Bí quyết giúp người làm PR nội bộ “giữ lửa” cho chính mình

Nói PR nội bộ là công việc “giữ lửa” cho doanh nghiệp quả không sai khi họ là một trong những nhân tố quan trọng giữ gìn văn hóa doanh nghiệp và lan tỏa nó. Thế nhưng thực tế nhiều người đảm nhiệm vị trí PR nội bộ không làm công việc này lâu dài do bản thân họ khó giữ nhiệt huyết cho bản thân mình.

Vậy để gắn bó với nghề này, trở thành người làm PR nội bộ dày dặn bạn nên cần những gì?

Tạo mối quan hệ chân thành với thành viên công ty

Bản chất công việc này là làm việc với nhiều người, kết nối nhiều thành viên trong công ty qua các phương tiện như bản tin hay các sự kiện nội bộ. Nếu bạn thực hiện và hoàn thành nó như một nhiệm vụ phải làm, sớm muộn sẽ gây sự nhàm chán cho mọi người trong công ty hay chính bản thân bạn.

Việc nên làm đó là bản thân bạn có sự kết nối với những người xung quanh bằng chính sự chân thành. Nó sẽ là chất xúc tác cho công việc của bạn trở nên tự nhiên hơn và dễ tìm được sự đồng thuận. Bạn có thể bắt đầu từ việc chào hỏi mọi người thường xuyên, quan tâm người thân và sở thích của họ. Việc này không chỉ giúp bạn kết nối mọi người và chính bạn cũng được quan tâm yêu quý hơn.

Cập nhật xu hướng mới về cách tạo bản tin, tổ chức

Nếu các bản tin của bạn luôn luôn giống nhau về cách thể hiện tin tức thì đã đến lúc bạn nên thay đổi ngay. Nó khiến bạn dần trở thành một cái máy lắp ghép ngôn ngữ hơn là một người mang đến những thông tin mới mẻ, cập nhật về nội bộ công ty đến các thành viên. Tìm những xu hướng mới về cách viết, ngôn ngữ phù hợp với văn hóa công ty, cách lên ý tưởng, thiết kế bài viết với hình thức sống động, bắt mắt sẽ làm cho bản tin của bạn thu hút người đọc. Tùy vào đặc trưng doanh nghiệp bạn có thể chọn cách đưa bản tin của mình lan tỏa đến mọi người, có thể là báo giấy, báo online, radio, video, email, hoặc các cách thức truyền thống như bảng tin ở nơi nhiều người qua lại.

Ngoài ra, bạn hãy luôn nghĩ về việc tạo những cách tổ chức khác lạ, gây bất ngờ cho những người xung quanh. Đề xuất các ý tưởng mới, cách làm mới, thuyết phục chủ doanh nghiệp để bạn có cơ hội được tạo ra những sự kiện độc đáo, mang đậm dấu ấn của bạn và không lệch pha khỏi văn hóa công ty.

Vận dụng trí lực của nhiều người để nghĩ ra những ý tưởng mới

Người làm PR nội bộ sợ nhất là cạn ý tưởng. Ví dụ bạn vừa làm 8/3, nửa năm sau tổ chức 20/10, bạn sẽ tìm cách nào để nữ giới trong công ty cảm thấy sự kiện của bạn không bị trùng lặp và họ vẫn hồi hộp mong chờ đến ngày đó. Đơn giản nhất là bạn nên sử dụng “trí tuệ tập thể” nghĩa là bạn nên tìm ý tưởng từ những người xung quanh bạn, biết đâu được họ sẽ gợi mở cho bạn những ý tưởng tuyệt vời để tổ chức sự kiện hoặc những câu chuyện đầy cảm hứng.

Luôn tìm hiểu nhu cầu của các thành viên

Trò chuyện với các thành viên trong công ty thường xuyên không đơn giản chỉ là việc tạo sự liên kết. Bởi thông qua đó, bạn thấu hiểu được nhu cầu, tâm lý, những điểm tương đồng của các thành viên trong công ty. Từ đó, bạn sẽ “chiều lòng” họ bởi những chương trình đúng với sở thích của họ. Bạn sẽ ghi điểm với đồng nghiệp, lãnh đạo công ty và những sự kiện bạn tạo ra, sẽ được chính đồng nghiệp của bạn chia sẻ trên trang cá nhân của họ.

Một cách khác đơn giản hơn, bạn có thể tạo những bảng hỏi online của Google hay Survey Monkey để tìm hiểu những nhu cầu cũng như các gợi ý từ các thành viên trong công ty. Chắc hẳn bạn sẽ thu được nhiều thông tin thú vị từ đó.

Tìm cách cân bằng cảm xúc của bản thân

Một vấn đề khác mà nhân viên PR nội bộ gặp phải đó là luôn tìm cách để giữ sự vui vẻ lạc quan. Mỗi người đều có vấn đề riêng của mình, sẽ có những lúc vui lúc buồn, thật khó để bạn tỏ ra vui vẻ bình thường nếu cuộc sống của bạn đang gặp trục trặc. Có nhiều người kiềm chế được những cảm xúc tiêu cực và vẫn làm việc bình thường. Nhưng nếu bạn không phải là người như thế, bạn có thể tìm một thời gian thích hợp để thư giãn, làm những việc bạn yêu thích, hoặc đi du lịch để cân bằng bản thân. Tuy nhiên đừng đi lâu quá nhé, vì công ty sẽ nhớ bạn đấy.

Công việc PR nội bộ là một công việc khá vui vẻ và rất sáng tạo tuy nhiên nếu bạn không giữ được “phong độ” cho chính bản thân mình, bạn sẽ sớm tự rút khỏi lĩnh vực này. Vậy nên, hãy sử dụng những bí kíp trên để luôn giữ được lòng nhiệt huyết và sự nhiệt tình với công việc.