ADSOTA ra mắt báo cáo Thị trường Quảng cáo di động và tình hình App Monetization Việt Nam 2018

Ngày 23/01, Báo cáo Thị trường Quảng cáo di động và Tình hình App Monetization Việt Nam, Số Đặc Biệt - Mùa Lễ Hội 2018 đã được Adsota phát hành chính thức.

Báo cáo tổng hợp các thông tin, số liệu về ngành quảng cáo di động, ứng dụng di động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, đặc biệt hữu ích với các nhà phát triển, phát hành ứng dụng di động, các Tech Startup cũng như những người làm mobile marketing.

Các nội dung chính của báo cáo bao gồm:

  • Số liệu nổi bật về thị trường di động Việt Nam
  • Hành vi sử dụng điện thoại thông minh của người Việt trong dịp Tết Âm Lịch
  • Tình hình quảng cáo di động và trên nền tảng ứng dụng tại Việt Nam trong dịp Tết Âm Lịch
  • So sánh tình hình quảng cáo di động tại Việt Nam so với các quốc gia đón Tết Âm Lịch khác trong khu vực
  • Một số ngày lễ Quốc tế quan trọng mà nhà phát triển, phát triển ứng dụng di động, những người làm mobile marketing cần quan tâm.

Mùng 1 Tết, người Việt tải hàng loạt ứng dụng về điện thoại để “khai xuân”

Trong kỳ nghỉ lễ chính thức Từ 29/12 đến Mùng 6/1 Âm Lịch, Mùng 1 Tết là ngày mà người dùng Việt “khai xuân” bằng việc tải ứng dụng về di động của mình, là ngày ghi nhận lượt tải cao nhất. Tuy nhiên, chỉ ngay khi bước sang ngày mùng 2 Tết, con số này lại giảm tới gần 35%.

Điều này không hẳn là quá khó hiểu khi người dùng Việt vừa được coi là những user tích cực tải ứng dụng mới hàng tháng nhất, nhưng đồng thời cũng gỡ bỏ nhiều ứng dụng nhất khi xét trên toàn Thế giới.

Nghỉ lễ, người người vẫn lo nghĩ về công việc nhưng giải trí lại là ưu tiên hàng đầu

Vào dịp nghỉ lễ Tết 2018, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đáng ngạc nhiên là các ứng dụng liên quan đến hỗ trợ công việc hay thuộc danh mục Cải thiện hiệu suất, quản lý công việc (Productivity) và Công cụ (Tools - Utility) lại có tỉ lệ tải và cài đặt cao nhất, lên đến khoảng 42% tổng số lượt tải app trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Điều này cho thấy người dùng vẫn chưa thực sự thoát khỏi guồng quay của công việc dù là trong kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, dù tải rất nhiều ứng dụng nhằm hỗ trợ công việc, học tập giai đoạn trước và trong Tết, nhưng người dùng di động lại dành tới hơn 70% thời gian sử dụng điện thoại để nghe nhạc, xem video, nhắn tin, cập nhật tin tức từ mạng xã hội và chơi game, đặc biệt là thể loại game Arcade (ví dụ như Angry Bird, Subway Surfers, Piano Tiles…) và các game bài nói chung; thay vì sử dụng các ứng dụng phục vụ công việc đã tải về từ trước đó.

Các nhà quảng cáo toàn cầu “phát sốt” vì Việt Nam và Trung Quốc trong Tết Âm Lịch

Dù không phải là những quốc gia duy nhất đón Tết Âm Lịch, nhưng người dân tại 2 nước Việt Nam và Trung Quốc được hưởng hơn 1 tuần nghỉ lễ, và cũng là kì nghỉ dài nhất trong năm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cũng chính vì thế, Việt Nam và Trung Quốc là tâm điểm của các nhà quảng cáo toàn cầu trong giai đoạn này.

Trong 7 ngày Tết, nhu cầu quảng cáo toàn cầu liên tục đổ về, tạo ra in-app ads request (số yêu cầu quảng cáo hiển thị trong ứng dụng) tại Trung Quốc tăng 35% so với các ngày bình thường khác của tháng 1 và 2. Mức tăng trưởng của Việt Nam xếp thứ 2 chỉ sau đất nước tỉ dân với mức tăng 32%. 2 thị trường xếp thứ 3 và 4 là Đài Loan (tăng 16%) và Singapore (tăng 14%).

Nhờ Tết Âm, nền quảng cáo di động Việt Nam “thăng hoa”, vượt cả Nhật Bản, Hàn Quốc

Cũng trong giai đoạn này, các nền tảng quảng cáo toàn cầu đều ghi nhận Việt Nam đạt được chỉ số eCPM (doanh thu từ quảng cáo trên ứng dụng di động) vô cùng ấn tượng. Về tương quan, trong nhóm các nước đón Tết Âm Lịch, doanh thu quảng cáo trên ứng dụng di động tại Việt Nam gấp 2.22 lần Nhật Bản, gấp 1.7 lần Hàn Quốc, và gấp 1.3 lần so với Malaysia.

Tết Âm Lịch không còn là ưu tiên số một với nhiều nhà phát hành ứng dụng trong nước. Tại sao?

3 năm gần đây là khoảng thời gian cực kỳ thành công với nhiều ứng dụng “Made in Vietnam” tại thị trường Quốc tế. Trong số các thị trường mà ứng dụng Việt đã “xuất khẩu” thành công nhất, người dùng từ Ấn Độ chiếm 13%, Mỹ chiếm 11%, Brazil 8%, Indonesia là 6%.

Về mặt doanh thu, lợi nhuận từ thị trường Mỹ đóng góp tới 20% tổng doanh thu Quốc tế của ứng dụng Việt. Theo sau là các thị trường phát triển khác như Úc (5%), Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc (3%).

Thế nên, cũng là lẽ dĩ nhiên khi mà các nhà phát triển, phát hành ứng dụng, những người làm mobile marketing Việt đã bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn đối với các “ngày Lễ phi truyền thống khác” như Black Friday (tháng 11), Giáng Sinh, hay thậm chí là - trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (Super Bowl).

Để xem chi tiết bản Báo cáo Thị trường Quảng cáo di động và Tình hình App Monetization Việt Nam, Số Đặc Biệt - Mùa Lễ Hội 2018, bạn đọc có thể tải về tại: http://bit.ly/slide_report_holiday2018.