Tết và thói quen tiêu dùng của hai miền Nam Bắc

Bài viết phân tích sự khác nhau về phong tục và thói quen tiêu dùng của người dân miền Nam và miền Bắc để các nhãn hàng tham khảo và địa phương hóa chiến lược quảng cáo phù hợp với từng vùng miền.

Các số liệu trong bài viết dựa trên báo cáo Peach flowers & Apricot Flowers được thực hiện bởi Havas Riverorchid Insight Team.

I. Khí hậu

Do đất nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam với hơn 2000 km chiều dài nên có sự phân hóa thời tiết và khí hậu thấy rõ. Miền Bắc có tới bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong khi miền Nam chỉ có hai mùa Mưa và Nắng với nhiệt độ luôn ở mức gần 30 độ C, kể cả trong những ngày Tết. Vào những ngày này, khi người dân miền Bắc đa phần diện các trang phục mùa đông như áo khoác, áo len, áo dạ, khăn quàng ấm... và tận hưởng không khí se se lạnh cùng thời tiết mưa phùn của thời tiết giao thoa giữa mùa Đông và mùa Xuân thì người dân miền Nam lại tung tăng ra đường với áo cộc tay, áo sơ mi...

Điều này sẽ giúp cho các nhãn hàng lựa chọn hình ảnh hiệu quả hơn khi nói về thời tiết ngày xuân của hai miền. Ngày tết của miền Bắc với hình ảnh cơn mùa phùn ngày xuân kèm với tiết trời se lạnh, nam nữ dập dìu trong những bộ áo ấm trong khi đó hình ảnh ngày tết của người miền Nam sẽ có phần năng động và ấm áp hơn.

Nguồn: baodautu.

II.Phong tục ngày Tết

1. Hoa đào và hoa mai

Nguồn: thoibaotoday.

Tương tự với cây thông trong ngày lễ giáng sinh, người Việt Nam thường dùng rất nhiều loại hoa và cây trang trí cho ngôi nhà của mình trong suốt các ngày lễ quan trọng. Trong số đó, Hoa Mai từ miền nam và Hoa Đào từ miền bắc dường như là hai loại cây không thể thiếu trong dịp tết.

Mọi người thường trưng hai loại hoa này trong nhà như một biểu tưởng của sự khởi đầu mới đầy may mắn. Hoa Mai thích hợp với khí hậu nóng của miền Nam trong đó hoa Đào sinh trưởng tốt trong không khí lạnh và khô của phía Bắc.

Người Bắc cho rằng Hoa đào tượng trưng cho sức sống và sự dũng cảm, cánh hoa màu hồng tượng trưng cho tình yêu và niềm hân hoan của con người khi mùa xuân đến, xua đi mọi niềm xui xẻo không may mắn. Hoa đào màu với màu hồng nhạt và hoa đào Nhật Tân với màu hồng đậm hơn là hai loại hoa đào phổ biến ở vùng này.
Màu vàng của hoa Mai như nói lên sự sung túc và niêm đam mê hạnh phúc của người Việt Nam. Ở miền Nam, người dân chọn hoa mai cho nhà mình vì Mai là tượng trưng cho cô gái với chiếc áo dài vàng truyền thống hiếu thảo và yêu thương cha mẹ.
Ngày tết vào thăm nhà ai, thấy chậu mai thế chiếm vị trí long trọng giữa phòng khách, màu hoa vàng rực cả một gian nhà thì sẽ biết chủ nhân là người rất thành đạt, phóng khoáng.

2. Ẩm thực

Mâm cổ miền Bắc khá đơn giản, nhỏ gọn hơn mâm cỗ miền Nam. Trong đó chuối, quýt, bưởi được coi là những loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả.

a. Mâm ngũ quả

Khác với miền Bắc, người dân miền Nam có mâm ngũ quả lớn hơn, và cấm kỵ có chuối trên mâm quả. Họ quan niệm rằng chuối sẽ mang lại điều xấu như từ đồng nghĩa “chúi” của người dân miền Nam. Mâm ngũ quả miền Nam thường khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: cầu, dừa, đủ, xoài với mong ước “ cầu vừa đủ xài” cho một năm mới tốt lành.

Nguồn: khoahoct.

b. Mâm cổ

Mâm cỗ ngày tết cùng với thực phẩm trong vài ngày Tết cũng rất quan trọng và nhiều ý nghĩa trong dịp Tết Nguyên đán. Mâm cỗ thắp hương giao thừa và mùng 1 là thứ không thể không có với mỗi gia đình Việt Nam. Cũng như hoa và mâm ngũ quả, mâm cỗ Tết cũng có những món khác nhau theo tập tục của từng vùng, miền trên cả nước. Những món như giò lụa, bánh chưng, gà luộc để thắp hương thì ở đâu cũng có nhưng ở miền Bắc mâm cúng thường phải có thêm bát canh măng, canh bóng, đĩa giò xào hoặc giò gà, nem rán và dưa hành.

c. Bánh chưng, bánh tét

Nếu như miền Bắc có món bánh chưng vuông vắn với màu xanh nổi bật của lá dong đã được lưu vào truyền thuyết thì miền Nam lại nổi tiếng với món bánh Tét với các nguyên liệu, vỏ và nhân bánh giống hệt với bánh chưng, gồm lá dong bọc gạo nếp, nhân thịt mỡ, đậu xanh và hành khô, chỉ khác về hình dạng bánh với từng cái bánh hình trụ dài, khi ăn có thể cắt ra thành từng khoanh tiện lợi, không như bánh chưng hình vuông được cắt thành 8 miếng bánh hình tam giác nhỏ.

Nguồn: vietnamnews.vn.

Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của các biểu tượng ngày tết, một quảng cáo hay không chỉ khiến người xem nhận biết được nhãn hiệu của sản phẩm mà còn phải cung cấp thêm cho người xem về những kiến thức mới. Không chỉ gói gọn trong những hình ảnh mai vàng, bánh chưng hay các hình ảnh gợi nhớ ngày Tết. Quảng cáo của omo năm 2014 còn gây được sự tò mò của các bé khi cung cấp ý nghĩa của các hình ảnh này đồng thời cũng mở ra những câu hỏi về Tết với ông bà cha mẹ, sử dụng hình ảnh tui vươi, hấp dẫn từ đó khuyến khích cả gia đình cùng xem quảng cáo.

Quảng cáo của Phô mai con bò cười:

Quảng cảo của Omo 2015:

3. Hoạt động ngày tết

Quan niệm của người dân miền Bắc là ngày Tết là thời gian để đoàn tụ các thành viên trong gia đình, nên họ thường quây quần bên nhau ở nhà để sum họp, trò chuyện và ăn uống hoặc đi chúc tết họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Nhưng người miền Nam với suy nghĩ và tư duy "thoáng" hơn, rằng ngày Tết là để nghỉ ngơi, nên họ thường dành thời gian và tiền bạc tích lũy được trong năm để đi du lịch, khám phá đây đó với người thân và bạn bè.

Người miền Bắc thường có những tục kiêng kị từ rất lâu. Tục kiêng đầu tiên và hầu như các gia đình đều thực hiện đó là kiêng không được quét nhà vào 3 ngày Tết bởi theo quan niệm từ xa xưa, việc quét nhà đồng nghĩa với việc quét đi những may mắn, tài lộc. Chính vì vậy ngay từ những ngày trước Tết, các bà, các mẹ đã đã dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang mọi thứ để sẵn sàng đón Tết.

Người miền Nam với nhiều suy nghĩ phóng khoáng hơn nên họ không đề ra quá nhiều kiêng kỵ. Vào ngày đầu năm, nếu bạn đến nhà ai vào bất kỳ giờ nào, bạn cũng sẽ được mời ăn và nhất định không được từ chối. Hãy nhấm nháp chút ít vì nếu từ chối, gia chủ sẽ không hài lòng.

Một quan niệm nữa là bất kỳ người nào đi chơi cũng phải về nhà trước giao thừa bởi nếu không kịp sẽ bị coi là vất vả, bôn ba trong năm tới. Tuy nhiên, nhiều gia đình hiện đại ngày nay không còn giữ tục kiêng này.

III.Thói quen chi tiêu của 2 miền

1. Người miền Nam sống cho hiện tại và người Bắc sống cho tương lai

Theo nghiên cứu đo lường tài chính cá nhân (Personal Finnance Monitor) của công ty Nielsen thực hiện vào năm 2008, câu nói “Người miền nam kiếm được 10 đồng chi tiêu 11 đồng nhưng người miền Bắc kiếm được 10 đồng nhưng chỉ dùng 1 đồng” dường như diễn tả rất đúng chi tiêu của hai miền. Người miền Nam sẵn sàng đi vay mượn của ngân hàng hay các tổ chức tài chính cho các nhu cầu của mình, trong khi đó một nửa (57%) người miền Bắc cho biết họ sẽ không vay tiền từ ngay hàng hay một tổ chức tài chính nào.

Nguồn: Nielsen VietNam.

Trong khi đó ở khu vực nông thôn thì xu hướng tiết kiệm hàng tháng của người miền Nam (1,373,180 VND) lại tăng so với người miền Bắc (992,834 VND) theo báo cáo tiêu dùng hàng hóa năm 2011 của Nielsen. Thêm vào đó, mức độ nhận biết các hình thức thanh toán qua thẻ credit của người miền Nam dường như gấp đôi miền Bắc (62% và 32%) trong năm 2010.

2. Yếu tố quyết định mua hàng

Nghiên cứu của Nielsen trong tháng 6/2009 cho thấy người miền Bắc cẩn trọng và khắt khe nhất trong việc lựa chọn sản phẩm, họ có thể thay đổi suy nghĩ vài lần trước khi ra quyết định. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác nhiều hơn trước khi đưa ra quyết định (99% bị ảnh hưởng bởi lời giới thiệu của gia đình, 91% bởi bạn bè, 94% bởi hàng xóm, 83% của đồng nghiệp và đối tác). Do đó để dành được lòng tin của một người tiêu dùng Hà Nội không chỉ đơn giản là dành được niềm tin của một người mà là của tập thể. Tuy nhiên do có thói quen lắng nghe người khác và chịu ảnh hưởng bởi cộng đồng nên người thủ đô cũng có khuynh hướng trung thành với thương hiệu hơn người Miền Nam một khi thương hiệu đã thuyết phục được họ.

Nguồn: noithattre.

Người miền Nam có xu hướng mua sắm nhanh và tùy hứng. Không bị áp lực bởi tâm lý khẳng định bản thân, thể hiện đẳng cấp và cũng không có thói quen tiết kiệm để chi trả cho các sản phẩm đắt tiền nên họ có khuynh hướng mua các sản phẩm rẻ tiền hơn và mua sắm cũng thoải mái hơn. 62% người miền Nam cho rằng họ cũng thường tham khảo, lựa chọn ý kiến của mọi người xung quanh khi mua hàng nhưng không hoàn toàn nghe theo những ý kiến này. Họ cũng không muốn lựa chọn những quần áo giống theo số đông mọi người lựa chọn (35%).

3. Xu hướng mua hàng cao cấp

Tuy có thói quen tiết kiệm nhưng người tiêu dùng miền bắc rất quan tâm đến hàng hiệu khi cần, đặc biệt là những mặt hàng thể hiện đẳng cấp cá nhân như điện thoại hay xe cộ. Họ cho rằng người khác sẽ đánh giá thấp họ khi sử dụng những chiếc điện thoại với mức giá rẻ. 64% cho rằng họ sẵn sáng trả một mức giá cao hơn với sản phẩm họ thích trong khi tỉ lệ này chỉ có 55% tại miền Nam. Ngoài ra, đối với những dòng sản phẩm chăm sóc cho vẻ bên ngoài như mỹ phẩm hay dầu gội với chất lượng cao cũng được người Hà Thành quan tâm nhiều hơn so với miền Nam.

Nguồn: thegioithietbiso.

4. Tác động của quảng cảo

Báo cáo được thực hiện bởi Q&Me được đăng tải trên Brands Vietnam còn cho thấy rõ khoảng cách về sự khác biệt này giữa người miền Nam và miền Bắc khi xem một đoạn quảng cảo về Tết. 37% (Rất hứng thú = 17%, Hứng thú = 20%) người miền Bắc thể hiện sự quan tâm thích thú, trong khi đó, con số này lên tới 50% đối với người miền Nam (Rất hứng thú = 26%, Hứng thú = 24%). Trong khi đó, 75% người miền Bắc cho rằng họ thích các quảng cáo độc đáo, vui nhộn và 49% cho rằng họ cảm thấy thoải mái với sản phẩm có nhiều quảng cáo trong khảo sát của nielsen 2009.

Hình thức khuyến mãi giảm giá được ưu chuộng tại Hà Nội hơn trong khi các marketers cần áp dụng nhiều loại hình khuyến mãi hơn nếu muốn hấp dẫn người tiêu dùng miền Nam.

Tạm kết

Dựa vào những đặc điểm khá nhau giữa hai miền Bắc Nam về Tết cũng như thói quen tiêu dùng thì các nhà quản trị phải thay đổi chiến lược cho phù hợp với từng vùng miền. Đối với người miền Nam có lẽ nên tập trung vào việc quảng bá các mặt hàng hóa bình thường, giá rẻ và nên áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi đa dạng. Ngược lại với người miền Bắc thì không những tác động với thói quen tiêu dùng của họ mà còn phải thuyết phục cả một tập thể xung quanh, các quảng cáo truyền thống vẫn có sự thu hút với người miền Bắc trong khi người miền Nam với tính cách sáng tạo, dễ hòa nhập với các xu hướng marketing hiện đại trên thế giới. Bên cạnh đó yếu tố về văn hóa, phong tục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự hấp dẫn của quảng cáo đến với người tiêu dùng.

Tư liệu tham khảo:
(1) Bài viết được đăng trên EBVN về sự khác biệt trong ngày tết ở 3 miền
(2) Báo cáo của Kurokawa Kengo (Q&Me) về Tết được đăng tải trên Brands Vietnam
(3) Bài viết của tác giả Xuân Vũ về đặc trưng tết miền Bắc
(4) Bài viết của Bùi Đình Luân và Ninh Thái Việt Long về sự khác nhau về văn hóa của người miền Bắc và miền Nam đối với sản phẩm thời Trang
(5) Báo cáo của Nielsen VietNam ‘ Understanding consumer differences HCMC v HANOI 2009
(6) Báo cáo của Nielsen VietNam ‘ Personal Finance Monitor’ 2010
(7) Quảng cảo của Omo 2015
(8) Quảng cáo của Phô mai con bò cười

Để xem đầy đủ báo cáo về “Peach flowers & Apricot Flowers” của Havas Riverorchid Insight Team, xin vui lòng liên hệ qua email [email protected]. Trong mail xin cho biết rõ thông tin cá nhân, lí do tại sao muốn tìm hiểu thêm về báo cáo và mục đích sử dụng.

Nếu muốn hợp tác với Havas Riverorchid Insight Team, xin xui lòng contact với Ms. Lan Phương. Email: [email protected].