Tiền quảng cáo, khuyến mãi tăng mạnh

Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn chi hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, thậm chí còn mời người nổi tiếng về làm đại sứ thương hiệu.

Để bán được hàng hay gia tăng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp một mặt phải tiết giảm nhiều loại chi phí nhưng vẫn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ quảng cáo, khuyến mãi.

"Kinh tế khó khăn nhưng những ngành hàng tiêu dùng như thực phẩm, sữa, nước giải khát vẫn tăng trưởng, do đó doanh nghiệp vẫn tăng chi cho các hoạt động quảng cáo để thúc đẩy người mua", chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong quý I đã chi khoảng 286 tỷ đồng cho việc quảng cáo, khuyến mãi, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và bằng cả số tiền đã bỏ ra cho hoạt động này năm 2013. Mới đây, Vinamilk còn bổ nhiệm Giám đốc Điều hành Marketing mới, vốn là nhân sự từ Samsung và Unilever với mục tiêu đạt được bước tiến mới trong ngành hàng của mình.

quang-cao-3095-1401178750.jpg

Nhiều doanh nghiệp đang chi hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình quảng cáo, khuyến mãi.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Minh Tiên - tân Giám đốc Marketing Vinamilk cho hay doanh nghiệp luôn coi trọng hoạt động quảng cáo, do vậy ngân sách cho chương trình này luôn tăng trong thời gian qua. Báo cáo tài chính công ty cũng phản ánh chi phí bán hàng năm 2013 lên tới gần 3.300 tỷ đồng, bằng khoảng 30% tổng lợi nhuận gộp của công ty.

"Hoạt động quảng cáo là rất quan trọng giúp cho người tiêu dùng hiễu rõ những giá trị và lợi ích của sản phẩm, qua đó chọn lựa cho mình sản phẩm phù hợp, chất lượng cao, và giá cả hợp lý", ông Tiên nhận định.

Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) trong quý I/2014 chi hơn 440 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Và khi các chi phí quản lý doanh nghiệp không biến động, chi phí bán hàng trong quý đầu năm lên tới trên 600 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.

Với cả hai Vinamilk và Masan, việc chi mạnh cho hoạt động bán hàng góp phần khiến doanh thu quý đầu năm 2014 lần lượt tăng 15% và 48% so với cùng kỳ năm trước.

Khác hai doanh nghiệp trên, Công ty Kinh Đô lại gia tăng chiết khấu, giảm giá hàng bán cho các đại lý. Trong quý I/2014, khoản mục giảm trừ doanh thu của Kinh Đô tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 32 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu thuần bán hàng của Kinh Đô giảm, dù doanh số năm nay khả quan hơn.

Ngoài lĩnh vực tiêu dùng nhanh, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đang đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi để bán được hàng.

Ngoài lĩnh vực tiêu dùng nhanh, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đang đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi để bán được hàng. Tại Vingroup, trong bối cảnh Royal City và Times City đi vào hoạt động, chi phí bán hàng trong quý đầu năm nay đạt khoảng 126 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng tăng cũng khiến công ty tăng doanh thu thêm 6 lần, lên gần 6.200 tỷ đồng trong kỳ.

Cùng với những chương trình tặng quà, chiết khấu, cho người mua nhà vay ưu đãi hay dựng những clip quảng cáo, banner ở nơi công cộng, doanh nghiệp địa ốc còn đầu tư tiền tỷ để mời các nghệ sĩ và người nổi tiếng làm đại diện cho sản phẩm, gây chú ý với người mua nhà.

Để kích thích người nước ngoài và Việt kiều mua nhà, Công ty Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh mới đây đã mời Nguyên Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Lê Thành Ân làm cố vấn quan hệ quốc tế và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên làm đại sứ thương hiệu.

Trước đó, việc mời những người nổi tiếng để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp cũng không thiếu tiền lệ. Năm 2013, Tập đoàn Hoa Sen đã chi 36 tỷ đồng để đưa "người đàn ông nghị lực" Nick Vujicic đến Việt Nam. Sự kiện này khi đó đã gây xôn xao một thời gian dài, một mặt do tên tuổi nhân vật, mặt khác là do số tiền bỏ ra quá lớn. Sang năm nay, Hoa Sen lại tiếp tục tổ chức chương trình về Nick Vujicic, song để tránh ồn ào, lãnh đạo công ty đã không tiết lộ chi phí cho lần trở lại này.

Một ông lớn khác cũng chịu chi là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Năm 2013, công ty đã chi hơn 2.100 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng, trở thành một trong những doanh nghiệp chi nghìn tỷ đồng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, trong đó, chi phí hỗ trợ bán hàng và khuyến mãi cao gấp đôi so với năm ngoái, lên hơn 140 tỷ đồng.

Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cho biết trong thời buổi bán được một triệu lít bia khó gấp 5 lần so với trước đây, chi tiền để đẩy mạnh hoạt động marketing là rất cần thiết. Năm ngoái, vị Chủ tịch này cũng có ý định mời tay vợt người Serbia Novak Djokovic đến Việt Nam chơi tennis chỉ trong một buổi chiều, với số tiền một triệu USD.

"Heineken còn dùng những nguời nổi tiếng như điệp viên 007 quảng cáo. Ngoài ra, đồ uống, nhất là bia còn thể hiện gu, sĩ diện, nên một chiến dịch marketing đánh đúng nhu cầu sẽ tạo hiệu quả khác biệt rõ ràng", ông cho hay.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định, việc mời người nổi tiếng là sứ giả thương hiệu hay quảng bá hình ảnh là rất bình thường và là một trào lưu mà các doanh nghiệp trên thế giới đã dùng rất thành công, cũng giống như việc New Zealand mời Hoa hậu Jennifer Phạm làm đại sứ du lịch tại Việt Nam...

"Chuyện đó là rất tích cực vì chỉ có những người nổi tiếng với hình ảnh sạch-đẹp và bản lĩnh thì mới được doanh nghiệp hay tổ chức đặt niềm tin vào họ", ông chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Quang, một chiến dịch quảng cáo được đánh giá là thành công khi với một tỷ lệ phần trăm nhất định làm quảng bá hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp thu được kết quả kinh doanh đúng như mong đợi. Quảng cáo chuyên nghiệp sẽ mang lại 2 lợi ích chính, một là hiệu qủa kinh doanh trong năm tài chính, hai là giá trị tài sản thương hiệu tích góp được.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị khống chế mức trần chi phí quảng cáo ở 15% so với tổng chi phí thực tế phát sinh. So với mức 10% trước đây, tỷ lệ này đã được nới hơn, song theo các doanh nghiệp, việc cào bằng một mức trần với tất cả các ngành hàng đang là rào cản lớn để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nước ngoài. "Quy định không chế chi phí quảng cáo đang giết chết doanh nghiệp", lãnh đạo Sabeco từng phát biểu.

Vị chuyên gia thương hiệu cũng cho rằng, Nhà nước nên tiến đến xóa việc quản lý phần trăm chi phí quảng cáo đối với doanh nghiệp vì tỷ lệ này rất khác nhau giữa các nhãn hiệu trong cùng một doanh nghiệp, hoặc giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau, ví dụ ngành hàng tiêu dùng sẽ phải tốn nhiều tiền quảng cáo hơn lĩnh vực sắt, thép.

Mỗi ngành sẽ có mức độ quảng cáo khác nhau, có ngành quảng cáo 100% nhưng cũng có ngành chỉ một vài phần trăm. Bên cạnh đó, những sản phẩm có tỷ lệ cảm tính tăng thì chi phí quảng cáo sẽ lớn hơn, ông Võ Văn Quang cho biết.

Nguồn: VnExpress