Sản xuất bia lo rút ngắn lộ trình tăng thuế

Nhiều doanh nghiệp sản xuất bia, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có thương hiệu lớn hoặc tại các tỉnh, thành phố nhỏ đang bày tỏ lo ngại trước việc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ tăng đáng kể.

Thuế TTĐB đối với bia được nâng lên mức 65% kể từ năm 2018

Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thảo luận ngày hôm qua (4/11), từ ngày 1/7/2015, thuế TTĐB đối với bia được nâng lên mức 55%, thay vì mức 50% như hiện nay.

Chưa dừng lại ở đó, kể từ ngày 1/1/2017, thuế TTĐB đối với loại đồ uống có cồn này sẽ tăng lên 60% và lên 65% kể từ năm 2018.

Tăng thuế có giảm được bia rượu?

Với mức thuế suất 65%, có thể nói, mặt hàng bia ở Việt Nam phải chịu thuế khá cao so với các nước trong khu vực, với lý do cần phải hạn chế tiêu dùng mặt hàng này do việc lạm dụng bia rượu là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông... Hơn nữa, để tăng thu ngân sách nhà nước, nên cũng có nhiều ý kiến đề xuất phải tăng thuế mặt hàng này lên cao hơn nữa và áp dụng ngay từ năm 2015, thay vì thực hiện theo lộ trình như đề xuất của Bộ Tài chính.

Ông Ngô Gia Thọ, Giám đốc Công ty Bia Lamka (sở hữu thương hiệu “Sư tử trắng” chỉ được biết đến ở thị trường ĐBSCL) tỏ ra khá lo lắng nếu thuế TTĐB đối với mặt hàng bia tăng cao hơn nữa.

“Với mức thuế mới và thực hiện theo lộ trình như đề xuất của Bộ Tài chính, thì những doanh nghiệp (DN) mới như chúng tôi có thể trụ vững và phát triển. Ngược lại, nếu tăng thuế ngay và tăng lên 70-80%, chắc chắn, những DN sản xuất bia mới sẽ phá sản, giải thể. Điều này đã được chứng minh qua mỗi lần tăng thuế TTĐB, số lượng các nhà máy bia địa phương teo tóp dần và hiện tại hầu như đã vắng bóng. Thị trường bia hiện nay hầu như đã rơi vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2 “đại gia” trong nước là Habeco và Sabeco”, ông Thọ cho biết.

Với mức thuế suất 65%, có thể nói, mặt hàng bia ở Việt Nam phải chịu thuế khá cao so với các nước trong khu vực, với lý do cần phải hạn chế tiêu dùng mặt hàng này.

Công ty Bia Lamka (tiền thân là PYBECO của Phú Yên) có công suất 50 triệu lít/năm, hiện mới chạy 30% công suất, trong 9 tháng đầu năm mới sản xuất được 6,5 triệu lít bia, đạt doanh thu 126 tỷ đồng, nộp ngân sách 40 tỷ đồng. Năm nay, Lamka đặt mục tiêu sản xuất trên 10 triệu lít, với doanh thu 165 tỷ đồng.

“Bắt đầu diễn ra World Cup 2014, chúng tôi đã phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng tập trung quảng cáo, tiếp thị khách hàng ở khu vực ĐBSCL nên thương hiệu “Sư tử trắng” bắt đầu được người tiêu dùng ở khu vực miền Tây chấp nhận. Nếu tăng thuế TTĐB ngay, chúng tôi không biết có xoay xở được không, vì trên thực tế, chúng tôi vẫn đang bị lỗ”, ông Thọ lo lắng.

Tương tự, ông Võ Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn-miền Trung Chi nhánh Quy Nhơn cũng rất lo lắng nếu thuế TTĐB đối với bia tăng đột biến. Năm nay, Công ty này dự kiến đạt doanh thu 466 tỷ đồng, nộp ngân sách 201 tỷ đồng, riêng trong 9 tháng đầu năm đã đạt doanh thu 365 tỷ đồng, nộp ngân sách 173 tỷ đồng. “Cho dù nộp ngân sách lớn như vậy, nhưng trên thực tế, hoạt động của chúng tôi có lợi nhuận rất thấp. Minh chứng là, năm nay, chúng tôi chỉ có thể nộp thuế thu nhập DN khoảng 10 tỷ đồng, phấn đấu chia cổ tức đạt 10%. Nếu thuế TTĐB đối với mặt hàng bia tăng đột biến và không theo lộ trình, thì chỉ có các thương hiệu lớn của nước ngoài như Heineken, Tiger… và thương hiệu bia của Habeco, Sabeco mới tồn tại được”, ông Ngọc Anh lo ngại.

Thuế TTĐB đối với bia được nâng lên mức 62% kể từ năm 2018

Theo lãnh đạo nhiều nhà máy bia, về khả năng cạnh tranh, các hãng bia Việt Nam không e ngại với các hãng bia lớn trong khu vực đặc biệt là Thái Lan, Philippines. Bởi cũng như các nhà máy bia ở khu vực, công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất bia của Việt Nam cũng đều nhập từ Đức; nguyên liệu chủ yếu để sản xuất bia cũng đều phải nhập khẩu; do sản xuất theo quy trình tự động hóa nên năng suất lao động trong các nhà máy bia tại Việt Nam cũng ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Vấn đề còn lại trong cạnh tranh chỉ là thuế suất các loại. Nếu tính chung tất cả các loại thuế, thì hiện tại, thuế của Việt Nam ngang với Thái Lan, thấp hơn Philippines một chút. Bù lại, với việc giảm thuế thu nhập DN kể từ năm 2014 xuống 22% và năm 2016 xuống 20%, chúng ta tăng thuế TTĐB theo lộ trình thì thuế đánh vào bia của Việt Nam vẫn còn khả năng cạnh tranh. Song nếu tăng lên trên mức 65% và tăng ngay từ năm 2015 hoặc 2016, thì khả năng cạnh tranh không còn. Ngoài ra, với mức thuế quá cao, nguy cơ buôn lậu bia qua biên giới Tây - Nam sẽ “bùng phát” và khi đó, hậu quả đối với ngân sách, nền kinh tế... sẽ không nhỏ”, ông Thọ bình luận.

Mạnh Bôn
*Nguồn: Báo đầu tư