T
Tô Lãng

Phóng viên Kinh tế Truyền thông @ Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

10 xu hướng truyền thông toàn cầu phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam

Trong vòng 2 thập kỷ các thế hệ Web đã liên tục thay đổi từ 1.0 đến 2.0 và bây giờ là Web 3.0, đó là những thay đổi của cơ hội nhưng cũng là thách thức với truyền thông hiện đại.

Web 1.0 được tạo bởi Tim Berners-Lee vào năm 1989/1990, nó bao gồm phần lớn là web tĩnh, các trang web này được phát triển bởi một số lượng nhỏ của các tác giả để cung cấp thông tin cho một lượng lớn khán giả. Người dùng có thể xem, đọc những thông tin trên đó nhưng không thể đăng tải một thông tin khác lên, hay bình luận, đánh giá những thông tin đó. Hiểu đơn giản hơn là Web 1.0 thì người sử dụng chỉ có thể đọc và xem.

Web 2.0 là thuật ngữ được giới thiệu vào năm 2004 và đề cập đến thế hệ thứ hai của World Wide Web. Web 2.0 không phải là điều gì hoàn toàn mới mà là sự phát triển từ web 1.0. Các website không còn là những “ốc đảo” mà trở thành những nguồn thông tin và chức năng, hình thành nên môi trường điện toán phục vụ các ứng dụng web và người dùng. Blogs, Wikis, Facebook và MySpace là những ví dụ điển hình của web 2.0.

Web 3.0 chính là Web 2.0 nhưng được tiến hóa lên một bậc cao hơn, trong đó nhấn mạnh đến việc chia sẻ dữ liệu giữa các website với nhau hoặc các dịch vụ nói chung. Ngay cả việc trao đổi dữ liệu giữa một website với ứng dụng di động của chính website đó cũng có thể được xem như là một phần của Web 3.0.

Khi công nghệ đã tiến thêm một bước, HTML và FTP đang thay thế cho Flash/Java hay XML; Smart applications thay thế Web applications; Blogs, Wikis bị thay thế bởi Lifestream trong sự thể hiện tính cá nhân và đó là lý do cho sự lên ngôi của văn bản ngắn, hình ảnh đẹp, video sống động mang chất riêng của mỗi người. Sự thay đổi nhanh chóng này là những thách thức cho ngành truyền thông hiện đại để tiếp cận và định hướng người dùng tới sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ liên tục được nâng cấp, thay thế.

Môi trường truyền thông 3.0 sẽ là môi trường phát triển của kỹ thuật số (Digital), sự thân thiện với các thiết bị di động (mobile friendly), sự minh bạch, rõ ràng (transparent), sự nhạy bén, đúng thời điểm (real time), sự đa dạng về ngôn ngữ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (multi-lingual), tính tương tác đa chiều (interactive), đa nền tảng (multi-platfrom), và môi trường truyền thông nhiều hướng (communication 3D). Đó là yêu cầu tất yếu xảy ra khi công nghệ đang tác động sâu rộng đến từng cá nhân. Với số liệu dự đoán năm 2016 thế giới sẽ có 22 tỷ thiết bị có khả năng kết nối được sử dụng, và có lẽ nào trong nấc thang đầu tiên của nhu cầu Maslow cần bổ sung thêm wifi và battery.

Theo số liệu của Hiệp hội báo chí thế giới WAN-IFRA cho biết, năm 2014, Việt Nam là nước có nhu cầu đồng thời về số hóa và tính tương tác cao hàng đầu thế giới, tương đương với Anh, Pháp, Italy, bỏ xa Mỹ, Canada và các nước châu Á khác. Việt Nam có tới 59% người dùng điện thoại di động sử dụng smart phone và tham gia internet mỗi ngày.

Với những thách thức và cơ hội như vậy, thì 10 dự đoán sẽ là xu hướng truyền thông toàn cầu đồng thời phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện tại.

Thứ nhất, Mobile & Beyond: Điện thoại và nhiều hơn nữa là xu thế tất yếu khi mỗi chúng ta đang phụ thuộc nhiều hơn vào thiết bị di động thông minh. Cập nhật tin tức, trò chuyện, giải trí, mua bán trao đổi, tất cả đều có thể chỉ với một chiếc điện thoại có kết nối internet.

Thứ hai, Personalization: Nền tảng của Web 2.0 tính cộng đồng, nhóm được sử dụng nhưng với nền tảng Web 3.0, mỗi người là một đối tượng riêng biệt mà mọi phương thức truyền thông cần quan tâm và hướng tới để đạt được hiệu suất cao nhất.

Thứ ba, Social media impact: Truyền thông 3.0 cần sáng tạo, nhanh chóng nhưng luôn luôn giữ vững mục đích phát triển bền vững, và truyền thông mang tính xã hội là cách tốt nhất để xây dựng một nền móng vững chắc cho danh tiếng mỗi thương hiệu.

Thứ tư, Brand Journalism: Mỗi thương hiệu hãy tự xây cho mình một công cụ báo chí, truyền thông riêng biệt và độc lập. Trước khi tìm tới báo chí, cơ quan truyền thông lớn, doanh nghiệp hãy xây cho riêng mình một ngôi nhà nhỏ trước. Xây dựng một kênh cung cấp tin tức, chia sẻ những bí quyết hữu ích miễn phí, đều đặn cho khách hàng và có thể đồng thời truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp trên các kênh như fanpage, website, tạp chí,… đó là cách xây dựng thương hiệu bền vững với chi phí tối thiểu.

Thứ năm, “Always on” Crisis: Trong bối cảnh như hiện nay chưa bao giờ khủng hoảng truyền thông lại dễ dàng tới như vậy. Một phát ngôn gây sốc, một cử chỉ không đẹp, một nét chữ sai sót,… đều có thể gây nên một khủng hoảng cho doanh nghiệp. Việc đối mặt và xử lý khủng hoảng truyền thông nên là công việc luôn luôn được chuẩn bị trước để phòng tránh và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Thứ sáu, Transparency: Tính minh bạch, nếu bạn là doanh nghiệp có chứng nhật VietGap hay hơn thế, hãy truyền thông quy trình để bạn có được chứng nhận đó, nếu bạn là doanh nghiệp thời trang, hãy truyền thông cách để doanh nghiệp tạo nên mỗi sản phẩm. Tính minh bạc, trung thực, rõ ràng luôn là yếu tố đầu tiên để xây dựng nền tảng niềm tin vững chắc từ khách hàng.

Thứ bảy, ROI Measurement: Truyền thông tạo nên nhiều giá trị vô hình trong khoảng thời gian khó xác định nên cách thức định giá hiệu quả của công việc truyền thông vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng ít nhất doanh nghiệp hãy lên kế hoạch, ngân sách truyền thông và đo lường tính hiệu quả cho nó.

Thứ tám, Visuality: “Đẹp tốt đưa ra” Hãy sử dụng nhưng công cụ mà doanh nghiệp đang có để hiển thị những giá trị tốt đẹp của doanh nghiệp tới khách hàng.

Thứ chín, Outcome-focus: Hãy tập trung vào kết quả của bạn. Chiến dịch truyền thông của bạn tốt tới đâu điều đó không quan trọng bằng việc cuối cùng chiến dịch đó sẽ làm được gì?

Cuối cùng, Intergration: Hội nhập là điều tất yếu khi Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa toàn cầu. Với truyền thông hiện đại thách thức và cơ hội là cân bằng, cơ hội chỉ dành cho ai thay đổi để phù hợp hơn. Tiếng Việt sẽ là chưa đủ, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, lối tư duy toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường hơn 7 tỷ người thay vì 90 triệu.

Doanh nghiệp nên kết thúc việc tập trung suy nghĩ làm sao bán được hàng mà hãy tham gia đồng hành cùng khách hàng. Xu hướng của truyền thông hiện đại là hướng về từng khách hàng, tạo ra những tương tác, những cảm xúc cho mỗi cá nhân và hướng về cộng đồng, môi trường, nhân đạo, trách nhiệm xã hội. Hãy ngừng bán, bởi khách hàng thích được mua thay vì bị mua. Hãy đồng hành vì khách hàng cần một người bạn thay vì cần một giao dịch. Bạn – Bàn – Bán, quy trình 3B tuy không mới nhưng vẫn luôn “hiện đại”.

Truyền thông 3.0 là một khái niệm không chỉ mới tại Việt Nam mà đây cũng là khái niệm còn nhiều mới mẻ trên thế giới. Việc tiếp cận những khái niệm mới, xu hướng mới sẽ là đòn bẩy cho doanh nghiệp Việt đón đầu các thay đổi, thúc đẩy, phát triển, tăng trưởng và bứt phá.