Marketer Nguyễn Hữu Nghị
Nguyễn Hữu Nghị

Senior Product Manager @ United Pharma

Sốc với quảng cáo... gây shock

Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi các nhà làm quảng cáo cần phải có những ý tưởng độc đáo. Quảng cáo gây sốc (Shock Advertising/ Shockvertising) dường như trở thành một trào lưu trong thập kỉ vừa qua. Không thể phủ nhận rằng những quảng cáo gây sốc có khả năng tạo cảm xúc mạnh mẽ hơn và khiến người ta nhớ lâu hơn. Nhưng có phải cứ sốc là hay, cứ sốc là đạt hiệu quả?

Từ quảng cáo gây shock..

Truyền thông Pháp đã từng có dịp dậy sóng khi một hãng quảng cáo đưa ra một chiến dịch quảng cáo gây sốc để chống lại việc hút thuốc lá ở giới trẻ vị thành niên. Thay vì khiến người ta nghĩ đến tác hại của thuốc lá thì quảng cáo này lại khiến người ta liên tưởng đến việc bị lạm dụng tình dục.Trên poster quảng cáo là những hình ảnh thanh niên nam, nữ miệng ngậm điếu thuốc lá, đầu họ ở vị trí gần sát với đũng quần một người đàn ông trong trang phục và vóc dáng trung niên, kèm theo dòng chữ “Fumer, C’est Etre L’Esclave Du Tabac”_ “Hút thuốc là trở thành nô lệ của thuốc lá”. Từ tư thế, ánh mắt của những thanh niên cho đến cách đặt tay của người đàn ông giấu mặt, tất cả đều khiến người ta liên tưởng đến việc ép buộc quan hệ tình dục (oral sex).

Image

Hình ảnh quảng cáo gây sốc

Các nhà làm quảng cáo cho chiến dịch này đã thừa nhận việc cố tình làm quảng cáo như vậy, họ biện hộ rằng đó là cách duy nhất để tiếp cận giới trẻ.“Những quảng cáo truyền thống mà nhắm tới mục tiêu là thanh thiếu niên không ảnh hưởng tới chúng. Nói về vấn đề sức khoẻ, bệnh tật hoặc thậm chí tử vong, chúng còn chẳng thèm để ý. Tuy nhiện nói về sự phục tùng và phụ thuộc thì chúng lại nghe.” Đại diện nhóm quảng cáo, ông Remi Parola trả lời tờ Associated Press trong một cuộc phỏng vấn.

Quả thật, quảng cáo này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, tạo ra một cơn bão tranh luận gay gắt tại Pháp, các bộ thi nhau vào cuộc. Tờ Telegraph gọi đây là “Chiến dịch tầm thường hoá việc lạm dụng tình dục… Tồi tệ hơn, nó hàm ý cảm giác tội lỗi một phần của sự lạm dụng”. Đại diện của Familles de France (Hội các gia đình của Pháp), Christian Therry lên án gay gắt: “Quảng cáo này thật vớ vẩn. Một quảng cáo cho dù có mang tính khiêu khích thì cũng cần đọc được và hiểu được, nó cần tạo ra được thông điệp và truyền tải được thông điệp. Chiến dịch này đưa ra ấn tượng về tình dục nhiều hơn là thuốc lá. Nó làm phiền chúng tôi.” Hiển nhiên là sau đó, quảng cáo này đã bị cấm tại tất cả các nơi tại Pháp. Và chiến dịch quảng cáo chống thuốc lá bỗng trở thành cuộc tranh cãi về vấn đề lạm dụng tình dục và làm câu chuyện tiếu lâm cho ngành quảng cáo.

…đến sự thật gây shock.

Một nghiên cứu của Martin Lindstrom chỉ ra rằng những quảng cáo thuốc lá không những không hiệu quả mà còn gây ra tác dụng ngược. Để tạo ra những cảm xúc cực mạnh cho người xem, những quảng cáo gây sốc thường dùng những hình ảnh đáng sợ, đẫm máu, khiêu khích, thậm chí là thách thức những chuẩn mực đạo đức xã hội, pháp luật. Những quảng cáo gây sốc tạo ra phản ứng kích thích ở cùng một phần của não bộ mà ở đó nó làm tăng ham muốn nicotin. Rất nhiều người sử dụng thuốc lá trả lời rằng họ thậm chí còn muốn hút thêm một điếu sau khi xem xong những quảng cáo đó.

Image

Những quảng cáo thuốc lá gây sốc.

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kì (2010) thì chi phí giành cho quảng cáo chống thuốc lá là 629,5 triệu USD, lớn hơn rất nhiều so với chi phí nghiên cứu chữa bệnh ung thư phổi (281,9 triệu USD). Nhưng tỉ lệ cải thiện chỉ khoảng 3%. Thực tế là các cảnh báo về thuốc lá lại đang làm giàu cho các công ty thuốc lá? Dưới đây là biểu đồ thống kê tác động thực sự của những hình ảnh gây sốc trong quảng cáo thuốc lá. Trong đó chỉ 23% là cảm thấy quảng cáo khuyến khích họ bỏ, còn lại 58% cảm thấy quảng cáo chẳng có tác dụng gì và 19% thì tăng mong muốn hút thuốc.

Image

Kết

Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, cũng có những chiến dịch quảng cáo đã thành công nhờ những hình ảnh gây sốc. Nhưng thiết nghĩ chiến dịch quảng cáo nêu trên sẽ có ý nghĩa hơn nếu nó được thể hiện theo một cách khác. Có một vĩ nhân đã từng nói:

Great ideas come from Simple ideas

(Những ý tưởng lớn bắt nguồn từ những ý tưởng giản đơn)

Quảng cáo không cứ phải là những thứ gì đó to tát, khoa trương. Có lẽ những người làm quảng cáo cần tôi luyện cho mình cái nhìn tinh tế hơn nữa để tạo ra được quảng cáo chạm tới trái tim của công chúng. Tôi xin lấy dẫn chứng về một quảng cáo cho chiến dịch chống thuốc lá của Thái Lan để kết thúc bài viết của mình. Một chiến dịch quảng cáo đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Nguồn tham khảo: Wikipedia, Ecigarettedirect, Huffingtonpost, Time