Nhìn lại những cột mốc đáng nhớ của Nokia trước khi thành “người nhà” Microsoft

Trước khi rơi vào tình trạng khó khăn, Nokia từng có thời gian dài thống trị trên thị trường điện thoại di động và được xem là thế lực không thể đánh bại. Cùng nhìn lại những cột mốc đáng nhớ, những thời điểm huy hoàng của Nokia trong bài viết sau.

Ngày 25/4/2014, thương vụ Microsoft mua lại bộ phận sản xuất thiết bị của Nokia chính thức hoàn tất, đưa hãng điện thoại Phần Lan trở thành “người nhà” của Microsoft. Đây là kết cục của một quá trình thua lỗ kéo dài và khó khăn tài chính.

Trước khi lâm vào khó khăn và khủng hoảng đến mức phải “bán mình”, Nokia đã từng có thời gian thống trị kéo dài trên thị trường điện thoại di động và là biểu tượng lớn cho nền kinh tế Phần Lan.

Tuy nhiên, trước khi trở thành “ông lớn” trên thị trường di động, ít ai biết rằng Nokia là công ty chuyên sản xuất bột giấy. Cùng nhìn lại lịch sử và những cột mốc đáng nhớ của Nokia trước khi chính thức trở thành “người nhà” của Microsoft.

- Năm 1865: kỹ sư khai thác mỏ Fredrick Idestam thành lập nhà máy sản xuất bột gỗ ở phía nam Phần Lan, rồi tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 2 ở bên bờ sông Nokianvirta. Chính tên của dòng sông này là nguồn cảm hứng để Idestam đặt tên cho công ty của mình: Nokia Ab, được thành lập vào năm 1871. Đây chính là tiền thân của Nokia ngày nay. Lĩnh vực sản xuất ban đầu của Nokia Ab là giấy, trước khi chuyển qua cung cấp năng lượng điện.

Logo đầu tiên của Nokia Ab, tiền thân của Nokia ngày nay

Logo đầu tiên của Nokia Ab, tiền thân của Nokia ngày nay

- Năm 1898: Eduard Polon thành lập công ty Rubber Works, chuyển sản xuất giày dép và các vận dụng bằng cao su. Rubber Works là một trong những khách hàng lớn của Nokia Ab khi công ty này chuyển sang lĩnh vực cung cấp điện, sau đó Rubber Works trở thành một trong những cổ đông lớn ở Nokia Ab và quyết định tương lai của công ty.

- Năm 1912: Arvid Wickstrom thành lập công ty Cable Works, là nhà cung cấp dây cáp điện chính cho Nokia Ab khi công ty chuyển sang lĩnh vực cung cấp điện năng, trước khi trở thành một cổ đông lớn khác bên trong Nokia Ab.

- Năm 1963: Nokia Ab bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực viễn thông khi sản xuất radio liên lạc cho quân đội Phần Lan.

- Năm 1964: Nokia Ab hợp tác với công ty Phần Lan Salora Oy để phát triển các bộ phận viễn thông qua sóng radio. Đây được xem là dấu mốc quan trọng để Nokia bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực viễn thông.

- Năm 1967: 3 công ty lớn kể trên đã hợp nhất với nhau và xây dựng nên tập đoàn mới với tên gọi Nokia Corporation. Vào thời điểm đó, lĩnh vực cung cấp năng lượng điện của Nokia được xem là mảng ưu tiên hàng đầu tại công ty.

- Năm 1982: Nokia giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên trên xe hơi, với tên gọi Mobira Senator. Đây là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên do Nokia sản xuất.

- Năm 1987: Nokia giới thiệu chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên của mình với tên gọi Mobira Cityman, với khối lượng “chỉ” 800g, vẫn được xem là nhẹ vào thời điểm bấy giờ. Chiếc điện thoại di động này có mức giá 24.000 Mark Phần Lan, tương đương với 9.000 Euro vào thời điểm hiện tại.

Mobira Cityman, chiếc điện thoại di động đầu tiên do Nokia sản xuất

Mobira Cityman, chiếc điện thoại di động đầu tiên do Nokia sản xuất

- Năm 1992: Nokia quyết định tập trung vào lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là điện thoại di động và cơ sở hạ tầng mạng di động. Cũng trong năm này, Nokia cho ra mắt chiếc điện thoại di động đầu tiên sử dụng mạng GSM của mình, Nokia 1011. Lý do chọn tên gọi này cho chiếc điện thoại khá đơn giản: đó là ngày chiếc điện thoại được ra mắt (10/11).

Nokia 1011, điện thoại di động sử dụng mạng GSM đầu tiên của Nokia

Nokia 1011, điện thoại di động sử dụng mạng GSM đầu tiên của Nokia

- Năm 1998: Nokia đứng trên “đỉnh” của thị trường di động thế giới và trở thành hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới về doanh số. Nokia nắm giữ vị trí dẫn đầu này từ năm 1998 cho đến tận 2012 và bị Samsung “soán ngôi”.

- Năm 1999: Nokia ra mắt Nokia 7110, là chiếc điện thoại di động đầu tiên được tích hợp trình duyệt web (thông qua WAP) và chức năng gửi/nhận email. Đây cũng là chiếc điện thoại di động nổi bật với kiểu thiết kế dạng bàn phím trượt.

- Năm 2002: Nokia ra mắt chiếc điện thoại di động đầu tiên hỗ trợ mạng 3G, Nokia 6650. Cũng trong năm này, Nokia cho ra mắt Nokia 3650, chiếc điện thoại di động đầu tiên hỗ trợ quay video. Trước đó vào năm 2011, Nokia ra mắt 7650, điện thoại di động đầu tiên được trang bị camera của Nokia, nhưng chỉ có chức năng chụp ảnh.

- Năm 2003: Nokia ra mắt điện thoại Nokia 1100. Không phải là một chiếc điện thoại di động đáng chú ý về tính năng hay thiết kế, tuy nhiên đây là điện thoại bán chạy nhất trong lịch sử với hơn 250 triệu máy được tiêu thụ trên toàn cầu.

Nokia 1011, điện thoại di động sử dụng mạng GSM đầu tiên của Nokia

Nokia 1100 đại diện cho thời hoàng kim của Nokia khi trở thành chiếc điện thoại di động bán chạy nhất trong lịch sử

- Tháng 9/2006: Nokia ra mắt chiếc điện thoại di động được nhiều chuyên gia đánh giá là tốt nhất trong lịch sử của hãng, N95, hoạt động trên nền tảng Symbian S60. Nokia N95 có camera được đánh giá cao, chức năng GPS, hỗ trợ mạng 3G và 3.5G.

- Tháng 10/2009: Nokia công bố quý thua lỗ đầu tiên trong hơn một thập kỷ đứng trên đỉnh thế giới. Đó là thời điểm 2 năm sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên và một năm sau khi HTC ra mắt HTC Dream, chiếc smartphone đầu tiên sử dụng nền tảng Android của Google. Đây là thời điểm bắt đầu đánh dấu sự suy yếu của Nokia.

Nokia 1011, điện thoại di động sử dụng mạng GSM đầu tiên của Nokia

iPhone ra đời năm 2007 đánh dấu sự chuyển mình của thị trường smartphone và bắt đầu thời kỳ suy thoái của Nokia

- Tháng 9/2010: Nokia bổ nhiệm Stephen Elop, cựu giám đốc của Microsoft, vào vị trí CEO của công ty. Đây là người đầu tiên không có quốc tịch Phần Lan được đảm nhiệm chức vụ CEO tại công ty Phần Lan này. Chỉ một tháng sau khi nhậm chức, Elop đã cắt giảm 1.800 nhân công của Nokia.

Nhiều nhà phân tích đánh giá chính sự chậm trễ trong chiến lược của Elop góp phần đẩy Nokia lún sâu vào khủng hoảng.

Stephen Elop được xem là một trong những nguyên nhân khiến Nokia về tay Microsoft

Stephen Elop được xem là một trong những nguyên nhân khiến Nokia về tay Microsoft

- Tháng 2/2011: Stephen Elop thông báo về chiến lược hợp tác với Microsoft, và quyết định lựa chọn nền tảng Windows Phone của Microsoft để thay thế cho nền tảng Symbian đã cũ của Nokia.

Cũng trong năm nay, Nokia quyết định cắt giảm thêm 14.000 nhân công trên toàn cầu để giảm chi phí hoạt động.

- Tháng 10/2011: Nokia cho ra mắt Lumia 800 và Lumia 710, bộ đôi smartphone đầu tiên sử dụng nền tảng Windows Phone kể từ khi Stephen Elop tuyên bố hợp tác với Microsoft.

- Tháng 2/2012: Nokia tiếp tục lâm vào khủng hoảng và quyết định cắt giảm tiếp 4.000 công nhân sản xuất smartphone tại nhà máy của hãng ở Hungary, Mexico và Phần Lan.

Chỉ một tháng sau đó, hãng điện thoại Hàn Quốc Samsung chính thức vượt mặt Nokia để trở thành hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới về doanh số.

- Tháng 6/2012: Nokia tiếp tục thông báo sẽ cắt giảm thêm 10.000 nhân viên khác cho đến cuối năm 2013. Cổ phiếu của Nokia xuống “đáy” khi chỉ còn giá trị 1,37Euro/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với thời điểm cổ phiếu công ty đạt đỉnh 60Euro vào tháng 6/2000.

- Tháng 9/2012: Nokia ra mắt Lumia 920, chiếc smartphone được Nokia xem là “bom tấn” sử dụng Windows Phone 8. Chiếc smartphone này sau đó chỉ tiêu thụ được 4,4 triệu máy trong quý IV/2012, một con số hết sức khiêm tốn so với 47,8 triệu iPhone bán ra trong cùng kỳ.

- Tháng 10/2012: Tiếp tục lâm vào khủng hoảng buộc Nokia phải bán và cho thuê trụ sở chính của hãng tại Espoo, Phần Lan, với mức giá 221,9 triệu USD. Đây là tòa nhà từng là trụ sở chính của Nokia trong suốt 16 năm. Sau khi bán đi, Nokia tiếp tục thuê tòa nhà này để làm trụ sở cho công ty.

Stephen Elop được xem là một trong những nguyên nhân khiến Nokia về tay Microsoft

Nokia buộc phải bán đi tòa nhà từng làm trụ sở chính của hãng trong suốt 16 năm để giảm bớt khủng hoảng

- Tháng 9/2013: Nokia và Microsoft khiến nhiều người bất ngờ khi công bố thương vụ Microsoft sẽ mua lại bộ phận sản xuất thiết bị của Nokia với giá 5 tỷ USD, và thêm 2,2 tỷ USD để mua lại các bằng sáng chế mà Nokia đang nắm giữ. Tổng giá trị thương vụ là 7,2 tỷ USD.

Sau khi thương vụ hoàn tất, CEO Stephen Elop của Nokia sẽ trở về “mái nhà cũ”, cùng với 32.000 nhân viên của Microsoft chuyển sang làm việc tại Microsoft. Nokia sẽ không tiếp tục sản xuất điện thoại di động và 2 thương hiệu lớn của hãng, Asha và Lumia, sẽ do Microsoft nắm giữ trong thời hạn 10 năm.

Stephen Elop được xem là một trong những nguyên nhân khiến Nokia về tay Microsoft

Thương vụ Microsoft thâu tóm Nokia chính thức hoàn tất vào ngày 25/4. Đây là dấu ấn để lại của CEO Steve Ballmer trước khi về hưu hồi tháng 2 vừa qua

- Ngày 25/4/2014: thương vụ thâu tóm bộ phận di động của Nokia được Microsoft công bố chính thức hoàn thành. Nokia chính thức trở thành “người nhà” của Microsoft và đánh dấu sự chấm hết của một thế lực trên thị trường di động thế giới.

Nguồn: Dân Trí