Cần cân nhắc điều gì trước khi Khởi Nghiệp?

Thật không quá lời nếu bảo rằng khởi nghiệp đã và đang trở thành một phần của ước mơ tuổi trẻ. Tại Việt Nam, người người nhà nhà thi nhau khởi nghiệp, từ anh kỹ sư đến cậu sinh viên, từ quán nước vỉa hè đến các dự án huy động vốn rầm rộ.

Quy mô là thế nhưng bức tranh Startups tại Việt Nam lại có phần ảm đạm, với hơn 50.000 doanh nghiệp trẻ bị khai tử mỗi năm. Điều gì quyết định sự thành bại của dự án? Liệu bạn đã sẵn sàng đề khởi nghiệp? Dưới đây là 6 câu hỏi lớn bạn nhất định phải trả lời, trước khi bước vào cuộc chiến Startups.

Vì sao bạn khởi nghiệp?

Có người chọn Startups vì hoài bão; cũng có người bắt đầu khi sở thích, sở trường gặp được cơ hội. Mục tiêu khởi nghiệp không cần phải cao cả nhưng nhất định phải có sức ảnh hưởng lớn và kiên định. Vận hành một công ty là quá trình vô cùng vất vả, đòi hỏi chúng ta phải có đủ tầm nhìn và đam mê cống hiến vì nó.

Còn nếu câu trả lời là tiền? Giá trị vật chất tuy hấp dẫn nhưng lại vạn biến. Bạn chẳng thể nào có được cảm giác thỏa mãn khi đích đến của hành trình cứ ngày một xa hơn. Tốt nhất là cứ theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn.

Ý tưởng đã đủ “độc” và thực tiễn?

Ra đời vào năm 2009, Uber gây tiếng vang dư luận, khi “dám” phá vỡ thế độc quyền của thị trường taxi. Gần như ngay sau đó, thương hiệu này tung ra ứng dụng gọi xe trực tuyến, giúp khách hàng kết nối với tài xế, chủ động quản lý hành trình và chi phí. Chỉ trong vòng 5 năm, Uber đã có mặt tại 53 quốc gia và hơn 200 thành phố. Cụm từ “Uber hóa” trở thành quy chuẩn chung cho hình thức kinh doanh taxi giá rẻ.

Ý tưởng sáng tạo tuy là cách tạo hiệu ứng cộng đồng hiệu quả nhưng chính giá trị thực tiễn mà sản phẩm mang lại mới là yếu tố giữ chân khách hàng. Đây cũng là điều mà các Startups cần lưu ý nếu chọn thị trường ngách làm điểm khởi đầu.

Bạn có đủ tố chất lãnh đạo?

Trở thành ông chủ của chính mình (và nhiều nhân viên khác) hẳn là viễn cảnh vô cùng tươi đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng sở hữu cái đầu lạnh và trái tim đủ ấm nóng để trở thành người dẫn đầu. Thiên tài là tổ hợp của 1% bẩm sinh và 99% phần trăm cố gắng. Hãy trang bị ngay cho mình những kỹ năng sau đây:

  • Lập kế hoạch, phân tích tình huống
  • Làm việc theo nhóm
  • Hùng biện / thuyết trình.
  • Sáng tạo ý tưởng.
  • Tinh thần lạc quan, tạo cảm hứng.
  • Kết nối, giao tiếp và tạo lập các mối quan hệ.

Gọi vốn từ đâu?

Tiền không nên là mục tiêu nhưng chắc chắn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp

Ba năm đầu khởi nghiệp là giai đoạn nhạy cảm, khi nguồn vốn ít ỏi chỉ đủ để trang trải chi phí cần thiết và xây dựng thương hiệu. Xác định nhà đầu tư và lên kế hoạch gọi vốn chi tiết là cách để doanh nghiệp tránh tình trạng đóng băng ngân sách.

Hiện nay, bạn có thể gọi vốn tại các trang điện tử như: Kickstarter, Indiegogo…, quỹ đầu tư Hubert Burda Media, Tiger Global Investment, Golden Gate Ventures hay gần đây nhất là dự án Vietnam Sillicon Valley Ecosystem của bộ Khoa học và Công nghệ.

Bạn đã sẵn sàng để thất bại?

Mọi kế hoạch đều thật hoàn hảo khi còn trên … giấy tờ. Thực tế xã hội luôn tràn ngập những hiểm nguy và khả năng bạn thất bại trong lần đầu kinh doanh (hay vài lần sau đó) là vô cùng lớn.

Infographic tại iprice đã đưa ra thống kê“khốc liệt” về Starups

Ngay cả Jack Ma – ông chủ tập đoàn Alibaba – cũng thừa nhận “Alibaba là sai lầm thứ 1001 của tôi”. Thế nên đừng vội nản chí khi con đường lập nghiệp chẳng trải đầy hoa hồng. Những thử thách, thất bại sẽ là đòn bẫy để bạn vươn lên mạnh mẽ, tạo giá trị mới cho cả bản thân và doanh nghiệp!

Phương Trinh