Muốn thành Brand thủ? Không khó!

Có bao giờ bạn chợt thấy rằng công việc hiện tại của mình không đủ năng động và thấy rằng marketing/ branding lại chính là nghề mà bạn mong muốn?

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình làm việc, bạn thấy rằng mình chưa có kinh nghiệm và tự tin để thay đổi. Rồi bạn nghĩ:

“Làm thế nào để những người chưa bao giờ làm marketing chuyển sang làm marketing ?”

Đây là câu hỏi tôi từng gặp rất nhiều. Hơn thế nữa, họ lại không biết bắt đầu từ đâu hay phải làm gì.

Bài viết hôm nay sẽ nhằm giúp những người nào từ trước đến giờ chưa làm brand/ marketing nhưng muốn thử, để chuẩn bị một số kiến thức giúp họ tự tin hơn để ra quyết định của mình.

1. Bắt đầu brand/ marketing không cần nhiều kiến thức chuyên ngành

Đối với tôi, vị trí cơ bản trong ngành brand marketing - như marketing executive, assistant, không có bất cứ kiến thức nào mà bạn không thể học khi đang làm (on the job). Những kiến thức cao cấp như chiến lược cho sản phẩm, xác định giá, phân khúc và chiến lược truyền thông/ digital thì chỉ cần cho những cấp cao hơn, manager trở lên thôi.

Tuy nhiên những kiến thức trên đều có thể học được và rèn luyện từ những người quản lý trực tiếp trong ngành. Nếu như bạn bắt đầu muốn làm về brand/ marketing, bạn sẽ bắt đầu ở vị trí cơ bản nhất. Và vị trí này chỉ cần những kĩ năng đơn giản là: nghiên cứu và hiểu số liệu, kĩ năng quản lý dự án. Vì đa phần bạn sẽ được giao việc triển khai các chương trình truyền thông, và tung sản phẩm là nhiều. Mà những công việc đó thì cần gì kiến thức siêu việt phải không nào?

Như bạn thấy đấy, những bước đi đầu tiên không cần quá nhiều kiến thức chuyên môn phải không? Tuy nhiên, thành Rome không được xây trong một ngày, và con đường của bạn về marketing cũng thế.

2. Những bước cơ bản – không gì là quá trễ

Nào vậy cần phải chuẩn bị gì cho những bước tiếp theo? Ở đây có nhiều trường hợp và hoàn cảnh, tùy người. Nhưng nhìn chung sẽ có những trường hợp sau.

1. Công ty của bạn có phòng marketing / brand:

Thứ bạn tìm kiếm đã ở đó sẵn, bạn chỉ đang ở sai phòng ban. Tuyệt vời, hãy sắp xếp một cuộc nói chuyện với quản lý của mình. Câu chuyện là gì ư?

Cuộc nói chuyện nên về kế hoạch phát triển bản thân của bạn. Bạn đã làm trong vị trí hiện tại khá lâu rồi. Bạn muốn biết thêm về marketing để phát triển bản thân và cho công ty. Thường nếu quản lý của bạn tốt, họ sẽ lắng nghe, và sau khi thuyết phục họ đủ, họ sẽ nói chuyện với HR với phòng marketing để giúp bạn.

Tuy nhiên, đừng vào cuộc đàm phán mà thiếu thông tin. Bạn cần phải biết công việc làm marketing gồm những gì. Và thuyết phục quản lý tin mình có thể làm được công việc đó. Hãy nói chuyện trước với một/ hai bạn marketing trong công ty để hiểu về công việc, về những kỹ năng cần. Từ đó chỉ ra bạn đã sẵn sàng như thế nào. Chỉ khi đó bạn sẽ chắc chắn hơn và thuyết phục hơn.

2. Công ty của bạn không có phòng marketing/ brand

- Hoặc công ty từ chối việc bạn muốn theo con đường mới như phía trên đề cập. Và nếu thật sự ngọn lửa của một “brand thủ” đang cháy trong người bạn dữ dội. Thì hãy chuẩn bị nộp đơn xin nghỉ nhé. Nhưng khoan làm vội. Bạn sẽ cần một số hành trang như sau.

- Bạn cần có một số kiến thức cơ bản. Vị trí thấp nhất của marketing không cần nhiều kiến thức chuyên môn, nhưng nhà tuyển dụng sẽ vẫn ngần ngại khi bạn làm cú nhảy quan trọng như vậy. Hãy làm họ bớt lo, và làm bạn tự tin hơn khi phỏng vấn. Hãy đi học lại. Một số trường dạy Marketing mà tôi biết là: VietnamMarcom, AIM, BRAND Camp… Hãy dành một số thời gian trong tuần để sắp xếp đi học. Tôi biết sẽ rất cực, nhưng bạn biết đấy, đây là tốt cho tương lai của bạn.

- Vị trí mà bạn ứng tuyển cũng phải phù hợp. Đừng mong việc bạn nhảy từ một chuyên môn hoàn toàn không liên quan mà có thể làm manager. Điều đó là rất khó. Nếu chưa bao giờ làm marketing thì tôi nghĩ từ khóa mà bạn nên tìm là: Marketing assistant, Marketing executive… đó là những bước khởi đầu cơ bản nhất để học lại và hiểu hơn về marketing. Và chỉ cần những kĩ năng cơ bản như: biết đọc số liệu, làm số liệu, quản lý dự án, trình bày ý tưởng, là bạn đã có thể đảm nhiệm tốt rồi.

- Khi phỏng vấn, hãy hỏi những người quen là marketing của bạn. Hãy hỏi họ về những câu hỏi mà một người làm marketing sẽ được hỏi; cách trả lời như thế nào? Chuẩn bị tốt tinh thần, hiểu được nhà tuyển dụng cần gì ở một marketer là cách mà bạn cần làm để rút ngắn khoảng cách giữa bạn mà công việc mà mình mong muốn.

3. Just Do It!

Chắc các fan của Nike biết câu này nhưng không mấy ai hành động như câu nói ấy. Việc chuyển sang một môi trường mới đòi hỏi đầu tư về thời gian, công sức, tiền bạc. Tuy nhiên nếu đó là mong ước của bạn thì sao lại phải chần chừ? Trong thời gian chần chừ ấy, rất có thể cơ hội để bạn ứng tuyển đã bị giành lấy bởi người khác rồi.

Chúng ta không thể mong chờ có một sự thay đổi lớn mà vẫn giữ những qui cách hoạt động cũ phải không nào? Vì vậy hãy cứ làm và trải nghiệm. Ở đây nhãn hàng Yomost có một câu làm tôi rất ấn tượng:

“Đam mê sẽ luôn bị thử thách. Nhưng bạn có dám nhích vì những điều mình thích?”

Vì vậy hãy tự tin lên và làm những điều mình muốn.