[OOH] Giải mã 4 kiểu chạy Billboard chính ở Hồ Chí Minh

Hôm nay mình sẽ giới thiệu về các cách chạy Billboard (Bảng quảng cáo tấm lớn) chính thường thấy ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, thị trường có giá trị lớn nhất ở Việt Nam. Có 4 kiểu chạy chính và được xét trên 5 yếu tố là Quality, Quantity, Duration, Artwork Change frequency, Cover ability. Mỗi kiểu chạy có những đặc trưng như biểu đồ bên dưới.

Chú thích:

Quality: Chất lượng của Billboard (vị trí đắc địa, tầm nhìn tốt, lưu lượng giao thông cao,...)

Quantity: Số lượng các Billboard chạy trong một thời điểm

Duration: Thời gian giữ Billboard

Artwork chage Frequency: Tần suất thay đổi Artwork của Billboard. Thay đổi càng thường xuyên thì càng lớn (xa tâm)

Cover Ability: Độ phủ của Billboard.

Style 1: Ổn định

Vị trí tương đối tốt (giá tầm 30,000 – 80,000 USD/vị trí/năm), giữ vị trí lâu dài, hàng năm sẽ đánh giá lại tổng thể để thay thế một số vị trí. Các vị trí có sự tương hổ tốt, phân bổ tương đối đồng đều (xem ví dụ phân bố của Coca-Cola tại đây). Điển hình của nhóm này là: Coca-Cola, URC, Oishi, Bel,... Tuy nhiên mức độ thay đổi thiết kế liên tục (một phần là do ảnh hưởng của ngành hàng FMCG phải thay đổi liên tục)

Điểm chung của nhóm này: Ngành hàng tiêu dùng, công ty có thương hiệu mạnh lâu năm, luôn có ngân sách ổn định cho hoạt động quảng cáo bằng Billboard.

Style 2: Đánh chớp nhoáng

Số lượng đè chất lượng, giá trị mỗi vị trí từ 15,000 - 40,000 USD/vị trí/năm: Sử dụng tối đa số lượng có thể chạy được và chạy trong ngắn hạn để tạo tiếng Buzz trong thời gian ngắn. Mỗi lần chạy là các nhãn như Style 4 ở dưới méo mặt vì hết bảng mất tiêu. Điển hình của Style này: Các nhãn hàng của IDP (Sữa Kun, LIF), Dr. Muối, Danone (Aptamil),...

Điểm chung của nhóm này: Ngành hàng tiêu dùng, thường sử dụng khi ra mắt hoặc làm mới sản phẩm.

Style 3: Sang chảnh

Chỉ chọn vị trí đặc biệt tốt và giữ trong thời gian rất dài, giá thường từ 60,000 – 150,000 USD/vị trí/ năm, cá biệt có thể lên tới 300,000 USD/vị trí/năm. Thiết kế ít thay đổi, thường sử dụng Logo. Khu vực chạy cũng thường giới hạn ở những khu vực hot như chợ Bến Thành, sân bay, Airport Line. Điển hình là: Manulife, Hanwha Life, Generali , Sanyo, Mitsubishi Electric,…

Điểm chung của nhóm này: Ngành hàng không phải là FMCG, sản phẩm có giá trị cao.

Style 4: Rời rạc, thiếu đầu tư

Không có chiến lược rõ ràng, thường làm theo ngẫu hứng, lâu lâu buồn buồn chạy lên ít bữa hoặc một năm rồi thôi.

Điểm chung của nhóm này: thường là công ty nội địa. Ngân sách cho bảng quảng cáo không ổn định.

Ngoài ra cũng có một số nhóm chạy riêng biệt khác đặc trưng cho ngành hàng như phim chiếu rạp: Chạy trong thời gian rất ngắn chỉ khoảng 2-3 tuần.

Không có cách nào có thể gọi là tốt nhất, hiệu quả nhất. Mỗi khách hàng, mỗi giai đoạn, mỗi túi tiền và hoàn cảnh thị trường thì mỗi cách chạy sẽ phát huy hiệu quả của riêng mình.

P/s: Bài viết được dựa trên đánh giá chủ quan của tác giả sau khi quan sát thị trường quảng cáo ngoài trời ở Tp Hồ Chí Minh từ 2013-2016.

Tác giá: Đặng Vinh Quang - Cộng sự: Tường Nhung