4 nhầm lẫn về PR nội bộ doanh nghiệp nào cũng từng mắc phải

PR nội bộ là hoạt động cơ bản để hình thành sự kết nối và tạo ra những cuộc đối thoại trong một doanh nghiệp. Khi nó đạt hiệu quả, hoạt động này đảm bảo cho hiệu quả kinh doanh, cải thiện sự hợp tác, tăng hiệu suất làm việc. Nó hỗ trợ cho văn hóa doanh nghiệp được định hình hoặc cải thiện hành vi của các cá nhân đề phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp làm tốt truyền thông nội bộ, kết quả có thể nhìn thấy được và đo lường được.
Tuy vậy, rất nhiều chủ doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEs) vẫn còn đang hiểu sai, hiểu nhầm và hiểu chưa đủ về PR nội bộ. Dưới dây là 4 hiểu lầm thường gặp nhất:

1. PR nội bộ là xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp mô phỏng bối cảnh doanh nghiệp đang được vận hành, nó bao gồm những giá trị của doanh nghiệp được xác định bởi chính nhân viên. PR nội bộ chỉ có vai trò thúc đẩy, củng cố, hỗ trợ việc hình thành hoặc duy trì chứ không phải là công cụ để “tạo ra” văn hóa doanh nghiệp.

2. PR in-house và Internal PR
PR in-house là cụm từ dùng để phân biệt bộ phận PR nằm trong doanh nghiệp với các công ty cung cấp dịch vụ PR (PR Agency). PR in-house bao gồm các hoạt động cả Đối nội lẫn đối ngoại và PR nội bộ (Internal PR) là một mảng của PR in-house.

3. Nhầm lẫn giữa vai trò của PR nội bộ và các hoạt động của HR
Nhiều PR nhầm lẫn vai trò của mình với một phần công việc của HR, ví dụ như hoạch định các chính sách về nhân sự, phúc lợi v.v. Thực tế một số công ty Việt Nam vẫn duy trì bộ phận “Công đoàn” – nhằm tổ chức và duy trì các hoạt động cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của cán bộ nhân viên. PR có thể cùng hỗ trợ nếu như công ty đã có sẵn các bộ phận này, tuy nhiên, không nên nhầm lẫn hoặc chồng chéo các chức năng nhiệm vụ với nhau, cũng như không nên ôm đồm.

4. Nhân viên PR nội bộ chỉ làm công việc Tổ chức các sự kiện nội bộ hoặc phụ trách hoạt động văn hóa - văn nghệ
Sự nhầm lẫn này khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí ở cả những đơn vị lớn. Các nhà tuyển dụng đăng tuyển vị trí PR nội bộ nhưng lại yêu cầu “có khả năng ca hát, nhảy múa, biết dẫn chương trình, khuấy động phong trào…” trong khi thực chất người làm PR nội bộ cần có kỹ năng giao tiếp tốt và sự giao tiếp chân thành để thúc đẩy giao tiếp nội bộ.

Đọc toàn bộ chuyên đề về PR nội bộ của BetterCre Agency tại đây: Bản tin Make It Noise 01