Insight của giới trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp

Nhiều nhận định cho rằng: "giới trẻ ngày nay có quá nhiều lựa chọn, dễ dàng bị lạc lối, không biết mình thích gì, thích gì, cứ nhảy việc thường xuyên". Sự thật có phải như thế không? Bài phân tích báo cáo "Định hướng nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam" sẽ giúp bạn khám phá một số insight của giới trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Báo cáo "Định hướng nghề nghiệp", nằm trong dự án nghiên cứu Insight thế hệ trẻ Việt Nam của Bamboo - bộ phận nghiên cứu insight của agency đa quốc gia Havas Riverorchid.

1. Lí do chọn ngành nghề?

Khi được hỏi về chuyên ngành đang theo học, 40.3% các bạn trả lời rằng chọn ngành theo sở thích cá nhân và sở thích cũng chiếm số điểm 4.81/5 về lí do chọn công việc hiện tại. Lựa chọn theo sở thích, cũng đồng nghĩa là do tác động của xu hướng hay chỉ đơn thuần là chọn đại mà thôi. Nói theo cách khác, các bạn lựa chọn một cách đơn giản, dễ dàng, chỉ cần cảm thấy thích, tin rằng mình có thể theo được ngành đó, công việc đó là đủ.

Lý do chọn ngành đang theo học.

Nick Morrison(1) cũng đồng tình với kết luận trên. Khi ông khảo sát 300,000 học sinh nộp đơn đăng ký vào trường Đại học, lí do phổ biến nhất khi các bạn chọn ngành là đam mê. Ngoài ra, có đến 71.5% các bạn đang hoặc dự định làm theo đúng ngành mà mình đã học. Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng giới trẻ ngày nay có xu hướng làm công việc mình thích, theo đuổi đam mê, hoài bão của bản thân hơn là làm một công việc ổn định, thu nhập cao.

Nghề đang làm có đúng ngành bạn học?

Mặt khác, 40.3% các bạn không có dự định hoặc đang làm đúng ngành vì cảm thấy không phù hợp. Ở nước ngoài, ngay từ nhỏ các em được tạo điều kiện để khám phá những đam mê và lợi thế của bản thân, rồi tập trung phát triển thế mạnh đó.

Còn ở Việt Nam, sau 3 cấp học, các em luôn được hướng đến hình mẫu giỏi toàn diện, cái gì cũng nắm chắc. Xét về chiều ngang, học sinh mình được tiếp cận tổng quát hơn, nhưng về chiều sâu cũng như kiến thức về các khía cạnh liên quan, học sinh Việt Nam vẫn còn bị động nhiều. Nhưng không phải em nào cũng vậy, vẫn có em chủ đông và biết được mình muốn gì và có thể làm gì ngay từ đầu.

Aine Cain(2) đã gợi ý cho các bạn cách để tránh những trường hợp chọn sai ngành học, để rồi làm một công việc liên quan đến ngành học nhưng lại không phù hợp với bản thân, đó là hãy chọn ngành đem lại cho bản cảm giác thích thú nhưng vẫn có những chỗ trống để khám phá các khía cạnh khác khi theo học ở các trường Cao đẳng & Đại học. Tức là, mình chọn ngành mà mình cảm giác nó có thể lấp đầy những kiến thức bản thân còn thiếu, bên cạnh đó, luôn sẵn sàng khám phá và học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ từ bạn bè và thầy cô giáo.

2. Mức độ nhảy việc

Khi được hỏi bạn đã trải qua bao nhiêu công việc toàn thời gian, 54.1% trả lời đã từng làm 2-3 công việc và 44.7% chỉ gắn bó với công ty trong thời gian ngắn, 6 tháng đến 1 năm. Qua đó, ta có thể thấy rằng: tuy đã học và làm theo đúng ngành (số liệu phần 1), nhưng khi ra trường, bắt đầu vào công việc thực tế, các bạn lại mất đi cảm giác yêu thích và sự yêu thích với công việc đó, hoặc nhanh chóng nhận ra sự không phù hợp, và chủ động tìm và thử con đường khác, hướng đi mới.

Thời gian gắn bó với công việc.

Người ta nói an cư thì lạc nghiệp, khi làm một công việc ổn định trong thời gian dài, bạn sẽ gắn bó với đồng nghiệp, công ty và hình thành đam mê mãnh liệt với công việc mà mình chọn. Mặt khác, công việc vào guồng và lặp đi lặp lại khiến đôi lúc chúng ta cảm thấy ngán, muốn thay đổi môi trường, gặp gỡ người mới và cho bản thân mình nhiều cơ hội hơn. Không có gì là đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Các bạn trẻ cởi mở, chấp nhận nhiều phép thử, cho mình cơ hội đón nhận thử thách và sai lầm trong đời hơn những thế hệ trước.

Nói về vấn đề nhảy việc, Lily Herman(3) cho biết thế hệ Millennials (sinh năm 1982-2002) mong muốn gắn bó với một công việc khoản 1 năm hoặc ít hơn rồi tìm một công việc mới nhằm tìm kiếm trải nghiệm, tăng lương bổng và mở rộng mối quan hệ, chiếm 26%. Paige Magarrey(4) cho biết độ tuổi của Millennials dễ dàng nhảy việc là do họ có thể kiếm thêm thu nhập, phát triển sự nghiệp, thay đổi chỗ ở dễ dàng và tìm thấy môi trường phù hợp với bản thân.

Mặt khác, 62% người trả lời e ngại nhảy việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tín nhiệm cá nhân, lòng trung thành, an toàn nghề nghiệp và khả năng thăng tiến. Câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta nên nhảy việc? Khi gặp tình huống đó, các bạn nên cân nhắc các yếu tố sau: những điều bạn muốn đạt được từ công việc, bạn có làm hết khả năng hay chưa, bạn có muốn tìm kiếm thử thách mới và nơi nào mang lại cho bạn lợi thế lâu dài.

Chúng ta nhận thấy rằng, bất cứ quyết định nào đưa ra cũng có những lí do của nó, nhảy việc nhiều không có nghĩa bạn sẽ bị nhà tuyển dụng nhìn với ánh mắt tiêu cực, bằng chứng là 55% nhà tuyển dụng vẫn chọn những cá nhân nhảy việc thường xuyên. Khi công việc không còn phù hợp, không có môi trường và cơ hội để bạn cống hiến bản thân, hãy chủ động cho mình rẽ hướng, để tìm lối đi riêng. Nhưng khi công việc vẫn đang mang lại cho mình nhiều lợi ích và phát triển bản thân, hãy cố gắng hết mình để cống hiến cho nó và đạt được vị trí cao hơn trong công việc.

3. Mức độ gắn bó với công việc

Khi được hỏi về mức độ hài lòng với công việc, 3.96/5 điểm đồng tình với lựa chọn "Các mối quan hệ trong công việc" . Bởi vì thật sự đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ khác liên quan đến công việc, mang lại cho chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Các mối quan hệ sẽ góp phần giúp mức độ gắn bó với công việc sẽ cao hơn, từ đó giúp ta càng yêu thích công việc hiện tại và cống hiến cho nó trọn vẹn hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của công việc.

Thời gian dự kiến gắn bó với công việc hiện tại.

Bên cạnh đó, có 3.95/5 điểm đồng tình với lựa chọn "Cơ hội phát triển bản thân" và có đến 36.8% các bạn chỉ muốn gắn bó với công việc trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 năm. David K. Williams(5) cũng đồng tình với ý kiến trên: trong 1 đến 3 năm đầu tiên, bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ và phát triển bản thân. Theo ông, một công việc hoàn hảo là việc bạn ngừng đứng núi này, trông núi nọ, hãy làm thật tốt công việc hiện tại.

Vincent S. Flowers và Charles L. Hughes(6) cũng đồng ý với David, ở cấp độ nhân viên có kỹ năng chưa cao (do mới ra trường hoặc làm việc trong thời gian ngắn) thì có đến 72% chọn gắn bó với công ty vì không muốn bỏ nhiều thời gian để có được những lợi ích mà họ được hưởng khi gắn bó với công ty.

4. Giới trẻ chỉ đôi lúc mất thăng bằng chứ không lạc lối

Khi được hỏi về vấn đề mất phương hướng trong sự nghiệp, có 50.9% các bạn "Thỉnh thoảng có cảm thấy", 23.2% "Không bao giờ cảm thấy" và chỉ có 14,3% là "Có và rất thường xuyên cảm thấy". Trong cuộc phỏng vấn với Bamboo, một số bạn trẻ đã nói rằng sự lạc lối, mất định hướng mà mọi người hay đề cập đơn thuần là cảm giác băn khoăn, hơi do dự vì đứng trước nhiều lựa chọn cho nên không biết nên đi theo con đường nào. Qua đó, có thể thấy rằng thấy rằng việc cảm thấy lạc lối trong sự nghiệp thực chất chỉ mang tính thời điểm, tại một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp.

Một số bạn học ngành mình không thích, kiếm được công việc một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đã quyết định từ bỏ để tìm một công việc thật sự phù hợp, khiến bản thân thấy hài lòng, trọn vẹn hơn. Cũng có bạn bước đầu khó khăn tìm việc, chỉ cảm thấy buồn và hoang mang trong một chút trong giai đoạn đầu, sau đó lại tìm lại đúng với đam mê nghề nghiệp của mình. Những lúc hoang mang như vậy, con người dễ rơi vào trạng thái lạc lối, nó kéo dài trong thời gian ngắn, có thể 1 tháng, 2 tuần, 1 tuần hay chỉ vài ngày mà thôi. Nó giống như phản xạ tự nhiên của chúng ta khi đối mặt với chuyện ngoài ý muốn trong cuộc sống, công việc.

Mức độ cảm thấy mất định hướng trong sự nghiệp.

Và khi có cảm giác đó, 67.9% sẽ chọn giải pháp trò chuyện và chia sẻ cùng người mình tin tưởng. Trong cuộc sống và công việc, việc tìm được người để ta tin tưởng và trải lòng thật sự không phải dễ. Khi ta có thể trò chuyện với họ trong những lúc như thế này, chứng tỏ người bạn đó mang lại cho ta cảm giác an toàn và là nơi đáng tin cậy tuyệt đối.

Giải pháp khi mất thăng bằng trong sự nghiệp.

Tóm lại, giới trẻ ngày nay không lạc lối như cách mà mọi người nhìn nhận. Có thể đôi lúc trong công việc, có nhiều áp lực và mất cân bằng, mà các bạn cảm thấy hoang mang, không biết mình có phù hợp với công việc này hay không.

Lạc lối trong trường hợp này chỉ là một trạng thái mang tính chất thời điểm, như bất kì ở thế hệ nào, cũng sẽ có lúc cảm thấy chán công việc hiện tại lặp đi lặp lại, cảm thấy những gì công việc mang lai không xứng đáng với những gì mình bỏ ra hay không tìm thấy điểm chung về mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và bản thân.

Quan trọng là các bạn trẻ đã phần nào ý thức được việc, cần phải biết mình thích gì, biết mình muốn gì, chấp nhận những phép thử để tìm được con được phù hợp nhất, chứ không thụ động chịu đựng một công việc nhàm chán, không phù hợp với bản thân.

Để xem đầy đủ báo cáo về "Định hướng nghề nghiệp" của Bamboo, xin vui lòng liên hệ qua email [email protected], để biết thêm thông tin. Trong mail xin cho biết rõ thông tin cá nhân, lí do tại sao muốn tìm hiểu thêm về báo cáo và mục đích sử dụng. Xin chân thành cảm ơn.

*Nguồn tham khảo:
(1) Bài báo của Nick Morrison trên trang Forbes (2015) về "Sự thật ngạc nhiên về lí do sinh viên chọn ngành học tại trường".
(2) Bài báo của Aine Cain trên trang Business Insider (2016) về "12 dấu hiệu chứng tỏ bạn đã chọn sai ngành mặc dù bạn không cảm thấy như vậy".
(3) Báo cáo khảo sát Lily Herman trên trang The Muse về "Những tác động của nhảy việc tới con đường sự nghiệp của bạn".
(4) Bài báo của Paige Magarrey trên trang Work Opolis (2016) về "Nhảy việc: những điều nhà tuyển dụng cần biết".
(5) Bài báo của David K. Williams trên trang Forbes (2012) về "10 lí do để gắn bó với một công việc trong 10 năm hoặc hơn".
(6) Bài báo của Vincent S. Flowers và Charles L. Hughes trên trang Harvard Business Review (1973) về "Lí do nhân viên gắn bó với doanh nghiệp".