Marketer Mai Quang Quỳnh
Mai Quang Quỳnh

Giám đốc sáng tạo @ Công ty TNHH Truyền thông AIO

Khi ý tưởng vô tình trùng nhau

Khi ý tưởng bị cố tình, hay vô tình giống nhau thường chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc đạo ý tưởng và những sản phẩm ý tưởng này bị lên án gay gắt, thậm chí là tẩy chay. Không lên án sao được khi những sản phẩm ý tưởng ấy của những "ông lớn", đổ không biết bao nhiêu tiền của vào đó mà cuối cùng lại cứ "giông giống" một ý tưởng nào đó đã có từ trước. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác tôi muốn bạn lùi lại vài bước chân để tìm hiểu vấn đề được rộng mở hơn.

Khi Khác biệt hay là chết thì sự "vô tình" thế này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới giá trị của thương hiệu

Việc "đạo" ý tưởng này không phải bây giờ mới diễn ra, trong các tác phẩm văn học thời đại, chúng ta biết đến tác phẩm "truyện Kiều" của Nguyễn Du. Đây là tác phẩm phỏng theo tiểu thuyết Kim Vân Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, hình ảnh nàng Kiều cùng những năm tháng thăng trầm sóng gió đời người ấy đã được Nguyễn Du "viết lại" và bằng cách viết của ông, Nguyễn Du đã khéo léo chuyển đổi "quốc tịch" cho nàng Thúy Kiều cùng toàn bộ các nhân vật trong Kim Vân Truyện Kiều sang quốc tịch Việt Nam. Tác phẩm kinh điển đến nỗi đã đưa ông trở thành "Đại Thi Hào Dân Tộc" và trở thành Danh nhân Văn hóa của Thế giới. Tác phẩm ấy được cả dân tộc yêu mến, rồi trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tác thơ văn về sau này, như Tố Hữu (Bài ca Mùa Xuân 1961) hay Xuân Diệu (Xuân Đầu)

Cũng mới đây thôi, một sản phẩm game của một thanh niên sống giữa lòng một thủ đô của một đất nước còn kém phát triển, khiến cả thế giới sôi nổi bàn tán. Nó khiến cái tên Việt Nam trở nên "phổ biến" trên hầu hết các mặt báo, các diễn đàn, các ngõ hèm trên khắp các nước Á- Âu chứ không riêng gì Việt Nam đều mổ xẻ và bàn tán, đó chính alf Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Tâm điểm của các cuộc bàn tán này chính là sự nổi tiếng nhanh chóng và sự "đạo" ý tưởng giữa Flappy Bird và Mario của Nintendo. Sau sự ồn ào này, người ta mới thấy tính xô bồ, tính ghen ghét của người Việt Nam được bộ lộ một cách rõ dàng nhất.

Những năm gần đây, khi hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã thay đổi mẫu biểu tượng và hệ thống nhận diện thương hiệu. Rất nhiều ý kiến và cả dẫn chứng được đưa ra để chứng minh rằng đó là những ý tưởng được đạo từ các thương hiệu của nước ngoài, điển hình là Maritime Bank (đạo ý tưởng UniCredit), VietCombank (đạo ý tưởng Voscast), TP Bank (đạo ý tưởng CommerzBank hay Dredner Bank) Vietnammobile (đạo ý tưởng AnMed Health), Trang Musicmusic của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ( đạo ý tưởng Vivid và movistar)... và xin nhấn mạnh thêm, các ngân hàng lớn này đều thuê các công ty của nước ngoài tư vấn và thiết kế.

Tôi thường theo dõi sự “thay áo” của các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên dưới góc độ là một nhà tư vấn và thiết kế sáng tạo tôi cũng hiểu và thông cảm được cho những sự trùng hợp “vô tình” này, bởi trong thiết kế sáng tạo thì thiết kế thường hay có sự tham khảo rất nhiều từ các mẫu thiết kế của các doanh nghiệp khác. Sự tham khảo này vô tình tạo cho thiết kế một sự ảnh hưởng nhất định đến sản phẩm thiết kế của họ. Đó là chưa kể mong muốn của khách hàng muốn thế này, muốn thế kia ...

Đành rằng đã là đạo ý tưởng thì chẳng có lý do gì biện bạch cả, trùng nhau 10% – 30% còn chấp nhận được, chứ trùng nhau đến cả 80% – 99% thì khó có thể chấp nhận được, mà đó lại là những doanh nghiệp lớn, ngân hàng lớn và những tổ chức lớn, đi thuê những công ty tư vấn nước ngoài thực hiện, tốn kém cả vài trục ngàn đô.

Đành rằng khi “thay áo” mới thì bên trong cũng đã có sự thay đổi về nhận thức, và từ nhận thức ấy sẽ lựa chọn chiếc áo phù hợp. Để hình thành lên một mẫu thiết kế biểu tượng và hệ thống nhận diện thương hiệu này thì các ý tưởng luôn phải bám vào những mục tiêu mới, những chiến lược thương hiệu mới, hướng tới những giá trị mới, ... và đó cũng là cái cớ để những nhà tư vấn thương hiệu bám vào khi giải thích về sự “vô tình” này. Đó là chưa kể để lựa chọn được phương án mẫu biểu tượng cuối cùng này, tôi nghĩ họ (những nhà thiết kế) cũng đã phải trình ra cả trăm phương án khác nhau rồi cũng nên.

Từ Truyện Kiều của Nguyễn Du tới FlappyBird của Nguyễn Hà Đông hay đến việc “thay áo” của các doanh nghiệp lớn đều có sự ảnh hưởng nhất định tới hệ thống và tư duy về chiến lược thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, sự thay đổi này là cần thiết và nên làm để tạo sự ấn tượng, sự khác biệt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thực tế những ý tưởng thiết kế thương hiệu cứ “vô tình” giống nhau là không hiếm, việc các ngân hàng và công ty lớn đầu tư số tiền không nhỏ cho việc nâng cao hình ảnh nhận diện thương hiệu thì thấy họ hoàn toàn nghiêm túc trong việc này, vậy nên quy kết nói rằng họ “đạo ý tưởng” cũng rất khó. Chúng ta cứ tạm chấp nhận với nhau rằng “Những ý tưởng lớn vô tình gặp nhau”.

Mai Quang Quỳnh
Giám đốc sáng tạo thương hiệu AzlogoBrand
https://www.facebook.com/maiquangquynhbrand