Marketer Chu Đăng Điệp
Chu Đăng Điệp

Digital Account Executive @ Học viện ngôn ngữ anh quốc ABIT

Hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect) và ứng dụng thuật tâm lý trong marketing

Bạn có thấy rằng những người có vẻ ngoài chỉnh chu, sang trọng thường được xem là thành công và tài năng hơn không ? Mặc dù điều đó chưa hẳn đúng nhưng con người ta nhiều khi rất phi lý trí. Hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect) chỉ ra rằng: “Nếu bạn có ấn tượng tốt với một người thì bạn có xu hướng sẽ "nhìn" vào điểm tốt của người ấy . Khi có ấn tượng xấu thì bạn thường nỗ lực nhìn cái xấu của người khác mà không thèm để ý đến ưu điểm của họ”. Hiểu về hiệu ứng tâm lý này của con người ta có thể giải thích được nhiều hiện tượng thú vị trong kinh doanh.

Với những thương hiệu đã có tên tuổi, hiệu ứng lan tỏa (Halo effect) tạo cho bạn một lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xâm nhập thị trường mới. Thị trường thức ăn nhanh sẽ vẫn chưa lên cơn sốt nếu chưa có bóng dáng của McDonald dù hiện tại các anh hào KFC, Lotteria, Jollibee cũng không phải loại vừa, thị trường bán lẻ từ Co-op mart, Big C, Metro, Lotte Mart, rồi E-mart sẽ vẫn tạm hiền hòa cho đến khi Wal-mart xuất hiện (hiện giờ là chưa) và thị trường cà phê cũng không ngoại lệ khi cuộc chơi bắt đầu nóng lên khi Starbucks đến Việt Nam. Hiệu ứng Halo là hệ quả của quá trình đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu một cách bài bản, nghiêm túc. Đây là phần thưởng cho những doanh nghiệp có tầm nhìn và sớm nhận ra giá trị to lớn của thương hiệu.

Để tạo được hiệu ứng lan tỏa thì ấn tượng lần đầu tiên là vô cùng quan trọng. Trong marketing, thành công phi thường của Apple là môt ví dụ điển hình ? Ấn tượng đầu tiên của Apple chính là iPod. Thời kỳ đầu, họ liên tục “dội bom” công chúng với quảng cáo TV, báo và billboards chào hàng máy nghe nhạc iPod. Và kết quả rất ấn tượng. Apple chiếm 73.9% thị phần nhạc số. Thương hiệu iPod mạnh đến nỗi hầu như không ai nhớ ra thương hiệu thứ 2 sau iPod là gì. Thế những hoạt động marketing hỗ trợ cho dòng sản phẩm máy tính cá nhân của Apple là gì? Câu trả lời là : Không đáng kể. Đây chính là mấu chốt. Apple đã dồn mọi ngân sách marketing cho iPod, tạo ra hiệu ứng lan tỏa bao phủ cho mọi dòng sản phẩm khác.

Trong truyền thông, báo chí: Ấn tượng ban đầu với nhà báo là vô cùng quan trọng. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến giọng điệu mà báo chí dành cho doanh nghiệp của bạn là tích cực hay tiêu cực. Liệu bài của bạn gửi đến tòa soạn được đăng hay bị quăng ngay vào thùng rác không thương tiếc, yếu tố quyết định chính là thông tin lần đầu tiên bạn đưa ra công chúng có đủ ấn tượng và trong buổi họp báo đầu tiên bạn có để lại cảm tình tốt với các nhà báo được mời. Hãy chăm chút thật kĩ cho lần đầu tiên.

Hiệu ứng lan tỏa là một trong những phát hiện thú vị trong tâm lý học. Hãy sử dụng nó như một công cụ khôn ngoan để đạt được mục đích của cá nhân và doanh nghiệp.