Marketer Võ Văn Quang
Võ Văn Quang

Brand Guru - Chuyên gia thương hiệu @ Chief Marketing Officer

Khi Alibaba vào Việt Nam bằng việc mua lại Lazada

Bài phỏng vấn trên Zing.vn 2016 do PV Kim Vui thực hiện.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang lý giải động thái mua lại Lazada của tập đoàn Alibaba và tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) cũng như ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Ngày 12/4, đại diện Lazada xác nhận với Zing.vn việc Alibaba mua lại Lazada trong một hợp đồng cho phép tập đoàn của Jack Ma nắm giữ cổ phần chi phối của sàn thương mại điện tử này.

Để độc giả hiểu rõ hơn về thương vụ mua bán này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

* Alibaba vừa chi 1 tỷ USD mua lại cổ phần chi phối của Lazada. Ông nghĩ sao về động thái này?

Cần phải hiểu được sự khác nhau cơ bản giữa Alibaba và Lazada thì mới có thể hiểu được lý do dẫn tới thương vụ này. Đối tượng mà Lazada hướng đến là người tiêu dùng, bán lẻ còn Alibaba hướng tới khách hàng công nghiệp, bán sỉ.

Do muốn mở rộng thêm đối tượng khách hàng tiêu dùng và chợ thương mại điện tử hàng tiêu dùng nên họ mua lại. Nói cách khác, Alibaba mua lại Lazada để có thêm thị trường hàng tiêu dùng ở khu vực châu Á, đặc biệt Đông Nam Á – nơi Lazada đã khẳng định được vị trí của nó.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

* Hợp đồng mua bán đồng nghĩa với việc Alibaba trở thành cổ đông chi phối Lazada sau giao dịch. Theo đánh giá của ông, hoạt động của Lazada bao gồm cả Lazada Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao?

Hoạt động cụ thể của Lazada tôi nghĩ sẽ không có gì khác so với hiện tại. Vấn đề ở đây là sở hữu tài chính chứ Lazada không núp bóng Alibaba hay sáp nhập thương hiệu. Do vậy, người tiêu dùng chỉ cần biết tới Lazada chứ không cần phải biết tới Alibaba.

Alibaba sẽ chỉ đứng đằng sau với các chiến lược phát triển chứ người tiêu dùng vẫn mua hàng trên Lazada. Chỉ có các nhà xuất nhập khẩu, mua bán lớn mới vào Alibaba.

Như vậy, khách hàng sẽ có 2 chợ, một chợ bán sỉ - Alibaba và một chợ bán lẻ - Lazada. Điều này sẽ giúp tăng sức mạnh cho ông chủ của 2 chợ điện tử trên.

* Theo Bloomberg, mức định giá của Lazada là khoảng 1,55 tỷ USD. Ông nghĩ mức giá trên có xứng không?

Việc mua bán nhiều khi do ý đồ khác nhau nên mức giá được đưa ra sẽ khác nhau chứ không phải cứ nhìn vào định giá mà nói là đắt hay rẻ.

Nếu biết sử dụng có chiến lược, thì sẽ thấy nó phát huy hiệu quả và ngược lại thì sẽ không thấy hiệu quả của việc mua lại nó.

Nhìn con số sẽ thấy Lazada được đánh giá tiềm năng trong việc phục vụ ý đồ chiến lược của Alibaba.

* Làm thế nào để kiểm soát được chất lượng sản phẩm rao bán trên 2 chợ thương mại điện tử trên, nhất là khi chúng về một nhà thưa ông?

Ông chủ của 2 chợ này có một hệ thống phân cấp và đóng dấu chứng nhận nhà cung cấp đảm bảo uy tín, chất lượng. Cách đây 5 năm, Alibaba từng gặp rắc rối do không quản lý được các nhà cung cấp sản phẩm khiến kẻ xấu lợi dụng lừa đảo khách hàng, có hành vi gian lận thương mại.

Alibaba đã mua lại Lazada với giá 1,5 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Sau đó họ đã thực hiện việc phân cấp để lọc ra các đối tác tin cậy. Những nhà cung cấp sản phẩm lâu năm không bị kiện cáo gì sẽ được đóng dấu đảm bảo. Ngoài ra, họ cũng thuê các tổ chức kiểm định để kiểm tra, đóng dấu xác nhận chất lượng một số sản phẩm.

Đó là 2 trong số các cách giúp ngăn chặn tình trạng lừa đảo giữa người bán và người mua trên các chợ thương mại điện tử.

Cùng với đó, các chợ thương mại điện tử cũng hay để cho khách hàng tự đánh giá chất lượng sản phẩm, uy tín của nhà cung cấp bằng việc tích dấu sao.

* Nhưng người ta vẫn lo nhiều mặt hàng trôi nổi, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ nhân dịp này tràn về Việt Nam. Còn ông, ông có lo ngại chuyện đó?

Cũng có thể có chuyện đó. Nếu điều đó xảy ra, người tiêu dùng cần lên tiếng phản ánh và các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, kiểm soát. Cả xã hội cần tham gia vào việc này.

Nhiều khi người ta chào bán sản phẩm với giá hấp dẫn, hình ảnh đẹp, nhưng khi giao hàng lại không được như kỳ vọng. Chúng ta phải cùng có tiếng nói về việc này bởi nó đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam.

* Mặt hàng nào dễ bị “gian lận” nhất trên các chợ điện tử thưa ông?

Thời trang, các loại thực phẩm chức năng, các loại đặc sản như trà, chè, mật ong, một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe nam giới…hay có chất lượng không đúng như quảng cáo.

* Sau thương vụ này, theo dự đoán của ông việc mua lại/sáp nhập các chợ thương mại điện tử có trở thành trào lưu sôi động trong thời gian tới không?

Khó có thể biết được, nhưng hướng sáp nhập tôi nghĩ sẽ trở nên phổ biến. Được giá là họ bán thôi.

Theo tôi sẽ có 2 trào lưu chính: Các doanh nhân đặc biệt những người khởi nghiệp sẽ gọi vốn từ đám đông (crowdfunding) hoặc sáp nhập vào các tập đoàn lớn để có vốn đầu tư.

Thương mại điện tử ở Việt Nam bắt đầu phổ biến từ năm 2012, khi trào lưu mua hàng qua mạng được nhiều người trẻ lựa chọn.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để TMĐT phát triển như dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cao, với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet. Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58%, trong đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), doanh thu TMĐT ở Việt Nam hiện chiếm chưa tới 3% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn quốc. Năm vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt ông lớn bỏ cuộc chơi TMĐT như IDG Ventures Việt Nam đóng cửa dự án Lana, Rocket Internet đóng cửa Lamido.vn.