 triệu USD để phát triển tàu thám hiểm mặt trăng. Ngoài ra, họ còn dự định cho hai phi hành đoàn đặt chân xuống mặt trăng vào năm 2020. Dự án này nhằm biến việc quảng cáo trên mặt trăng thành hiện thực.

Theo Bloomberg, Ispace cho rằng cơ hội kinh doanh ban đầu chủ yếu là phục vụ marketing cho các nhãn hàng, bao gồm việc gắn các logo của công ty trên tàu vũ trụ, xe thám hiểm tự hành. "Bắt đầu bằng những công ty muốn hiển thị hình ảnh của mình trên mặt trăng, mục đích hiển thị quảng cáo truyền thống sẽ được thực hiện theo một cách hoàn toàn mới và chưa từng có", Ispace nói về chiến lược ban đầu.

Về vấn đề pháp lý, dự án này hoàn toàn hợp pháp. Hiệp định không gian năm 1967 mà Nhật Bản đã ký tuyên bố không gian là nơi tự do khám phá của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được phép phóng vào không gian, và các quốc gia riêng (bao gồm bất kỳ doanh nghiệp hoặc công dân nào dưới thẩm quyền của họ) phải tránh gây thiệt hại hoặc ô nhiễm khi hoạt động ngoài không gian.

Theo luật trên thì làm biển quảng cáo như Ispace không vi phạm luật không gian, nhưng nếu một số quốc gia cho rằng việc đặt quảng cáo trên mặt trăng gây nhiễu, có thể là ô nhiễm ánh sáng hoặc sự gián đoạn đối với các thiết bị được các bên khác sử dụng, thì Ispace có thể vi phạm luật pháp quốc tế và Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm đối với công ty này và đảm bảo vấn đề sẽ được khắc phục.

Ispace không phải là công ty đầu tiên cố gắng đưa quảng cáo lên không gian. Vào năm 1990, một đài truyền hình Nhật Bản đã mua một chỗ ngồi trên chuyến bay của Nga vào không gian cho phóng viên của họ, kèm theo điều kiện logo của nhà đài xuất hiện bên cạnh tàu vũ trụ Soyuz.

Nga đã cho phép quảng cáo trên nhiều loại tên lửa, nhưng Ispace là tổ chức đầu tiên quảng cáo trên mặt trăng và luật pháp Nhật không ngăn cấm điều này.

Vào năm 1993, công ty Mỹ Space Marketing cũng đã lên kế hoạch cho ý tưởng tương tự. Họ đã đề xuất tung ra một bảng quảng cáo phát sáng có kích thước 1 km và đưa nó vào quỹ đạo thấp của trái đất.

Tấm biển sẽ tương đương với kích thước và độ sáng của mặt trăng vào ban đêm. Đề xuất đó cuối cùng đã không đi đến đâu, lý do là khi đưa vào quỹ đạo, tấm biển sẽ vỡ vụn và mảnh vỡ của nó sẽ bay tứ tung trong không gian bên ngoài trái đất.

Sau đề xuất thất bại đó, Thượng nghị sĩ Ed Markey của tiểu bang Massachusetts đã sửa đổi dự luật cấm tất cả quảng cáo không gian của Mỹ thành cấm "quảng cáo tràn ngập". Vì vậy, các nhà tài trợ vẫn có thể gắn các logo của họ lên bề mặt tên lửa, tàu vũ trụ hoặc quần áo phi hành gia. Cục Quản lý Hàng không Liên bang có trách nhiệm thực thi luật này, và bất kỳ bên nào đã cấp giấy phép để bay vào không gian phải tuân theo nó.

Theo Joanne Irene Gabrynowicz, giáo sư về luật không gian tại Đại học Mississippi, tổng biên tập tạp chí Space Law, lý lẽ đằng sau dự luật là các quảng cáo lớn, như biển quảng cáo của Space Marketing, có thể làm tăng ô nhiễm ánh sáng cho bầu trời đêm, gây cản trở các quan sát thiên văn về không gian, can thiệp vào vệ tinh dẫn đường sử dụng bộ theo dõi sao và cảm biến ánh nắng để hiệu chỉnh các phép đo của chúng.

Theo FAA, định nghĩa "quấy rối" là bất cứ điều gì "có khả năng được nhận ra bởi con người trên bề mặt trái đất mà không cần sự trợ giúp của kính viễn vọng hoặc các thiết bị công nghệ khác".

Tuy nhiên, đó không phải là những gì Ispace đang thực hiện. Các quảng cáo của họ chỉ là hình ảnh dành cho các công ty muốn cảnh quan Mặt Trăng làm nền cho logo của họ. Và dĩ nhiên nó không thể nhìn thấy từ trái đất mà không có kính thiên văn chuyên dụng.

Nhưng với tốc độ nhanh chóng của ngành công nghiệp không gian tư nhân, quảng cáo không gian có vẻ sẽ xuất hiện nhiều lần. Giám đốc điều hành của Ispace nói trong một sự kiện báo chí vào tuần trước: "Con người không hướng tới các ngôi sao để trở thành người nghèo".