Con đường PR

Nếu bạn chọn PR (Quan hệ công chúng) làm sự nghiệp của cả đời mình, thì đâu là con đường chân chính để phát triển sự nghiệp và viên mãn thành tựu?

Câu hỏi này là câu hỏi lớn!

PR path

Này bạn của tôi, trên con đường mình đi, bạn đã từng / đang / sẽ gặp phải những người ngợi ca lý thuyết. Những người đó có thể là vị giảng viên, vị học giả, nhà nghiên cứu hàn lâm… mà bạn được học, được nghe. Họ có thể nói với bạn rằng lý thuyết là kết quả xương máu từ thực hành. Loài người vốn được sinh ra trước khi quyển sách được sinh ra. Con người viết lại những gì họ đúc rút từ thực tế vào trang sách. Con người để lại sách như bài học quý cho người đời sau. Lý lẽ nào có thể phủ nhận điều này? Lý lẽ nào có thể phủ nhận việc xã hội khuyến khích chúng ta đọc sách?

Này bạn của tôi, trên con đường mình đi, bạn đã từng / đang / sẽ gặp phải những người ngợi ca kết quả. Những người đó có thể là Sếp của bạn, đồng nghiệp, bạn bè… mà bạn làm việc chung. Họ có thể nói với bạn rằng kết quả là tất cả. Kết quả là thực chất. Lý thuyết suông cũng chẳng để làm chi, mặc dù lý thuyết có thể để trên giấy. Lý lẽ nào có thể phủ nhận điều này? Chúng ta đã phát ngán với những kẻ chỉ biết nói giỏi, thùng rỗng kêu to, không làm nên lợi ích thiết thực gì cho cuộc đời này.

Cả 2 dạng người này chỉ đúng một nửa sự thật. Họ phủ nhận nhau như mu bàn tay phủ nhận lòng bàn tay, như cái tay, cái chân phủ nhận vai trò của cái miệng.

Này bạn của tôi, trên con đường mình đi, nếu bạn chú ý kĩ, những người ngợi ca lý thuyết thường là những người yếu thực hành hoặc có ít cơ hội thực hành. Họ không có case study của riêng mình. Họ chỉ có case study vay mượn. Kiến thức lý thuyết của họ là lặp lại cái của người khác. Kiến thức của họ chỉ là thứ vay mượn. Kiến thức là thứ đã chết nếu nó không giúp bạn mở mang đầu óc. Kiến thức là thứ đã chết nếu nó không được vận dụng vào hoàn cảnh thực tế sinh động của bạn.

Này bạn của tôi, trên con đường mình đi, nếu bạn chú ý kĩ, những người ngợi ca thực hành thường thì rất yếu lý thuyết. Họ chỉ có thể nói về kinh nghiệm của riêng họ mà thôi, về một số dự án, liệt kê tên một số khách hàng lớn để ra oai. Bên ngoài ngạo nghễ thế nhưng trong thâm tâm, họ biết mình còn yếu. Kinh nghiệm của họ chỉ là một phần đẹp nhất trong câu chuyện mà họ đóng khung lại để kể. Họ không thể nói về kinh nghiệm PR của thế giới, của Châu Phi, của Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Á. Họ chỉ là cái máy làm những công việc họ đã làm. Cái máy chỉ biết lặp lại, nó không sinh động.

Con đường PR chân chính để phát triển sự nghiệp và viên mãn thành tựu chính là thông qua 5 mức độ:

  1. Học (Learning): từ lý thuyết, từ sách vở, từ kinh nghiệm kể lại, từ phim ảnh, từ case study, từ thầy cô, từ hội thảo, từ internet.
  2. Làm (Practising): càng trải qua nhiều thách thức thực tế, bạn càng mau giỏi, chỉ cần tránh không phạm một sai lầm hai lần.
  3. Viết (Writing): viết bài ngắn, viết sách, viết báo về nghề để chia sẻ. Khi bạn viết, bạn sẽ hệ thống hóa được kiến thức, trải nghiệm của mình. Lưu ý rằng: Bạn không thể viết về phương pháp gì đó mà bạn chưa hề làm qua. Bạn cũng không thể vay mượn kinh nghiệm của người khác để làm lời hướng dẫn của mình.
  4. Giảng dạy (Lecturing): Khi bạn dạy bạn mới hiểu rõ những gì bạn nói.
  5. Huấn luyện (Coaching): dạy người khác làm, và đạt được thành công thực. Bạn chỉ có thể đạt mức độ 5 này sau 4 mức độ trên.

Này bạn của tôi, trên con đường mình đi, bạn đã từng / đang / sẽ gặp nhiều người chỉ chọn một/một vài mức độ trong nghề. Ví dụ học ra trường rồi đi dạy (1, 4), học ra trường rồi đi làm (1,2)… Điều này là chưa trọn con đường.

Để đi đến cùng sự nghiệp và viên mãn thành tựu, bạn cần phải đi qua 5 mức độ đó. Đó là kết luận.

Chúc bạn mau chóng thành tựu sự nghiệp PR của mình!

Lê Trần Bảo Phương