6 dấu hiệu thường gặp ở các Startups … thất bại

Sự kiện “doanh nghiệp triệu đô” Lingo.vn bất ngờ đóng cửa đã một lần nữa phản ánh hiện thực khốc liệt của làng Startups Việt. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có hơn 80.000 doanh nghiệp trẻ tuyên bố phá sản. Nguyên nhân thường gặp nhất chính là đầu tư kém hiệu quả, không gọi được vốn và chưa khai thác tốt thị trường chiến lược.

Làm thế nào để nhận biết rằng liệu doanh nghiệp của bạn có đang đi sai hướng? Dưới đây là 6 dấu hiệu thường gặp nhất ở các Startups thất bại.

Bạn chưa từng thay đổi ý tưởng kinh doanh …

Sản phẩm và dịch vụ, với nhiều thế mạnh chiến lược, là điều kiện tiên quyết để bắt đầu khởi nghiệp. Thế nhưng trước guồng quay thị trường, xã hội luôn vạn biến, ý tưởng kinh doanh của bạn không thể nào duy trì trạng thái bất biến. Ngay cả Mc Donald, thương hiệu thức ăn nhanh đậm sắc màu nước Mỹ, cũng phải thường xuyên thay đổi thực đơn, các phục vụ để đáp ứng thị hiếu của khách hàng mục tiêu.

Heinrich M.Wendel, CTO của tập đoàn iprice , chia sẻ rằng: “Khởi nghiệp chỉ là học cách học hiệu quả”. Giữ vững lập trường là tốt nhưng nếu cứ khư khư giữ lấy các giá trị không còn phù hợp với thời thế, rất có thể công ty của bạn sẽ không vững bước, trên kế hoạch phát triển lâu dài.

… hoặc thay đổi quá nhanh

Nhân lực là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Đáng tiếc rằng phần “tài sản” này thường không mấy ổn định, trong nhiều startups. Nếu tình trạng này diễn ra quá thường xuyên, bạn nên cân nhắc lại chiến lược nhân sự của mình. Có thể khối lượng công việc không hợp lý, cơ hội học hỏi, chính sách đãi ngộ, thăng tiến thấp hay tệ hơn là do nhân viên không nhìn thấy khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Tốn quá nhiều thời gian để lên kế hoạch

“Nếu không lên kế hoạch, bạn ắt hẳn đang mưu cầu thất bại” – khi nhận định như trên, chắc chắn chính trị gia Benjamin Franklin không hề gợi ý rằng bạn nên dành 24 tiếng mỗi ngày để… lên kế hoạch. Các báo cáo thị trường, chiến lược kinh doanh, đường lối phát triển… mãi mãi chỉ là mớ giấy lộn, nếu không được áp dụng vào thực tế. Hãy tạm quên đi lý thuyết hay mộng tưởng, thực sự thử thách và rút ra những kinh nghiệm của riêng mình nhé!

Không tương tác tốt với khách hàng

Với sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram…, bạn có thể trực tiếp kết nối và dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khá nhiều thương hiệu chỉ xem mạng xã hội là công cụ quảng bá, tăng traffic mà quên rằng tương tác mới chính là chìa khóa giữ chân khách hàng. Các con số lượt thích, người theo dõi chỉ là vô nghĩa nếu khách hàng thực sự không bàn luận, quan tâm hay thắc mắc về sản phẩm của công ty bạn.

Chọn thị trường ngách quá nhỏ!

Trước sức cạnh tranh của các thương hiệu lớn, thị trường ngách dường như là lựa chọn tối ưu cho startups. Dù dễ xác định đối tượng khách hàng mục tiêu nhưng hình thức này lại có khuyết điểm lớn là quy mô và nhu cầu tiêu dùng không lớn, khó sinh lợi, không thể là ngành hàng chủ chốt trong kế hoạch phát triển dài hạn.

Đặt sản phẩm lên trên lợi nhuận

Mặc dù chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành bại của việc kinh doanh, lợi nhuận mới nên là muc tiêu và mối quan tâm hàng đầu của việc kinh doanh, dù lớn hay nhỏ. Đừng vì tập trung phát triển sản phẩm mà phớt lờ tình trạng nguồn vốn đang dần cạn kiện. Bạn cần phải hiểu rõ, minh bạch các khoảng chi thu, để xoay chuyển đồng vốn và đầu tư hiệu quả.

Theo Samar Singla, CEO của Click Labs, việc sử dụng tiền không kiểm soát và đặt hy vọng vào vòng gọi vốn tiếp theo là vô cùng mạo hiểm. Ngay cả với các hình thức kinh doanh ít vốn như Facebook hay Twitter, tỷ lệ thành công cũng rất hiếm hoi.