Marketer Khuất Quang Hưng
Khuất Quang Hưng

Giám đốc Đối ngoại & Truyền thông @ Nestlé Việt Nam

Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp

Một anh bạn người Mỹ làm tại Phòng Thương mại Hòa Kỳ nói với tôi rằng anh ta ghét mạng xã hội vì trên đó toàn những thứ vô bổ và mất thời gian. Thực tế là anh ấy chẳng bao giờ dùng mạng xã hội như Facebook hay Twitter.

Tôi không có cùng quan điểm với anh bạn này. Cái gì cũng có hai mặt tốt xấu và mạng xã hội cũng vậy. Tuy nhiên tôi phải thừa nhận một điều rằng trên mạng xã hội bây giờ rất nhiều thông tin “rởm” và nhảm nhí.

Tung tin thất thiệt

Hàng ngày trên Facebook chúng ta có thể gặp rất nhiều câu chuyện kiểu “theo ông chú làm ở Viettel” hay “theo bà chị em làm ở viện ABC thì dịch XYZ đã lây lan”. Sự thật là rất nhiều câu chuyện trong số đó là “fake”, nhảm, hoặc ác ý có chủ đích. Nếu chúng ta không tỉnh táo khi chia sẻ hoặc like, sẽ có nhiều người khác bị ảnh hưởng.

Người xưa có câu “Trăm nghe không bằng một thấy” hay “Một bức ảnh thay vạn lời nói”. Ấy thế nhưng, với những gì bạn thấy trên Facebook hiện nay, bạn hãy cứ dè chừng. Theo thống kê của Facebook đầu năm 2014, có khoảng 5,5% – 11,2% trong tổng số 1,23 tỷ người đăng ký dùng Facebook là “rởm”. Con số này tính ra còn lớn hơn dân số của Việt Nam nhiều!

Còn nhớ trước đây trên Facebook lan truyền một số hình ảnh chụp lại cảnh bé gái trong tình trạng bị dán băng dính trói chặt và nhét vào thùng các-tông. Theo lời của người chia sẻ bức ảnh này cho biết đây là một vụ “buôn trẻ em để mổ lấy nội tạng”.

Bức ảnh kèm những lời mô tả sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Nhiều người cũng không khỏi rùng mình và hoảng sợ. Sự thật đây lại là một vụ án xảy ra đầu tháng 10 tại Indonesia.

Trước đó một bức ảnh được chia sẻ trên Facebook khiến nhiều người ghê sợ. Người đàn ông toàn thân đen đúa, trương phình. Theo người chia sẻ bức ảnh, người đàn ông trong hình vì hút thử shisha nên lâm vào tình cảnh này.

Thật ra đây là vụ việc xảy ra từ giữa tháng 9 tại Campuchia. Thông tin và hình ảnh vụ việc được đăng tải trên các báo địa phương. Theo đó, người đàn ông trên là một du khách người Úc đến Campuchia du lịch và nghỉ trong một khách sạn. Sau đó chết vì đau tim nhưng nhiều ngày sau mới được phát hiện nên thi thể người này đã bị thối rữa.

Tấn công doanh nghiệp

Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội hiện đang được nhiều người xử dụng như một công cụ làm xấu hình ảnh gây mất uy tín của các cá nhân hay doanh nghiệp. Rất tiếc, công cụ này được sử dụng khá phổ biến bởi những người làm “black-hat” PR. Việc sử dụng mạng xã hội trong các hoạt động “PR đen” có khả năng dẫn tới những thiệt hại cả về danh tiếng lẫn tài chính cho doanh nghiệp.

Tuần trước, thông qua một công cụ giám sát mạng xã hội (social media listening) tôi phát hiện một người trên Facebook đang tung những thông tin thất thiệt liên quan đến doanh nghiệp mình. Tài khoản người đăng thông tin mang tên một người nước ngoài nhưng tất cả những chia sẻ trên Facebook của người này hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Bài này đã được like trên 1.800 lượt, share tới gần 2.000 lượt và comment gần 800 lượt! Sau khi kiểm tra, tôi phát hiện ra đó chỉ là một tài khoản ma với một bức hình lấy từ trên mạng. Thông tin chia sẻ là những một bài viết được lấy lại từ một tờ báo nước ngoài cách đây 6 năm và đã được chỉnh sửa lại. Tất nhiên mục đích cuối cùng của việc tạo tài khoản giả và quăng thông tin thất thiệt là nhằm bôi nhọ uy tín doanh nghiệp.

Trong một lần “trà dư tửu hậu” với một nhân vật được coi là hàng “có số má” trong lĩnh vực digital, người này nói với tôi rằng trong tay nắm vài chục trang Facebook fanpage. Mỗi trang có số lượng thành viên từ vài trăm ngàn đến cả triệu. Anh ta chia sẻ rất thật lòng: “Đối với em, việc giết chết một thương hiệu là việc làm không quá phức tạp”.

Tất nhiên khi những người làm PR đen đã ra đòn tấn công thì việc truy tìm nguồn gốc là rất khó khăn bởi chính những người tham gia vào những hoạt động kiểu này cũng không biết mình đang bị lợi dụng hoặc ai đang thuê mình.

Bất chợt tôi nhớ tới câu chuyện “sữa dê Danlait” cách đây vài năm. Cũng chỉ bắt đầu từ vài bài viết kiểu “Các mẹ ơi, kinh khủng quá!” trên diễn đàn Làm Cha Mẹ với hơn 1 triệu thành viên sau đó đã lan rộng thành một cuộc khủng hoảng truyền thông làm gần như xóa sổ thương hiệu này.

Cách xác định thông tin giả mạo

Giữa một rừng thông tin hỗ độn trên mạng xã hội, làm thế nào để biết thông tin nào là thật, là giả? Người nào là thật hoặc ảo? Xin được chia sẻ với các bạn một số cách đơn giản giúp các bạn có thể xác định nhanh chóng những thông tin “fake” khi chúng được chia sẻ trên mạng xã hội.

1. Kiểm tra nguồn thông tin

Hiện nay, việc lập những trang blog cá nhân, diễn đàn hoặc các trang tin tổng hợp cực kỳ dễ. Chỉ mất vài phút là bạn có thể có được một blog hoặc website riêng với chi phí vài trăm nghìn đồng hoặc thậm chí chẳng mất xu nào. Do đó, việc tạo ra những câu chuyện, những thông tin giả mạo là rất đơn giản.

Muốn biết đó có phải là thông tin giả mạo hay không, bạn có thể kiểm tra xem thông tin bạn nhìn thấy được đăng trên website nào và đó có phải là kênh thông tin chính thống hay không. Chỉ cần kéo con trỏ máy tính xuống cuối trang là bạn có thể thấy thông tin tòa soạn hoặc số giấy phép xuất bản/cổng thông tin điện tử. Những trang thông tin không chính thống sẽ không có những thông tin này.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng công cụ tìm kiếm Google kiểm tra xem những thông tin tương tự được đăng ở đâu và nội dung có giống những nội dung bạn đã đọc không. Nếu được các trang tin chính thống đăng tải thì mức độ tin cậy của thông tin sẽ cao hơn.

Trong trường hợp những thông tin bạn đọc được không được các trang thông tin chính thông đăng mà chúng chỉ xuất hiện trên các trang mạng không rõ nguồn gốc hoặc trang tin lá cải với ngôn từ không chính thống thì bạn nên “quên nó đi”.

2. Kiểm tra nguồn hình ảnh

Bên cạnh việc kiểm tra nguồn thông tin, bạn có thể kiểm tra nguồn ảnh đăng trong bài. Đó có thể là những bức ảnh đã được chỉnh sửa bằng một phần mềm như Photoshop hoặc đơn giản là bức ảnh cóp nhặt từ đâu đó để minh họa cho những thông tin nhảm nhí được đăng tải.

Có nhiều cách kiểm tra nguồn gốc bức ảnh. Một số công cụ đơn giản có sẵn trên internet mà bạn có thể sử dụng gồm:

Đừng tin những gì bạn đọc trên internet chỉ vì thông tin được thể hiện dưới dạng phát ngôn của một nhân vật nổi tiếng!

Công cụ tôi hay sử dụng là Google Image Search. Nếu bạn muốn kiểm tra nguồn gốc một bức ảnh bất kỳ bạn có thể làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Lưu bức ảnh muốn kiểm tra ra màn hình Desktop
  • Bước 2: Truy cập website Google Image Search tại địa chỉ: https://www.google.com/imghp
  • Bước 3: Nhấn vào biểu tượng máy ảnh trên hộp thông tin tìm kiếm
  • Bước 4: Lựa chọn hình ảnh cần kiểm tra và tải lên công cụ tìm kiếm ảnh.

Cùng chuyên mục: Minions “xâm chiếm” McDonald's và chửi thề?

Trong vài giây, Google Image Search sẽ tìm cho bạn các hình ảnh tương tự như bức ảnh bạn tải lên. Từ đó bạn có thể xác đinh ngay thời gian và trang web nơi bức hình gốc được đăng tải. Bạn có thể đọc hướng dẫn chi tiết tại đây.

3. Kiểm tra nguồn video clip

Việc kiểm tra xem video clip có phải giả mạo hay không đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên nếu bạn nghi ngờ tính trung thực của một đoạn video, bạn có thể áp dụng thử những cách đơn giản sau:

Nếu đoạn video được đăng trên YouTube, bạn hãy nhấn vào logo YouTube phía phải ở dưới clip để tìm thêm thông tin liên quan đến đoạn clip này. Nếu không có dấu hiệu đây là đoạn clip giả mạo, bạn có thể kiểm tra ngày tháng đoạn video được tải lên YouTube. Nếu đoạn video đó được đăng liên tục trong những ngày gần nhau, khả năng cao là đoạn video đó là giả mạo.

Bước tiếp theo là lựa chọn đoạn video nào có số lượng người bình luận nhiều nhất (comment) và đọc qua những lời bình luận đó. Có nhiều khả năng đã có người nhìn thấy đoạn video gốc đăng ở đâu đó hoặc có khi họ đưa lại đường link gốc phía dưới.

Chú ý tới các chi tiết có trong video như khuôn mặt, lời nói, trang phục, quang cảnh trong clip, biển số xe… Những yếu tố đó sẽ giúp chúng ta xác định liệu đoạn video đó có thể được quay tại đâu. Trên các mạng xã hội như Facebook thường lấy những đoạn phim hoặc video của Trung Quốc để gắn với các câu chuyện không có thật xảy ra tại Việt Nam.

Một cách nữa là hãy chụp màn hình đoạn video được sử dụng làm thumbnail và áp dụng cách Kiểm tra nguồn hình ảnh như tôi đã đề cập phía trên. Cũng có nhiều khả năng đã có người sử dụng đoạn video này trên một trang thông tin nào đó hoặc chụp lại một cảnh trong đoạn video để minh họa cho bài viết.

Một công cụ kiểm tra tính xác thực của video rất hay mà tôi cũng sử dụng đó là Citizen Evidence Lab. Nếu các bạn quan tâm, bạn cũng có thể thử sử dụng công cụ này.

4. Kiểm tra profile của người đăng thông tin

Ngoài việc kiểm tra nguồn thông tin, kiểm tra nguồn ảnh hoặc nguồn video, bạn cũng có thể kiểm tra profile của người đăng thông tin. Hiện nay có rất nhiều trang giả mạo để câu like hoặc kiếm lợi bất chính. Những người này thường mò mẫm tìm kiếm thông tin trên Facebook cá nhân của những người khác, đặc biệt là của một số người nổi tiếng rồi lấy ảnh, thông tin để lập các trang Facebook giả những người này nhằm làm việc xấu.

Cách bạn xác định profile thật hay giả cũng giống như cách tôi đã nói trong phần Kiểm tra nguồn hình ảnh. Bạn có thể tải hình ảnh đại diện profile của người cần kiểm tra sau đó áp dụng các bước tương tự. Nếu đó là hình ảnh “chôm chỉa” từ người khác, bạn có thể thấy nó hiện ngay trên kết quả tìm kiếm.

Bạn cũng có thể kiểm tra các thông tin khác có trong profile của người đăng thông tin ví dụ như Nơi ở, Sở thích, Nhóm yêu thích, Danh sách bạn bè và ngày lập Facebook… Những thông tin này sẽ giúp bạn xác định được đó có phải profile của một người giả mạo hay không.

5. Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin

Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là khi bạn sử dụng mạng xã hội bạn cần luôn có ý thức và cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin. Những câu chuyện khiến bạn rơi lệ, những câu chuyện làm bạn trở nên giận dữ hay lo sợ, những câu chuyện khiến bạn cười ngặt nghẽo hoặc những câu chuyện khơi dậy lòng trắc ẩn và kêu gọi mọi người like hoặc share đều là những thứ bạn cần phải cẩn trọng. Cách đơn giản nhất là hãy cố gắng biết toàn bộ câu chuyện trước khi share.

Dưới đây là những bước cơ bản trong quy trình kiểm tra thông tin, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm hoặc có thể có ảnh hưởng tới bạn hoặc doanh nghiệp của bạn:

  • Bước 1: Ai nói cho tôi câu chuyện này?
  • Bước 2: Làm sao người đó biết?
  • Bước 3: Nếu 2 điều trên là đúng, liệu thông tin này có thể sai không?
  • Bước 4: Nếu có, hãy tìm thêm nguồn thông tin khác.

Trong trường hợp bạn có hứng thú đối với công việc này, bạn có thể tham khảo một cuốn Verification Handbook: A definitive guide to verifying digital content for emergency coverage. Đây là một cẩm nang rất hữu ích nếu bạn muốn kiểm chứng các nội dung số trên mạng.

Lời cuối

Trong rất nhiều trường hợp, ngay cả những thông tin được đăng trên báo chí chính thống là thông tin không có thật. Tiêu biểu là câu chuyện ngôi sao dẫn chương trình nổi tiếng của đài NBC (Mỹ) Brian Williams đã bị đình chỉ công tác không lương 6 tháng hồi giữa tháng 2/2015 sau khi thừa nhận đã bịa chuyện ngồi trên chiếc trực thăng bị hứng hàng loạt đạn của quân đội Mỹ tại chiến trường Iraq năm 2003. Hay gần đây nhất là câu chuyện “thịt thối 40 năm” của Báo Tân Hoa Xã được đăng tải rộng rãi trên cả truyền hình và báo chí trong nước.

Vì vậy đối với những thông tin bạn vẫn đọc và nghe thấy hàng ngày, tôi vẫn khuyên bạn hãy luôn biết tự sàng lọc và kiểm chứng theo cách riêng của mình, đặc biệt là thông tin trên các mạng xã hội. Một lúc nào đó có thời gian, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những cách thức thông tin bị “chế biến” để qua mặt báo chí như thế nào.

Bài gốc đăng tại blog Quản lý danh tiếng & Xử lý khủng hoảng