Tôi có cô bạn sống ở Bỉ. Mùa đông năm ngoái lạnh quá, cô ấy khoe vừa mở được hộp Cao Sao Vàng bôi vào chân tay, ấm lắm, “nhưng mà khiếp quá, mở mất ba mươi phút, toát hết mồ hôi”.


Tôi cười lăn vì vẫn còn nhớ hộp cao thần thánh này, phải nói mở được nó là một kỳ công pha trộn giữa may mắn, kỹ thuật và nghệ thuật. Phải thẳng cánh quật nó xuống nền nhà, mà quật nghiêng cơ, chứ nếu quật thẳng khiến mặt bẹt áp xuống đất thì nó càng dính chặt. Quật xong chạy theo nhặt lên xem bung nắp chưa, nếu chưa lại quật xuống lần nữa, lần nữa, cứ thế. Cũng có khi vừa quật xuống thì hai nửa hộp bằng kim loại sẽ hé ra, phải thò ngón tay vào cạy tiếp cho chúng tách hẳn. Mở một hộp cao tròn dẹt, dày độ hai phân, đường kính gấp đôi nút home của iPhone mà có khi cả nhà thay phiên nhau vẫn không được.

Bên kia bạn tôi bảo ban đầu mở bằng ngón tay, xong mở bằng móng tay, lần nào cũng gãy móng cho đến khi phát minh được cách mở hộp như trên. Nhưng sàn nhà chung cư khá mỏng, quật lên quật xuống đèn đẹt thì hàng xóm bên dưới phàn nàn. Chính vì thế mà một túi mấy chục hộp cao được mẹ dúi cho cách đây hai mươi năm vẫn nguyên xi, theo chân cô ấy từ sinh viên, đến khi đi làm, lấy chồng, có con, đi khắp các châu lục trên thế giới đến giờ vẫn còn đến năm sáu hộp mới tinh khôi, mặc dù chất lượng tốt lắm. Chồng cô ấy thích nhất sau khi tập thể thao được massage bằng thứ dầu thơm và nóng ấy, hay khi trẻ con bị đầy hơi thông thường, xoa quanh rốn chúng lát sau sẽ hết.

Nhiều năm trôi qua, chai dầu xanh Singapore đánh bật Cao Sao Vàng ra khỏi túi áo người tiêu dùng. Ở Sài Gòn bây giờ tôi không biết mua Cao Sao Vàng chỗ nào. Nhưng mới năm ngoái, trên trang eBay và Amazon, rộ lên thông tin Cao Sao vàng Việt Nam giá bán 2 USD đến 4 USD mà cháy sạch hàng. Có lẽ người tiêu dùng nước ngoài đã phát minh ra cách mở hộp cao hiệu nghiệm hơn chăng?

Hôm trước, trong buổi gặp giữa doanh nghiệp trang trại với câu lạc bộ phóng viên nông nghiệp TP HCM, ông Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Vinamit bức xúc nói Thái Lan làm rất tốt việc PR sản phẩm, chính Thủ tướng họ trực tiếp làm; còn ở Việt Nam chưa thấy ai làm việc này cả mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản đặc sắc được bạn hàng nước ngoài ca ngợi như tiêu, chanh dây, khoai…

Ông Viên nói không sai tí nào. Nhưng muốn PR có hiệu quả lâu dài thì sản phẩm phải ưng lòng thượng đế đã, chớ để mở một hộp dầu mà phải qua đào tạo và gắn móng tay giả thì cực lòng quá, thôi chuyển qua mua chai dầu xanh hai nắp vặn nhẹ nhàng cho rồi.

Bao bì bắt mắt là yếu tố níu khách đầu tiên của sản phẩm. Nhưng bao bì và tính tiện dụng của không ít sản phẩm Việt Nam thường không được doanh nghiệp đầu tư. Trên đầu chai dầu ăn, chai nước mắm có vòng nhựa giật nhưng nhiều loại giật phát đứt bay cái vòng chứ không bung được nắp ra. Bánh kẹo, đặc biệt các nhãn hàng quốc doanh phía Bắc, từ hàng chục năm nay vẫn trung thành với kiểu bao nilon hàn một đầu, bên trong lăn lóc mảnh giấy ghi nhãn in nhem nhuốc. Các loại thức ăn sẵn hoặc đóng hộp to đùng, hoặc để nguyên miếng rất lớn, hoặc phải chế biến cầu kỳ. Ít có sản phẩm nào chiều người dùng như một loại thức ăn vặt của Nhật, trong một túi nilon nhỏ có đến bảy loại đủ mặn ngọt, mỗi thứ chỉ vài miếng nhưng gộp lại rất vừa vặn cho khẩu phần ăn vặt của một nhân viên văn phòng lúc 3h chiều chẳng hạn.

Chất lượng của sản phẩm thì quá nhiều thông tin không tốt. Ví dụ như với hàng nông sản, tôi xin nhắc lại lời ông Lâm Viên: “Xoài từ lúc ra bông đến khi thu hoạch, nhà vườn phun đến 40 lần thuốc các loại. Chính chúng tôi mua hàng Việt Nam cũng sợ”.

Chúng ta cứ chê bai thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế chỉ có thị trường Trung Quốc chịu mua nông sản như thế này của Việt Nam. Do thói quen và do thiếu hiểu biết, số đông nông dân dễ dàng chấp nhận mỗi năm đổ ra lượng tiền lớn hơn để mua phân thuốc mới nhất, được quảng cáo là mạnh nhất. Đất đai Việt Nam giờ không đủ chuẩn để canh tác nông nghiệp hữu cơ, do nông dân mình quá lạm dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học suốt hàng chục năm nay. Ông Viên kể, ông hỏi người bạn Đan Mạch có nhà máy chế biến tiêu ở Việt Nam xem có cách gì làm nông sản sạch hơn không, ông này trả lời chịu, chỉ có cách rửa sạch nguyên liệu nhiều lần và trộn với sản phẩm đạt chuẩn để giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu, nhưng như thế là tự làm giảm chất lượng.

Vào nhiều vườn trái cây ngọt tứa nước, đáng lẽ phải rất nhiều kiến nhưng hầu như chẳng có. Côn trùng và các hệ vi sinh vật có lợi trong đất hầu như đã bị thuốc giết hết. Thành ra mới có chuyện thoạt nghe như hài hước trong nông nghiệp Việt Nam là ông nông dân Đoàn Văn Le ở Trảng Bom (Đồng Nai) tỉ mẩn nuôi kiến vàng để ăn sâu, làm sạch vườn trái cây của gia đình.

Với hiện trạng bi đát như thế và hứa hẹn sẽ còn kéo dài, tôi nghĩ không có cách nào để PR tốt cho hàng Việt Nam.

Hoàng Xuân

Nguồn:vnexpress.net