“Siêu điện thoại” Bphone – Chiến lược truyền thông “tung hô” và sự đón nhận của người dùng online

Ra mắt thị trường với vị thế “Smart-phone” đầu tiên made-in Việt Nam, Bphone đã tạo ra một cơn “địa chấn” dư luận trên các kênh Social Media dù sản phẩm chính thức còn chưa được tung ra.

Ngoài xuất thân đặc biệt của Bphone: là sản phẩm tâm huyết của BKAV, thì chính chiến lược Marketing “xưng hùng xưng bá” đầy cá tính của thương hiệu này được cho là yếu tố quyết định thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong suốt thời gian vừa qua.

bkav-phone

Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên BKAV sử dụng cách truyền thông này cho các sản phẩm của mình: chúng ta đã quá quen thuộc với: “phần mềm bảo mật tốt nhất thế giới” (BKAV) hay “hệ thống nhà thông minh tiên tiến nhất thế giới” (BKAV Smart-Home) - đã có quá nhiều tranh luận khen/chê - phản đối/ủng hộ về cách sử dụng thông điệp “tự tung hô” của BKAV. Thậm chí, chỉ cần vài giây để google từ khóa “BKAV” hoặc tên của người lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã cho ra hàng trăm ngàn kết quả về các quan điểm đa chiều của cộng đồng mạng. Thế nhưng, khi “Smartphone đẹp nhất thế giới, đẹp hơn cả iPhone 6” - Bphone ra đời, người ta vẫn không thể ngừng quan tâm: dư luận lại bùng nổ, thông điệp của BKAV và Bphone lại tiếp tục được mang ra mổ xẻ, tranh cãi.

Ở góc độ Marketing cũng xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều về hiệu quả tích cực/tiêu cực của cách làm truyền thông “có một không hai” này. Nếu chất lượng thực sự của sản phẩm so với nội dung quảng bá phải thông qua đánh giá trực tiếp từ người sử dụng, thì với dữ liệu từ hệ thống SocialHeat dưới đây, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát và có thể đánh giá khách quan hiệu quả truyền thông từ chiến lược của BKAV đối với cộng đồng người dùng online. Số liệu trong bài viết được cung cấp bởi YouNet Media.

Đầu tiên, với biểu đồ buzz (tổng số lượt thảo luận/nhắc đến) của Bphone trong thời gian qua cho thấy lượng quan tâm của Netizens dành cho sản phẩm này là vô cùng lớn:

Biểu đồ thể hiện tổng lượng Buzz của Bphone trong thời gian qua – thông tin bắt đầu bùng lên và lan tỏa từ những hình ảnh của Bphone tại triển lãm Điện Tử Tiêu Dùng CES 2014

shareofvoice

Biểu đồ “Share of Voice” so sánh trực tiếp lượng buzz giữa Bphone vs Samsung Galaxy S6 trước thời điểm ra mắt sản phẩm

Bất ngờ hơn, khi so sánh trực tiếp với lượng thảo luận trước khi ra mắt của Bphone với “bom tấn” SamSung Galaxy S6: S6 thậm chí thua kém và chỉ bằng 60% tổng lượng thảo luận của Bphone. Việc được quan tâm hơn cả S6 – “bom tấn” Android của năm, chứng minh sức hút cực kỳ đặc biệt của Bphone.

Source

Các kênh thông tin và các bài viết nhắc đến Bphone nhiều nhất

sentiment

Biểu đồ thể hiện cảm xúc của các thảo luận về Bphone

possitive

Các yếu tố của Bphone được đánh giá tích cực nhiều nhất

negative

Các yếu tố của Bphone được đánh giá tiêu cực nhiều nhất

Về cảm xúc chung của người dùng dành cho Bphone: yếu tố được đánh giá tích cực nhiều nhất đó là smart-phone đầu tiên được lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam. Các cảm xúc tiêu cực được đưa ra chủ yếu hoài nghi về chất lượng và tính xác thực của sản phẩm so với thông điệp truyền thông “là nhất” do BKAV đưa ra. Tổng quan, số lượng bình luận ủng hộ sản phẩm vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với chiều ngược lại (18,4% so với 6,1%).

Ở các cộng đồng người dùng khác nhau, chúng ta thấy rõ cảm xúc của người dùng và mức độ chấp nhận dành cho sản phẩm là khác nhau.

compare

Cụ thể ở trang tin VnExpress, mục "Số hóa": với lượng đọc giả đa số ở độ tuổi trưởng thành: thái độ đón nhận thông tin do đó nghiêm túc và có cái nhìn tổng quát hơn - chủ yếu các ý kiến đều ủng hộ, muốn mua và dùng thử Bphone với tinh thần “ủng hộ hàng Việt” được đưa lên hàng đầu, vượt qua các lo ngại khác về sản phẩm.

Vnebkav

Những bình luận tích cực về Bphone tại VnExpress nhận được lượt ủng hộ rất cao

Ở chiều ngược lại, như ở diễn đàn Voz – là cộng đồng đại diện cho lớp người dùng trẻ, thích công nghệ, hoạt động online tích cực và có xu hướng nghiêng theo phong trào (50% dưới 22 tuổi), thì chủ yếu Bphone được nhắc đến như một trào lưu mới mang tính hài hước và cảm xúc hóa về BKAV và Nguyễn Tử Quảng - hơn là một sản phẩm công nghệ thực sự. Do đó, mức độ ủng hộ và mong muốn sử dụng Bphone ở những cộng đồng dạng này thường không cao, nhưng tâm lý tò mò và bị cuốn theo từng thông tin cập nhật của BKAV lại khá cao.

voz

Các comment ở Voz chủ yếu là hoài nghi, châm chọc & không thể hiện sự ủng hộ nhiều, nhưng vẫn tồn tại tâm lý tò mò muốn dùng thử sản phẩm.

Phân tích sâu vào nội dung của các cuộc thảo luận của người dùng từ dữ liệu của SocialHeat, tần suất xuất hiện của các từ khóa theo thống kê dưới đây cho thấy các yếu tố được quan tâm và nhắc đến nhiều nhất ngoài “tính năng sản phẩm” của Bphone trước khi ra mắt như sau:

tyle

“Việt Nam” được nhắc đến trên 14,000 lần trong tổng số lượng thảo luận cho thấy tâm lý “tinh thần dân tộc” của cộng đồng mạng là rất cao: việc Bphone xuất hiện như một sản phẩm công nghệ cao lần đầu tiên được VN sản xuất trước hết vượt qua giới hạn về mối quan tâm chất lượng sản phẩm - mang lại một giá trị tinh thần và cảm xúc rất lớn. Xu hướng này cũng thể hiện rõ khi có đến hơn 5,000 thảo luận chứa từ khóa “thế giới” – xuất phát từ tâm lý tự hào dẫn đến so sánh thường thấy khi nói về một sản phẩm “made in VN” của cộng đồng mạng.

Một từ khóa đáng chú ý được SocialHeat thống kê có tỷ lệ chiếm đến 11,5% tổng số buzz đó là “Đẹp Nhất”. “Bphone đẹp nhất thế giới” là thông điệp quảng bá của BKAV, nhưng hiếm có thông điệp truyền thông nào lại được người dùng nhắc đi nhắc lại, trích dẫn, phân tích mổ xẻ với tần suất lớn như vậy. Đối với hoạt động quảng bá truyền thông, thì đây được xem là một trong những thành công đầu tiên của BKAV.

Và một từ khóa khác được nhắc đến nhiều nhất (10%) là cái tên luôn được các trang tin săn đón, đưa lên tiêu đề và luôn gắn liền với BKAV: “Nguyễn Tử Quảng” – CEO của BKAV. Điều này thể hiện rất nhiều ý nghĩa: việc thể hiện cá tính & những phát ngôn của người lãnh đạo đã tác động/ảnh hưởng sâu sắc đến việc nhận diện và cảm xúc của người dùng dành cho tính cách thương hiệu nói chung và cho từng sản phẩm của BKAV nói riêng. Thậm chí vượt ra ngoài giá trị quảng bá thương hiệu, tên tuổi của vị CEO này đã trở thành một hiện tượng, một trào lưu mạng xã hội đúng nghĩa. Chính yếu tố này góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa sự nhận biết về Bphone một cách tự nhiên mà không cần quá nhiều tác động truyền thông từ BKAV.

2995205_tinhte_Bphone_Bkav_1

Các thông tin liên quan đến Nguyễn Tử Quảng luôn thu hút người đọc

Kết luận

Việc đánh giá mức độ thành công thực sự của BKAV trên sản phẩm Bphone hiện nay là còn quá sớm và điều đó chỉ có ý nghĩa khi sản phẩm chính thức đến tay người dùng. Nhưng cho đến thời điểm này, ở góc độ truyền thông và quảng bá sản phẩm - dù còn đó rất nhiều ý kiến và quan điểm tiêu cực, nhưng nhìn chung về hiệu quả thì người viết cho rằng BKAV đã khá thành công: từ độ nhận biết sản phẩm, liên kết thương hiệu (sản phẩm đẹp nhất) cho đến khơi gợi tâm lý tò mò, và nhu cầu sử dụng sản phẩm của người dùng (ủng hộ hàng Việt). Bất kỳ thông tin nào được tung ra liên quan đến sản phẩm này đều khuấy đảo các kênh thông tin và cộng đồng mạng. Ở điều kiện hiện tại, rõ ràng BKAV đang sở hữu lợi thế rất lớn để đưa Bphone trở thành một “bom tấn” đúng nghĩa trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu chất lượng sản phẩm khi ra mắt không thực sự như những gì được quảng bá hoặc dưới mức kỳ vọng của thị trường - thì chiến lược truyền thông này sẽ trở thành con dao hai lưỡi: những thông điệp “tung hô” chỉ càng làm tăng thêm thái độ tiêu cực và có thể dẫn đến hiệu ứng Domino khiến người dùng đồng loạt quay lưng với sản phẩm. Chắc chắn BKAV sẽ phải thận trọng rất nhiều trong những bước đi tiếp theo để đưa Bphone ra thị trường và để đạt được thành công như thương hiệu này mong muốn.

Dữ liệu được thu thập và phân tích thông qua hệ thống SocialHeat của YouNet Media, một trong những agency hàng đầu Việt Nam về theo dõi – quản trị và phân tích thương hiệu, thị trường và người dùng trên môi trường Internet. Hệ thống Social Listening & Market Intelligence của YouNet Media là nền tảng duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực (real-time), tự động (automatic sentiment) và bao phủ trên 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội (800 nghìn fanpages & nhóm và 20 triệu người dùng Facebook Việt Nam, Youtube,…), diễn đàn, cộng đồng, tin tức trực tuyến…