Kẻ thống trị vô hình, ngươi là ai?

– “Ai là kẻ thống trị vô hình?”
– “Hắn là một người bạn hay một kẻ xấu xa?”
– “Hắn từ đâu đến?”
– “Làm thế nào tôi có thể nhận diện ra hắn?”

Trong lĩnh vực PR hiện đại, tôi cho rằng có hai dạng Kẻ thống trị vô hình.

Dạng một, Kẻ thống trị vô hình là kẻ có khả năng gieo rắc cho đám đông những loại thông tin phiến diện nhằm chiếm được sự thương cảm hoặc lôi kéo sự đả phá của họ nhằm tạo ra sức ép dư luận đối với vụ việc. Vì sao?

Vì đối với một vụ việc, đám đông rất dễ đả phá thái quá hoặc thương cảm quá lố, bởi vì đám đông thiếu hẳn sự sáng suốt và rất dễ manh động.

Họ thiếu sáng suốt không phải vì họ không có hiểu biết hay không có chính kiến, mà là vì họ hiếm khi chịu tìm hiểu sâu xa một vụ việc gây tranh cãi để phán xét nó một cách đa chiều. Họ nghe người khác bình luận, họ đơn thuần là tin theo và tiếp tục bình luận như thế với những người khác. Họ thiếu hẳn sự sáng suốt.

Còn họ rất dễ manh động là vì họ bị thứ cảm xúc bất bình lây lan chi phối. Họ rất dễ manh động vì trong đám đông họ cảm thấy luôn được an toàn. Họ rất dễ manh động vì họ được internet trao quyền lực để bày tỏ quan điểm cá nhân và kêu gọi đám đông hành động mà không cần phải quan tâm nhiều đến trách nhiệm. Họ rất dễ manh động vì tâm lý bầy đàn.
Chính sự thiếu sáng suốt và rất dễ manh động này đã tạo ra môi trường sinh sôi cho những Kẻ thống trị vô hình.

Ngoài ra, cuộc sống của chúng ta đầy rẫy những lựa chọn. Và sự đa dạng của các lựa chọn tạo ra Kẻ thống trị vô hình dạng hai.

Hàng ngày chúng ta phải ra quyết định lựa chọn và những lựa chọn này sẽ ảnh hưởng ngược lại đến chúng ta. Do đó, chúng ta cần sự khôn ngoan để đưa ra các lựa chọn khôn ngoan. Theo lẽ tự nhiên, đa số mọi người thường thích tự đưa ra các lựa chọn để giải quyết tốt nhất các vấn đề cá nhân của mình, chẳng hạn nên mặc quần áo gì phù hợp, nên mua xe loại gì, nên đầu tư tiền vào đâu… Nhưng thực tế, chúng ta hoàn toàn không muốn vậy. Vì sao?

Vì nếu tất cả chúng ta đều phải tự nghiên cứu về các mốt thời trang mới nhất, các kĩ thuật chế tạo máy móc phức tạp, hay những vấn đề kinh tế mang tầm vĩ mô có liên quan đến từng câu hỏi của mình thì rõ ràng thật khó lòng để đi đến bất kỳ quyết định cuối cùng nào.

Do đó, chúng ta thường tự nguyện đồng ý để cho một cá nhân/tổ chức vô hình nào đó ngầm gieo rắc lên ta những dữ liệu, những thông tin có liên quan đến các vấn đề cần giải quyết của mình để cho phạm vi lựa chọn giải pháp của chúng ta được thu hẹp lại đến một mức độ nào đó mà chúng ta có thể tự mình đưa ra quyết định. Nhiều lúc, chúng ta cần mua những món hàng mà chúng ta chưa hề biết đến, chúng ta cần thông tin để giáo dục chính mình, chúng ta cần cái gì đó để so sánh.

Nói sâu hơn về lĩnh vực kinh doanh, theo lý thuyết, ai cũng thích mua những loại hàng hóa tốt nhất và rẻ nhất được chào bán trên thị trường.

Nhưng trong thực tế, nếu ai cũng trả giá đôi co, kiểm tra thật kĩ chi tiết kĩ thuật, thành phần của sản phẩm trước khi quyết định trả tiền (xà phòng, vải vóc, sữa bột, dầu gội đầu, xe ô tô…) thì việc trao đổi mua bán sẽ bị kẹt cứng một cách vô vọng. Để tránh sự hỗn loạn này, chúng ta ngầm ưng thuận để cho sự lựa chọn của mình được quyết định căn cứ trên uy tín thương hiệu nhà sản xuất, cảm nhận người đã thử dùng qua, lời khuyên của người nổi tiếng… thông qua một loạt các thông tin chúng ta được truyền bá.

Do đó, luôn luôn tồn tại một loạt các nỗ lực rất lớn và liên tục nhằm bắt giữ tâm trí chúng ta về lợi ích của sản phẩm, về những trải nghiệm dễ chịu mà ta sẽ có được khi sở hữu sản phẩm, nhằm thúc đẩy chúng ta hành động. Chúng ta thường không nhận ra điều này.

Như vậy, Kẻ thống trị vô hình dạng hai được hiểu là những người có khả năng tạo ra sự chấp nhận của đám đông về một tư tưởng, một quan điểm hay về một loại hàng hóa cụ thể nào đó. Nói cách khác, anh ta là người có khả năng buộc đám đông phải chấp nhận quan điểm, lập trường, nhân sinh quan của mình.


Tóm lại, dù là dạng một hay dạng hai, Kẻ thống trị vô hình chính là những người làm chủ được quyền năng PR và vận dụng chúng để tác động vào nhận thức, cảm xúc, kích thích bản năng của con người nhằm hay đổi quan điểm, thái độ, hành vi của người khác theo hướng có lợi cho họ.

“Thế thì Kẻ thống trị vô hình là người tốt hay kẻ xấu?”

Họ là người tốt khi mà họ thuyết phục đám đông dựa trên sự thật, giúp cơ chế quyết định của xã hội được thông thoáng, tạo dựng các cơ hội kinh doanh, giúp cho nền tảng trao đổi giá trị của xã hội được phát huy, thúc đẩy kinh tế phát triển. Họ là kẻ xấu, phi đạo đức khi những thông tin họ đưa ra là sai sự thật để phục vụ cho lợi ích ích kỷ của một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó.

Tuy cái tốt luôn chiến thắng, nhưng cái xấu luôn tồn tại. Cái tốt và cái xấu tạo ra làn ranh giữa trắng và đen. Ranh giới giữa chúng vô cùng mờ nhạt. Nó mờ nhạt đến mức ta vượt qua nó hồi nào cũng không hay.

Do đó, trước khi chúng ta bàn sâu đến ranh giới mờ nhạt của chúng, chúng ta cần quay về cội nguồn nguyên thủy của PR để thấu hiểu nó. Chúng ta cần quay về cội nguồn của những dạng sức mạnh thống trị vô hình và các trí tuệ thống trị cổ xưa.

Bạn có thể tìm hiểu thêm tại cuốn sách này.

Lê Trần Bảo Phương