Nhật Bản - Quảng bá văn hóa từ quá khứ đến hiện tại

Nhật Bản ngày nay được biết đến là một quốc gia với nền kinh tế hùng mạnh đứng thứ 3 thế giới. Đất nước “Mặt trời mọc” qua những câu chuyện kể đi vào tiềm thức cộng đồng quốc tế là một quốc gia có nhiều thiên tai và không được thiên nhiên ưu ái.

Dựa vào nhân tố con người là chủ yếu, Nhật Bản đang dần khẳng định với thế giới sức mạnh của con người, rằng con người có thể chế ngự thiên nhiên. Người Nhật không chỉ sở hữu trí tuệ vượt trội mà còn sở hữu một kho tàng văn hóa khổng lồ. Chính văn hóa là nền tảng tinh thần, góp phần khẳng định vị thế, nâng cao hình ảnh quốc gia, khẳng định vững chắc thêm cho vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Hiểu được điều đó, trong suốt chặng đường dài vừa qua, Nhật Bản không ngừng nỗ lực quảng bá văn hóa của mình ra khắp thế giới. Vậy Nhật Bản đã làm những gì cho hoạt động quảng bá văn hóa, hiệu quả của nó ra sao và hướng đi trong những năm tới về văn hóa của Nhật như thế nào, bài viết dưới đây sẽ đi sâu tìm hiểu những điều đó.

1. Những hoạt động quảng bá văn hóa Nhật trong quá khứ

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản là nước bại trận và phải chịu những hậu quả vô cùng nặng nề về kinh tế, xã hội. Để xóa bỏ hình ảnh của một cường quốc tham chiến, Nhật Bản đã dùng mọi nỗ lực để hướng đến một đất nước thân thiện, thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế về người Nhật và nước Nhật. Chính sách đầu tiên trong hoạt động quảng bá văn hóa Nhật là việc Nhật Bản gia nhập tổ chức UNESCO năm 1951. Củng cố văn hóa truyền thống trong nước, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh quảng bá nền văn hóa này ra nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến văn hóa truyền thống như trà đạo, Ikebana (Nghệ thuật cắm hoa). Những tờ rơi, tài liệu quảng cáo về Nhật Bản trong thời kì này thường in những hình ảnh nổi bật, tượng trưng cho đất nước Nhật Bản như núi Phú Sỹ, hoa anh đào…nhằm khơi gợi sự thân thiện của Nhật Bản và thu hút sự chú ý của công chúng về một nước Nhật với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình. Cũng trong giai đoạn này, Bộ Ngoại giao Nhật thường phát lịch Ikebana cho người dân và các tổ chức nước ngoài. Mọi nỗ lực trong hoạt động quảng bá văn hóa thời kì này của Nhật Bản nhằm khẳng định: Nhật Bản là một quốc gia tươi đẹp và xua đi nỗi ám ảnh của con người về một nước Nhật phát xít trong chiến tranh.

Núi Phú Sỹ là biểu tượng thiên nhiên hài hòa, thân thiện của người Nhật

Từ những năm 1960, sau sự thành công của Thế vận hội Tokyo năm 1964, hoạt động quảng bá văn hóa của Nhật Bản đã có sự chuyển hướng: Từ quảng bá về một nước Nhật thân thiện, hòa bình sang một nước Nhật với nền kinh tế tiên tiến và phát triển. Nền kinh tế Nhật trong giai đoạn này gặp phải vô vàn khó khăn từ các thị trường quốc tế. Hàng hóa Nhật bị cáo buộc làm rối loạn thị trường, Nhật bán phá giá hàng hóa….Để chống lại những chỉ trích đó, Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh chính sách quảng bá văn hóa nhằm xóa đi những hình ảnh tiêu cực về nền kinh tế nước nhà.

Cụ thể là trong thời kì này, Nhật Bản hướng đến quảng bá văn hóa Nhật với những nét mới, để chứng minh Nhật Bản như một thành viên tích cực của cộng đồng thế giới. Nhật Bản đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng bằng việc xây dựng các văn phòng và trung tâm văn hóa Nhật Bản ở các nước. Ví dụ như thành lập Hiệp hội tiếng Nhật cho người nước ngoài năm 1962, kí kết thỏa thuận trao đổi văn hóa với Nam Tư (1969) và Trung Quốc (1979), đẩy mạnh quảng bá thêm những nét văn hóa truyền thống là Kabuki và Noh. Vào năm 1972, Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế Nhật Bản được thành lập với nguồn vốn 20 tỷ yên, sau tăng lên 50 tỷ yên.

Với sự phát triển hưng thịnh của nền kinh tế, trong những giai đoạn sau năm 1980, Nhật Bản tiếp tục khẳng định quảng bá văn hóa là một trong 3 trụ cột chính trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Trong thời kì này, Nhật Bản trở thành quốc gia đứng đầu trong việc đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Khái niệm “Hợp tác văn hóa” bắt đầu đóng góp một phần quan trọng trong ngoại giao của Nhật Bản. “Hợp tác văn hóa” bao gồm các hoạt động như hỗ trợ quản lí nghệ thuật, hỗ trợ các quốc gia khác phát triển nghệ thuật biểu diễn sân khấu, hộ trợ các thiết bị sân khấu như âm thanh, ánh sáng… Có thể nói nền kinh tế phát triển đã tạo điều kiện rất lớn cho Nhật Bản thực hiện những hoạt động này. Nhật Bản cũng tạo một quỹ đặc biệt trong UNESCO trong những năm 1990 với mục đích bảo tồn các di sản văn hóa cho những nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, để giảm bớt những mối lo ngại của các nước Âu Mỹ về sự đe dọa của nền kinh tế Nhật, Chính phủ Nhật Bản đã sự dụng ngoại giao công chúng như một ước vọng về sự hình thành quan hệ đối tác của Nhật bản với cộng đồng quốc tế. Mong muốn này dẫn đến việc Nhật Bản thành lập Trung tâm Đối tác toàn cầu (CGP) năm 1992 để thúc đẩy việc giao lưu văn hóa Nhật Bản với các nước phát triển, cụ thể là Hoa Kỳ. (1)

2. Quảng bá Văn hóa Nhật Bản trong thời kì mới

Có thể nhận thấy trong quá khứ, Nhật Bản đã không ngừng nỗ lực trong hoạt động quảng bá văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết đề đất nước, con người Nhật, xua đi ác cảm về nước Nhật trong chiến tranh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Trong thời kì mới, Nhật Bản vẫn duy trì hoạt động này dưới nhiều hình thức khác nhau, vừa nhằm mục đích thúc đẩy nội bộ văn hóa Nhật Bản, vừa tăng cường đem văn hóa Nhật ra nhiều nước khác.

Những công cụ quảng bá văn hóa của Nhật Bản trong thời kì mới vô cùng da dạng, từ quảng bá văn hóa qua âm nhạc, điện ảnh, đến quảng bá thông qua du lịch, giáo dục…

3. Quảng bá văn hóa Nhật Bản qua phim ảnh, âm nhạc

Nhật Bản là một trong các nước có ngành công nghiệp điện ảnh lâu đời nhất thế giới với bộ phim đầu tiên được trình chiếu vào tháng 6/1899. Nền công nghiệp phim ảnh Nhật Bản tiếp tục phát triển và nhiều thế loại phim thực sự chinh phục công chúng trên thế giới. Những bộ phim Nhật gây tiếng vang lớn phải nhắc đến như Oshin, Memoirs of a Geisha, The Last Samurai…. Những bộ phim này đã đem đến cái nhìn về những nét văn hóa truyền thống của người Nhật với những biểu tượng của đất nước mặt trời mọc như những võ sĩ Samurai, những cô gái làng chơi Geisha…Một trong những đặc sản của điện ảnh Nhật phải kể đến là Anime (Phim hoạt hình Nhật). Công chúng nói chung, nhất là trẻ em trên toàn thế giới đều không thể quên tuổi thơ với những bộ phim Nhật nổi tiếng như Doraemon, Pokemon, Naruto Shippuden, One Piece, Inuyasha, Mộ Đom Đóm, Hàng xóm của tôi là Totoro…

Doraemon là nhân vật truyện tranh – hoạt hình nổi tiếng nhất của Nhật Bản

Những bộ phim hoạt hình Nhật Bản mô phỏng khá chân thực cuộc sống và tính cách của người Nhật. Đó là lối sống cởi mở, chan hòa, sống vì cộng đồng và đề cao tinh thần đoàn kết. Phim hoạt hình Nhật cũng có giá trị giáo dục rất cao khi dạy con người ta về cách sống, cách đối nhân xử thế và khơi dậy niềm tin để con người vượt qua mọi khó khăn. Trong một số phim Nhật, đời sống con người trong chiến tranh cũng được mô tả rất rõ, chân thực và cảm động. Mộ Đom Đóm là một trong những phim hoạt hình Nhật hay nhất khi lột tả chân thực cuộc sống của trẻ em Nhật trong nửa cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Đó là một cuộc sống chạy nạn, gia đình ly tán và những đứa trẻ buộc phải chiến đấu, nương tựa vào nhau để tồn tại.

Bộ phim khá nổi tiếng của hãng phim hoạt hình Ghibli – Hàng xóm của tôi là Totoro

Thành công của những bộ phim hoạt hình Nhật Bản không thể không nhắc đến hãng sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản là Ghibli. Ghibli được xem như Walt Disney của Nhật Bản với những bộ phim chiếm được cảm tình của công chúng. Những điều làm nên thành công của phim hoạt hình Nhật có lẽ là nội dung luôn hướng đến trẻ em, hình ảnh đẹp mắt, có thông điệp và mục đích rõ ràng. Hayao Miyazaki là một trong những người sáng lập ra hãng phim Ghibli cho rằng, những bộ phim hay không phải những bộ phim giáo điều mang tính giáo dục hay dọa dẫm, “Thay vì dạy dỗ cho trẻ em những vấn đề phức tạp và mệt mỏi của cuộc sống, tôi chỉ muốn chúng lớn lên thật lành mạnh. Tôi muốn làm những bộ phim khuyến khích những đứa trẻ tin vào cuộc sống tốt đẹp”

Có lẽ xuất phát từ tư tưởng đó mà chúng ta biết đến một Doraemon với những người bạn tốt bụng, một Chihiro nhỏ bé nhanh nhẹn trong Spirited Away, một Totoro hiền lành, đáng yêu….Nhật Bản thông qua những bộ phim hoạt hình nổi tiếng đã đem đến cho bạn bè khắp thế giới cái nhìn thân thiện về con người Nhật Bản, về triết lí sống cao đẹp, đề cao tính cộng đồng, tình đoàn kết và mang đậm những bài học nhẹ nhàng, quý giá.

Đối với âm nhạc, chính sách quảng bá văn hóa Nhật Bản có nhiều điểm lưu ý. Nhật có lẽ chú trọng nhiều hơn vào âm nhạc truyền thống hơn là hiện đại. Do sức cạnh tranh rất lớn và sức ảnh hưởng không thể lật đổ của âm nhạc hiện đại Hàn Quốc mà thị trường âm nhạc hiện đại Nhật có lẽ hơi im ắng. Thay vào đó, Nhật Bản đẩy mạnh giao lưu âm nhạc truyền thống với nhiều chương trình nhạc hội tại nước ngoài, những ngày hội Văn hóa Nhật Bản nhằm quảng bá những nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Nhật đến bạn bè quốc tế.

Để thực hiện những hoạt động trên, Chính phủ Nhật đã hỗ trợ cho Japan Foundation trong việc đem âm nhạc, phim ảnh của Nhật ra thế giới. Cụ thể là vào năm 2014, Chính phủ đã đầu tư khoảng 13.786 triệu Yên cho Japan Foundation để duy trì hoạt động đồng thời tạo điều kiện cho những nhà báo nước ngoài tới thăm những đơn vị sản xuất anime, tổ chức các cuộc trưng bày, giới thiệu về anime và manga, tổ chức các cuộc thi và các giải thưởng về anime và manga, tổ chức liên hoan phim Nhật ở một số nước trên thế giới. Quỹ Cool Japan của Nhật Bản cũng đầu tư khoảng 3,7 triệu USD để quảng bá văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài, trong đó bao gồm việc tài trợ cho việc mở các trường đào tạo họa sĩ anime và nghệ sĩ lồng tiếng tại 12 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á. (2)

4. Quảng bá văn hóa thông qua du lịch

Đây được coi là một phần không thể thiếu trong chiến dịch quảng bá văn hóa Nhật Bản. Nhật Bản là một nước có nhiều cảnh sắc thiên nhiên phong phú, ẩm thực, văn hóa, phong tục và nghệ thuật dân gian Nhật cũng là những trải nghệm lí thú đối với du khách. Để tiến hành xúc tiến du lịch sâu và rộng, Nhật Bản đã tham gia hầu hết các hội trợ quốc tế về du lịch như: ITE Hồng Kông (Trung Quốc), KOTFA Hàn Quốc, ITF Đài Loan (Trung Quốc), NASTAS Travel (Singapore), WTM Anh…, qua các hội trợ này, khách tham quan được cung cấp thêm những thông tin về du lịch Nhật Bản.

Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) đã thiết lập mối quan hệ với nhiều cơ quan báo chí, truyền hình nước ngoài nhằm hỗ trợ quảng bá du lịch Nhật Bản, đồng thời cho ra mắt nhiều ấn phẩm giới thiệu về Nhật Bản như: Your Guide To Japan (Tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc…), Japan Images & Reflections (Tiếng Anh, tiếng Pháp), Your Traveling Companion (Tiếng Anh, tiếng Trung)….

Tổ chức truyền thông qua các văn phòng đại diện của Nhật Bản ở nước ngoài cũng là một trong những hoạt động quảng bá du lịch Nhật Bản. Cho đến nay, JNTO đã thiết lập 15 chi nhánh ở các thị trường trọng điểm như Seoul, Bắc Kinh, Hồng Kông, Sydney, Luân Đôn, New York, Chicago…

Coi văn hóa ẩm thực như một khía cạnh thu hút nhất của du lịch, tại các hội trợ xúc tiến, JNTO cũng tổ chức giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của Nhật Bản như trà đạo, Sushi, Shasimi, đồng thời tiến hành chụp ảnh, sản xuất các clip, các phim tư liệu giới thiệu những món ăn truyền thống Nhật Bản đến du khách. (3)

Sushi là một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng nhất của người Nhật

5. Các hoạt động khác

Bên cạnh những hoạt động trong xúc tiến giải trí, du lịch, Nhật còn đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm văn hóa. Theo thống kê, hằng năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Nhật Bản đạt 4600 tỷ Yên (58 tỷ USD), trong đó các sản phẩm truyện tranh, hoạt hình chiếm thị phần lớn. Chính phủ Nhật đạt mục tiêu tăng gấp đôi sức đóng góp của các mặt hàng văn hóa phẩm cho nền kinh tế lên 11000 tỷ Yên vào năm 2020.

Tạm kết

Để xây dựng được vị thế là một cường quốc như hiện nay, Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều chiến dịch quảng bá văn hóa. Có thể thấy đây là một nỗ lực rất lâu dài, từ quá khứ đến hiện tại nhằm cải tiến và đem lại một cái nhìn mới mẻ, lạc quan, đáng tin cậy trong lòng bạn bè thế giới. Nhật Bản là nước chịu nhiều thiên tai và không được tự nhiên ưu ái, thế nhưng chính nhân tố con người, trong đó đặc biệt là văn hóa, tri thức đã đem nước Nhật trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những cường quốc hùng mạnh, về cả kinh tế, chính trị lẫn văn hóa, xã hội. Chắc chắn với những chiến dịch như bây giờ, Nhật Bản sẽ còn tiến xa hơn nữa, và ánh hào quang trong văn hóa, con người Nhật Bản sẽ khó bị dập tắt trong cả hiện tại lẫn tương lai.

Thùy Trang

Trích nguồn:

  1. http://vanhoa.gov.vn/articledetail.aspx?articleid=21074&sitepageid=609#sthash.ElQHZRHy.dpbs
  2. Nghiên cứu: “Điện ảnh như một công cụ của ngoại giao văn hóa: Trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc” – NCS Lư Thị Thanh Lê – Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc Gia Hà Nội
  3. http://www.inas.gov.vn/727-hoat-dong-xuc-tien-du-lich-thu-hut-khach-quoc-te-cua-nhat-ban.html