Marketer Trần Đình Tài
Trần Đình Tài

Marketing-PR dept @ Tập đoàn Hoa Sen

“Những mánh khóe làm ăn sẽ giết chết doanh nghiệp về lâu về dài”

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Phước Vũ - Doanh nhân đoạt giải thưởng "EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" 2014, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Top 10 những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện lập nghiệp thực tế từ 2 bàn tay trắng, trải qua khó khăn nhưng sống với đam mê và quyết tâm - bản lĩnh doanh nhân.

Ông vũ cho biết, khi bắt đầu đi làm, điều đầu tiên ông nghĩ là làm để kiếm sống trước, sau đó mới từng bước tạo ra cơ sở kinh doanh của mình, rồi mới đến thành lập và phát triển doanh nghiệp.

Từ trái qua phải: Ông Lại Hợp Nhân - Đồng Phó Trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Lê Phước Vũ - Doanh nhân đoạt giải thưởng "EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" 2014, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Top 10 những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam; Ông Phan Đằng Chương - Đồng Phó trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam.

Tuy đạt được giải thưởng EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2014, nhưng ông Vũ cho rằng ông vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Ông chia sẻ: “Đã là một doanh nhân lập thân, lập nghiệp, các bạn luôn phải là cánh chim đầu đàn về ý chí, bản lĩnh, đạo đức, tinh thần và trách nhiệm. Nếu đứng đầu doanh nghiệp mà thiếu đi những tố chất này thì không thể xây dựng được thương hiệu thành công”.

Ông Vũ cho biết: “Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh doanh của tôi đó là làm ăn chân chính, tạo việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại hạnh phúc căn bản nhất cho con người. Tại tập đoàn Hoa Sen, chúng tôi đề ra những giá trị cốt lõi của DN đó là “Trung thực- Cộng đồng- Phát triển” và văn hoá DN 10 chữ T “Trung thực- Trung thành - Tận tụy - Trí tuệ - Thân thiện”.

Ông đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ rằng, đã là một doanh nhân, hãy làm tròn trách nhiệm của mình, làm giàu chính đáng, có trách nhiệm với đất nước và xã hội bằng những quyết định kinh doanh có trách nhiệm.

Ông Vũ cho rằng, là con người thì ai cũng có nhu cầu ăn mặc, học hành, có sự nghiệp, của cải, gia đình… tất cả đều rất chính đáng. Đối với cá nhân ông, khi điều hành doanh nghiệp cũng có những lúc thuận lợi, những lúc khó khăn và nhiều khi là bế tắc nhưng ông vẫn luôn lạc quan. Ông Vũ cũng nhấn mạnh, đồng tiền làm ra phải chân chính và trong làm ăn phải giữ được chữ tín.

"Hàng chục, hàng trăm năm trước đất nước Việt Nam chúng ta còn nghèo nhưng chúng ta vẫn thắng được chiến tranh bởi vì chúng ta có lý tưởng và nền tảng tinh thần. Trước khi các bạn quyết định làm giàu, các bạn phải hình thành về nền tảng tinh thần và đạo đức để có nền móng vững vàng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Làm kinh doanh, chúng ta phải làm giàu cho mình và làm sao mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu làm được như vậy thì sự thành công của mình mới thực sự xứng đáng và đáng trân trọng” - doanh nhân Lê Phước Vũ nhấn mạnh.

Ông Lê Phước Vũ - Doanh nhân đoạt giải thưởng "EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" 2014, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Top 10 những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam

Chia sẻ về chữ "chính trực" của doanh nhân, ông Lê Phước Vũ khẳng định, chúng tôi luôn đề cao tính trung trực đầu tiên. Sống trung thực, trách nhiệm rồi mới cống hiến tốt cho xã hội.

“Chữ trung trực hay chính trực quan trọng lắm. Chúng ta có mọi thứ về vật chất tình cảm nhưng thiếu sự chính trực thì sẽ không có niềm tin” – ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh.

Ông nói thêm: Trong đời sống, tôi thường sống và hành động với triết lý đạo phật do đó mà tôi có cái nhìn chiêm nghiệm trong cuộc sống. “Tôi cho rằng, bản thân trong một thế giới là sự tương tác và lệ thuộc hẳn nhau và con người cũng vậy. Các bạn là doanh nhân, là chủ doanh nghiệp, các bạn sẽ có những nhân viên trong mối quan hệ. Nếu bắt đầu lập nghiệp mà thiếu chính trực thì các bạn sẽ không bao giờ thành công, còn nếu thành công thì chỉ là sự nhất thời và không có giá trị bền vững” – doanh nhân Lê Phước Vũ nói.

“Chữ trung trực hay chính trực quan trọng lắm. Chúng ta có mọi thứ về vật chất tình cảm nhưng thiếu sự chính trực thì sẽ không có niềm tin”

Ông cho rằng, trong cuộc sống nếu chúng ta sống hướng tới sự chính trực, thẳng thắn sẽ nhận được sự an vui. Sống chính trực thì tâm nhẹ nhàng, mới tập trung được trí lực tìm hướng phát triển thị trường chứ không phải chỉ dành đầu óc để lo đối phó, luồn lách. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho Tôn Hoa Sen có được niềm tin với cộng đồng và phát triển nhanh và bền vững.

Chia sẻ về tính chính trực trong kinh doanh, ông Phan Đằng Chương - Đồng Phó trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, bất cứ một người nào tham gia vào kinh tế đều đặt mục tiêu phải có lợi nhuận. Con người khi tham gia vào các hoạt động giao dịch đều phải có lợi ích. Tính chính trực cho phép chúng ta ổn định mối quan hệ, từ đó phát triển kinh tế và phát triển hoạt động kinh doanh của mình.

Trong một thời gian rất dài, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều đất nước trên thế giới đã có hiện tượng kinh doanh phá giá. Đây là hành động không chính trực trong kinh doanh. Theo tôi, tính chính trực là một phần không thể tách rời của giá trị thương hiệu. Khi làm marketing về thương hiệu, doanh nghiệp phải làm sao để người khác nhận diện được và nhớ tới. Thực tế đã có rất nhiều thương hiệu chỉ lóe lên rồi mất, nhưng cũng có những thương hiệu trường tồn với thời gian. Vì vậy, để có được uy tín thương hiệu, người lãnh đạo doanh nghiệp đó phải có tính chính trực.

Ông Phan Đằng Chương - Đồng Phó trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam

Theo ông Chương, tính chính trực phải thể hiện qua các yếu tố như: Chính trực và trung thực với chính bản thân của mình; Chính trực đối với cộng đồng mà hơn hết là tuân thủ pháp luật; Chính trực đối với bạn hàng, đối tác; Và quan trọng nhất là phải chính trực, trung thực chính với nhân viên, cộng sự của mình.

Chia sẻ về ý tưởng lựa chọn ngành tôn thép để khởi nghiệp, doanh nhân Lê Phước Vũ cho biết: “Thú thực kinh daonh là một cái duyên bởi khi làm ăn phải có vốn. Hồi đó tôi không có nhà phải ở thuê, học Trung học Giao thông Vận tải ngành Vận tải ô tô. Mới đầu tôi thuê xe tải chạy để kiếm tiền nuôi vợ con. Tôi đi xe chạy được bao nhiêu tiền lại nuôi xe hết nên “nghèo lại hoàn nghèo”. Sau đó tôi được thuê đi lái xe con. Có một hôm tôi chở khách ra đường Tôn Đức Thắng, trong lúc chờ khách, tôi tranh thủ ăn sáng bằng gói xôi thì có người ăn xin đi tới và bảo: Cậu có tiền không cho tôi xin? Tôi nhìn người ăn xin và bảo tôi không có tiền nhưng tôi có gói xôi cho ông. Người ăn xin phán “Cậu trẻ mà tốt bụng quá! Tôi phán trong vòng 3 năm tới cậu sẽ có vốn nước ngoài để làm ăn”.

"Nghe người ăn xin nói vậy tôi cũng không tin vì nhà tôi chẳng có ai ở nước ngoài và tôi cũng không chơi với ai đi nước ngoài. Thế rồi ông anh họ có nhờ tôi đưa hàng vật liệu xây dựng và tôi cũng tích lũy được vài kinh nghiệm làm ăn nhưng do không có vốn nên vẫn phải làm thuê. Tình cờ tôi đọc được tờ báo có công ty tôn liên doanh nước ngoài họ nhập tôn về nhưng không bán được nên có nhu cầu tìm đại lý bán lại và cho trả chậm tiền. Sau đó tôi liên hệ và thuê một cửa hàng mặt tiền 3m7 dài 10m để làm xưởng tôn. Rất tình cờ tôi lại bán được hàng và có số vốn ban đầu nho nhỏ" - ông Vũ chia sẻ thêm.

Ông Vũ cho biết, ngày 18/5/1994 là ngày đầu tiên ông bước chân ra làm kinh doanh. "Sau 3 năm tôi làm ăn rất thuận và nghiệm lại lời tiên tri của ông ăn xin là rất đúng. Rõ ràng tôi không lựa chọn nghề mà nhân duyên đưa đẩy tôi đến nghề này. Các bạn trẻ cũng vậy, khi bước chân vào cuộc đời các bạn sẽ có nhiều cánh cửa, không ai tự lựa chọn được cánh cửa cho mình nhưng những hành động tốt của mình được coi là những cái nhân tốt để thành công về sau" - ông Vũ đưa ra lời khuyên.

Một vị khách mời đặt câu hỏi giao lưu

Chia sẻ về vấn đề các bạn trẻ mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn vậy làm thế nào để lấy được lòng tin với đối tác, ông Phan Đằng Chương cho biết, Công ty (Doanh nghiệp) là một nhóm những con người cùng kết hợp với nhau để đi đến một mục đích, ý chí tạo ra giá trị mà tập thể đó đang hướng tới.

Hiện nay, những công cụ quản trị đang được đưa ra rất nhiều nhưng có một công cụ rất quan trọng đó là quản trị văn hóa của doanh nghiệp – đó mới thực sự là quản trị doanh nghiệp bởi con người trong đó mới đảm bảo được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Ông Phan Đằng Chương chia sẻ quan điểm của doanh nhân thành đạt trên thế giới về quản trị doanh nghiệp. Đối với vị doanh nhân đó, quản trị doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề và nguyên tắc như sau: sản phẩm phải là thiết kế độc đáo và sử dụng công nghệ hàng đầu; giữ muức tái đầu tư để cổ đông hài lòng; luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng nhất ở các ngành hàng khác nhau; bảo đảm dịch vụ giao hàng tận nơi (logictis); tuyển dụng những nhân viên có ý thức để đảm bảo lợi ích cho khách hàng.

“Công cụ có rất nhiều nhưng chúng ta không áp dụng máy móc mà áp dụng phù hợp với giá trị đang muốn bảo vệ và giá trị đang muốn phát triển của doanh nghiệp mình” – ông Phan Đằng Chương nói.

Các bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các doanh nhân

Trả lời câu hỏi với những triết lý phật giáo trong điều hành doanh nghiệp, làm thế nào ông có thể truyền tải triết lý tới toàn bộ hệ thống Hoa Sen Group? Ông Lê Phước Vũ cho biết: “Bản thân tôi không được đào tạo bài bản như các bạn. Tôi chỉ học trung cấp, sau đó phải lăn lộn kiếm tiền. Trong quá trình làm việc tôi thường chiêm nghiệm thực tiễn trong trạng thái tâm mình thanh tĩnh, sau đó sẽ có suy luận, đưa ra giải pháp, tình huống”.

Theo ông Vũ, muốn xây dựng doanh nghiệp trước tiên chúng ta phải có đội ngũ cộng sự và mình sẽ là người dẫn dắt, lãnh đạo doanh nghiệp của mình. Lãnh đạo ở đây không mang tính chất cá nhân mà mang tính chất tập thể. “Là người đứng đầu, bạn phải làm sao để cộng sự của mình phải tôn trọng, nể phục bạn bằng trách nhiệm, đạo đức, tinh thần” – ông Vũ nói.

Trong quá trình làm kinh doanh, ông Vũ đã đề cao văn hóa doanh nghiệp 10 chữ T gồm: “Trung thực- Trung thành - Tận tụy - Trí tuệ - Thân thiện”. Chính văn hóa đó đã giúp ông điều hành tốt doanh nghiệp của mình. Ông “bật mí”: “Đội ngũ điều hành doanh nghiệp của Hoa Sen đều do tôi đào tạo. Doanh số năm 2013 của Hoa Sen là 15 ngàn tỷ. Năm 2014 dự kiến là 18 ngàn tỷ. Có được con số ấn tượng này bởi Hoa Sen có đội ngũ điều hành, cộng sự tốt, đáng tin cậy”.

Từ chia sẻ này, ông đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: Đầu tiên, muốn thành công phải giải quyết được khâu nhân sự. Sau đó là văn hóa doanh nghiệp. Có giải quyết được 2 khâu này, những khâu khác mới kéo theo và bền vững được.

Ban tổ chức tặng hoa cho khách mời tham gia giao lưu

Ông Vũ cho biết thêm, Tôn Hoa Sen có 150 chi nhánh trên cả nước, mỗi năm chúng tôi có mở thêm vài chục chi nhánh và phấn đấu mở thêm 500 - 600 chi nhánh trong 2, 3 năm tới. “Tôi cũng đang có ý định xây một trung tâm phân phối VLXD ở TP Vinh và dự kiến sẽ mở 60 trung tâm như vậy trên toàn đất nước. Trong vòng 10 năm nữa doanh số của chúng tôi là rất lớn”.

Doanh nhân Vũ cũng nhấn mạnh: “Tôn Hoa Sen đang phải thay đổi từng ngày vì cuộc chơi không phải như xưa nữa nhưng chúng tôi luôn cam kết giữ vững tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của mình. Và tôi khuyên các bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp rằng, muốn làm người lãnh đạo doanh nghiệp thì các bạn phải có khả năng dự báo và nhìn nhận đúng thị trường nếu không các bạn sẽ phán đoán sai và dễ dẫn đến thất bại”.

Trả lời câu hỏi về việc Tôn Hoa Sen có nhiều giám đốc điều hành chi nhánh trong độ tuổi 9x. Vậy khi tuyển nhân sự như vậy công ty anh có tiêu chuẩn cụ thể ra sao, ông Lê Phước Vũ cho biết, 'với tôi, tôi không điều hành nhân sự là người gia đình. Tôi tìm những người cộng sự có cùng mục tiêu cùng chí hướng để hành động. Trước kia, với quy mô nhỏ, công ty chúng tôi có thể tuyển những nhân viên chỉ học xong hệ 7/10, rồi đến trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhưng đến bây giờ, khi đã phát triển tới quy mô và hoàn chỉnh trên toàn hệ thống, công ty tuyển những nhân lực học ở đại học có tiếng, tốt nghiệp loại giỏi, ưu tiên các bạn học nước ngoài'.

Ông Vũ cho rằng, nhân lực Việt Nam vừa có tự thuận lợi vừa có những hạn chế. Thuận lợi là có nguồn nhân lực quá dồi dào, thu nhập không quá cao. Ở Mỹ thì bài toán lao động rất khó khăn. Tuy nhiên, bù lại, người nước khác họ có chuyên nghiệp, bài bản, người Việt Nam lại hạn chế điều đó. Các bạn muốn thành công phải có đội ngũ đáng tin cậy, phải đảm bảo được tính trung thực, tính tận tụy. Nếu không thì sẽ rất khó quản lý nhân sự.

Ông Lại Hợp Nhân - Đồng Phó Trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn dắt buổi tọa đàm

Hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp bền vững

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, được VCCI khởi xướng và chủ trì từ năm 2003, Chương trình quốc gia về Khởi nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao Động – Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương trên toàn quốc. Chương trình đã tạo ra động lực giúp các bạn trẻ có thể giao lưu, học hỏi và tìm ra con đường lập nghiệp cho riêng mình.

Xuất phát điểm là cuộc thi Dự án khởi nghiệp dành cho sinh viên từ năm 2003, đến nay VCCI đã xây dựng thành một chương trình tổng thể về hỗ trợ khởi nghiệp. Trải qua 11 năm, chương trình đã tạo cơ hội cho giới trẻ và sinh viên cả nước phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí tự lập, áp dụng kiến thức để lập ra những dự ánkhởi nghiệp có giá trị thực tiễn, nêu cao tinh thần nghiệp chủ trong thanh niên, sinh viên, phát huy vai trò xung kích của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội và nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của toàn xã hội.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Kangaroo; Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trần Đình Cường - Đồng trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Tổng giám đốc EY Việt Nam

Theo bà Hằng, khi các bạn bước chân vào trường đại học, có thể rất nhiều bạn đã nghĩ rằng, sau này mình sẽ là bác sĩ, giáo viên, kỹ sư… Tuy nhiên, thông qua các cuộc giao lưu về vấn đề khởi nghiệp, có thể các bạn sẽ thay đổi ý nghĩ và muốn trở thành doanh nhân.

“Chương trình Khởi nghiệp và các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh cua VCCI sẽ hỗ trợ các bạn. Các bạn có thể thường xuyên truy cập vào trang web của VCCI hoặc đọc báo Diễn đàn Doanh nghiệp để tìm kiếm thông tin về chương trình Khởi nghiệp cũng như các khóa đào tạo Khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, các bạn cũng có thể giao lưu, tiếp xúc thêm với các doanh nhân thành đạt để được hỗ trợ về kinh nghiệm; và tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh…” - Bà Hằng nói.

Bà Hằng khẳng định: VCCI có rất nhiều thông tin, chương trình khác nhau mà các bạn đang quan tâm, những kỹ năng cần thiết, cơ hội cần thiết để các bạn có thể khởi sự thành công.

Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Kangaroo chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ

Chia sẻ về yếu tố giúp doanh nghiệp đi đến thành công như ngày hôm nay, ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Kangaroo, Top 18 doanh nhân giành giải thưởng "EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" năm 2014 cho biết, trong suốt 12 năm thành lập tôi chính là người đặt viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp của mình. Để lập nên một doanh nghiệp thì có rất nhiều khó khăn và những người thành đạt trên thế giới nói chung hay Việt Nam nói riêng đa số đều lập nghiệp từ hai bàn tay trắng và đa phần yếu tố quyết định thành công của những đối tượng này là Ý chí. “Tôi sợ nhất là tôi mất đam mê, bởi vậy hàng tuần, hàng tháng, hàng năm tôi luôn phải kiểm định lại niềm đam mê của mình” – ông Phương chia sẻ.

Theo ông Phương, doanh nghiệp ông luôn coi trọng văn hóa doanh nghiệp một cách sâu sắc chứ không chỉ đơn thuẩn là đồng phục, màu sắc, gam chữ. Các quyết định quy định được ban lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra đều xoay quanh văn hóa của doanh nghiệp.


Ông Trần Đình Cường - Tổng giám đốc EY Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm

Theo ông Trần Đình Cường - Đồng trưởng Ban tổ chức giải thưởng “EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” 2014, Tổng giám đốc EY Việt Nam, để trở thành doanh nhân thành đạt đều phải đảm bảo 6 tiêu chí: tầm nhìn chiến lược, năng lực tài chính, tư duy đổi mới sáng tạo, ảnh hưởng cộng đồng, trên phạm vi quốc tế và tính chính trực. Đây là những yếu tố dẫn dắt doanh nhân vượt qua những thử thách.Những tiêu chí này phù hợp với sự phát triển của cộng đồng Doanh nhân Việt Nam khi đất nước đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới trên cả các phương diện kinh tế-văn hóa-xã hội.

Bên cạnh đó, 6 tiêu chí này còn đảm bảo cả yếu tố Tâm - Tầm - Tài, thể hiện đầy đủ tài năng, bản lĩnh của doanh nhân và hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nhân toàn cầu.

Trả lời câu hỏi thất bại lớn nhất của doanh nhân là gì trong con đường khởi nghiệp? Làm thế nào để vượt qua thất bại đó? Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Kangaroo cho biết: “Trong suốt gần 12 năm qua, tôi cũng phải cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều thách thức, trở ngại để có được thành công như ngày hôm nay. Theo tôi, mọi sự thành công đều bắt đầu từ những khó khăn cho dù khó khăn nhiều hay ít”.

Ông Phương cho biết: "Tại Kangaroo, những sai sót của lãnh đạo cấp cao hay nhân viên cấp dưới gặp phải, cá nhân tôi vai động viên phải cố gắng hơn nữa. Chính từ sự động viên đó, các cộng sự của tôi đã cố gắng hết sức để vượt qua rở ngại, khó khăn đó".

Mọi người vẫn cho rằng, doanh nghiệp thành công là phải có những nhân sự giỏi. Tuy nhiên, nếu chỉ có nhân sự giỏi nhưng tập thể lại không đoàn kết thì doanh nghiệp đó khó có được thành công. "Đối với Kangaroo, nhân sự có thể chưa giỏi, nhưng doanh nghiệp phải có tinh thần đoàn kết cao. Chính bởi có tinh thần đoàn kết cao nên chúng tôi đã vượt qua nhiều trở ngại để có được thành công như ngày hôm nay" - ông Phương khẳng định.

Ông Phương cũng đưa ra lời khuyên: Các bạn nên xem xét tính cách của mình hợp với ngành nào, lĩnh vực nào trước khi bắt đầu khởi nghiệp. Nếu như bạn cho rằng, ngành nghề nào mình cung hợp thì nên nhìn rộng hơn trên thế giới có nhưng ngành nghề nào có nhiều tỷ phú nhát và được thế giới ua chuộng nhất để lựa chọn ngành nghề cho mình.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Suy nghĩ về sự thất bại và làm thế nào để vượt qua sự thất bại? doanh nhân Lê Phước Vũ chia sẻ, trong công việc ông luôn gặp nhiều may mắn. Ông khuyên các bạn, là con người ai cũng muốn thành công và muốn mình giàu có. Điều này là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, là doanh nhân là sự dấn thân không dễ dàng cho nên về mặt tinh thần, nhận thức các bạn phải có sự xuất phát đúng. Thứ 2, nếu các bạn ham muốn quá mà không có điều kiện để làm thì coi chừng ham muốn đó lại làm các bạn làm việc không đúng đắn. "Các bạn khởi nghiệp phải có sự sáng suốt, giống như các bạn giải bài toán trong trường. Các bạn phải hiểu mình, hiểu được hoàn cảnh của mình để có giải pháp tối ưu. Tôi nhắc các bạn sự sáng tạo là rất quan trọng bởi không có công thức chung cho tất cả mọi người. Các bạn phải sáng suốt khi có sự tĩnh tâm, các bạn ham muốn nhiều quá sẽ không có sự sáng suốt".

Ông Lê Phước Vũ - Doanh nhân đoạt giải thưởng "EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" 2014, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

"Các bạn khởi nghiệp phải có sự sáng suốt, giống như các bạn giải bài toán trong trường. Các bạn phải hiểu mình, hiểu được hoàn cảnh của mình để có giải pháp tối ưu."

Ông Vũ cũng nhấn mạnh: “Đã là doanh nhân là phải dấn thân và các bạn phải dám chấp nhận cuộc chơi. Đối với xã hội phải tạo ra sản phẩm tốt và trung thực với khách hàng thì mới có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, doanh nhân sống phải có trách nhiệm, có lợi nhuận phải biết chia sẻ với người khác”.

Ông Vũ cũng cho rằng, bản chất con người là tham nhưng phải tách riêng giữa tham lam và tham vọng. “Các bạn còn trẻ, các bạn phải có gia đình, sự nghiệp, của cải và hãy tạo ra nó bằng tham vọng có như vậy mới đáng trân trọng” – ông Vũ khẳng định.

Bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, khởi nghiệp công việc kinh doanh không phân biệt trình độ, nhưng phải bằng nỗ lực và ý chí của bản thân. Các bạn có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin từ phía chương trình khởi nghiệp của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – VCCI. Nhưng bên cạnh đó bản thân các bạn phải tự xem xét khả năng bản thân phù hợp với công việc kinh doanh, ngành nghề kinh doanh hay sản phẩm nào để kinh doanh.

Theo bà Hằng, cơ hội kinh doanh luôn đến trong 2 trường hợp: thứ nhất, cơ hội đến khi thị trường có nhu cầu. Thứ hai, cơ hội đến khi xuất hiện những khó khăn nhất định trong cuộc sống, đó là lúc doanh nhân phát huy có bản lĩnh và khả năng nắm bắt cơ hội.

Bà Hằng cũng thông tin, vào ngày 19/11 tới, Tuần lễ ý chí kinh doanh toàn cầu được được phát động từ năm 2008. Đây là phong trào để khuyến khích phong trào để lập nghiệp, là cơ hội để các bạn gặp gỡ doanh nhân để tiếp nhận thông tin.

Rất nhiều cánh tay đã giơ lên khi doanh nhân đặt câu hỏi: "Có bạn nào muốn làm chủ doanh nghiệp không?"

Trả lời câu hỏi khi mới thành lập doanh nghiệp, phải làm những gì để quản trị tốt? Làm thế nào để có đội ngũ nhân sự tốt? Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt?, ông Trần Đình Cường cho biết, một trong những điều đảm bảo thành công của doanh nghiệp đó là khâu quản trị. Không thể có mô hình thống nhất hoặc dập khuôn quản trị cho các doanh nghiệp. “Theo tôi, doanh nghiệp muốn có công tác quản trị tốt thì phải bắt đầu từ người đứng đầu. Nếu chúng ta xây dựng được thông điệp, văn hóa nền đó thì chắc chắn chúng ta sẽ có được khung quản trị tốt”.

Cũng theo ông Cường, chúng ta không nên quá cầu toàn về việc làm sao để tuyển dụng được đội ngũ nhân sự vừa nhiệt tình, vừa tài năng lại vừa trung thực. Chúng ta hãy cứ phát triển theo sức và năng lực của mình. Người ta vẫn nói “ngưu tầm ngư, mã tầm mã” Nếu như bạn theo đuổi văn hóa doanh nghiệp, kiên định với mô hình quản trị của mình, thì dần dần những người khác, những cộng sự của bạn cũng sẽ theo cùng chí hướng với bạn.

Ông Cường đưa ra lời khuyên: “Nếu chúng ta muốn thực sự có một đội ngũ trung thành đồng thời có tài năng và nhiệt huyết thì chúng ta phải biết thông cảm, lắng nghe, bỏ qua những sai sót, động viên họ kịp thời; đồng thời, hãy cho họ cơ hội để thể hiện ý tưởng, tài năng cũng như cơ hội để phát triển theo đúng năng lực, sở trường của họ”.

Ông Nguyễn Thành Phương cũng chia sẻ thêm với các bạn trẻ, điều quan trọng nhất để thành công là các bạn trẻ phải biết sáng tạo. Điển hình như Kangaroo luôn có các sản phẩm sáng tạo: Trên thị trường có các sản phẩm quạt mát thì Kangaroo sáng tạo ra sản phẩm quạt hơi nước vừa mát lại vừa có hơi nước; thứ hai, là doanh nghiệp họ kinh doanh bình nước nóng thì Kangaroo ra thương hiệu bình nước nóng tráng kim cương nhân tạo.

Ông Phương cho biết: “Cách đây 17 năm tôi đã có ước mơ trở thành Bill Gate. Mơ như vậy nhưng tôi chỉ cần đạt được 1% như vậy là cũng mừng lắm rồi. Từ đó tôi có thêm nhiều ý tưởng hay và đạt được nhiều thành công cho đến ngày hôm nay”.

Câu hỏi được nhiều bạn sinh viên băn khoăn là bao nhiêu tuổi thì khởi nghiệp hợp lý? Theo ông Nguyễn Thành Phương, ở công ty của ông không khuyến khích sử dụng kinh nghiệm vào môi trường làm việc, bởi những người có kinh nghiệm riêng thường làm hỏng quy trình riêng của từng doanh nghiệp vốn sẵn có. “Thành công có thể đến ở bất cứ lứa tuổi nào. Để thành lập doanh nghiệp ở bất kỳ độ tuổi nào quan trọng là các bạn phải chớp cơ hội, mạnh dạn để thử thách, vượt qua thất bại nếu có” – ông Phương nhấn mạnh.

Còn theo doanh nhân Lê Phước Vũ không có công thức chung cho độ tuổi lập nghiệp. Theo ông, làm giàu phải có ý chí, có khát vọng lớn. “Tôi khẳng định với các bạn hai mươi tới là cơ hội cực lớn cho các bạn. Bao nhiêu tuổi không quan trọng mà tiên quyết là các bạn định khởi nghiệp từ cái gì và từ đâu. Song các bạn cũng lưu ý bài toán dòng tiền cực kỳ quan trọng để khởi lập doanh nghiệp. Nếu có nghĩ ý tưởng kinh doanh gì cũng không nên đặt quá lớn, có thể bắt đầu tư những ý tưởng nhỏ vừa phải phù hợp với dòng tiền của bản thân. Khi phát triển tới một mức độ nào đó thì sẽ tính tiếp theo khả năng hiện có” – doanh nhân Vũ nói.

Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả

Sau 3h diễn ra Tọa đàm, các bạn sinh viên đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ về con đường lập nghiệp của các doanh nhân thành đạt. Buổi tọa đàm đã mang lại giá trị thiết thực cho các bạn, truyền lửa, truyền cảm hứng và định hướng tinh thần kinh doanh chân chính, động viên tinh thần vượt khó và không ngừng sáng tạo, tạo nên sự khác biệt và những giá trị thật cho xã hội, hướng tới những chuẩn mực toàn cầu trong quản trị và điều hành ngay từ khi bắt đầu.

Nhóm PV thời sự