Lựa chọn của các doanh nghiệp thời trang Việt khi ao làng hoà vào dòng chảy đại dương

Khi mà Việt Nam đang bước vào giai đoạn nước rút trong việc đàm phán ký kết hiệp định TPP như hiện nay thì vấn đề hội nhập không còn là một câu hỏi dạng có-nên-hay-không nữa. Mà nó đã trở thành một vấn đề cấp thiết đặt ra trước mắt các doanh nghiệp.
Trước đây, giới chuyên gia luôn khuyên doanh nghiệp nên làm "con cá nhỏ giữa đại dương lớn còn hơn làm cá mập trong ao làng”. Còn bây giờ bất kể là cá gì nếu không sẵn sàng hoà mình vào dòng biển lớn thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ khó lòng giữ được chỗ đứng trên chính sân chơi của mình. Thực tế sau khi gia nhập WTO hàng hoá các nước đã ồ ạt tràn vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau như nhập khẩu, phân phối qua đại lý, sản xuất và tung ra thị trường dưới hình thức các liên minh liên kết,… Thậm chí, trong khoảnh thời gian 2-3 năm trở lại đây thị trường kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng và thời trang còn nở rộ bởi hình thức xách tay, kinh doanh online. Chỉ tính riêng ngành thời trang thì ngày nay người tiêu dùng sẽ chỉ phải chờ từ 5 - 7 ngày để sở hữu ngay những mẫu thời trang mới nhất từ các thương hiệu bình dân như Zara, Top Shop, H&M cho tới các dòng high-end như Dior, Tom Ford, Louboutin. Trái ngược với mức giá không mấy dễ chịu và tốc độ cập nhật mẫu mã chậm chạp tại các store tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, khi mà Việt Nam chính thức kí kết hiệp định TPP với các nước thì hai nhược điểm nêu trên chắc chắn sẽ được khắc phục nhanh chóng. Đặc biệt là sẽ ngày càng có nhiều thương hiệu chính thức bước chân vào sân chơi của chúng ta. Và cũng không lâu nữa để người tiêu dùng có thể trực tiếp tới các store, outlet để mua sắm những sản phẩm thời trượng với mức giá hợp lý (với mức thuế 0%) mà không phải order qua các tiểu thương nhỏ lẻ nữa. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là liệu các Công ty thời trang may mặc Việt Nam đã chuẩn bị tâm lý chiến đấu sẵn sàng hay chưa? Chỉ tính riêng việc cạnh tranh trên chính sân nhà thôi đã muôn phần khó khăn chứ nói gì tới chuyện đem chuông đi đánh xứ người. Trong khi quy định của TPP là để được hưởng mức thuế xuất 0% thì các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải đáp ứng được điều kiện là mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi” đều phải gán mác “made in Viet Nam” hoặc các nước trong nhóm TPP.
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm may mặc mà chúng ta vẫn tự hào với dòng chữ “made in Viet Nam” được xuất sang thị trường thế giới hiện nay vẫn chỉ là những sản phẩm được gia công tại Việt Nam và mức lợi nhuận thu về cũng chỉ quanh quẩn đâu đó 1% trên giá trị sản phẩm. Vậy thì tới đây khi nước biển lớn ồ ạt tràn vào ao làng thì tương lai nào sẽ dành cho các doanh nghiệp thời trang Việt? Lúc đó người tiêu dùng sẽ chọn Zara, Top Shop, H&M, Top Man hay Ninomaxx, Blue Exchange, PT 2000, Canifa? Những thương hiệu thời trang kể trên đều đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường, nguồn lực lớn cả về tài chính và nhân sự, có danh tiếng và mức độ am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt nhất định nhưng lại chưa tận dụng triệt để những tiềm năng ấy để đẩy mạnh giá trị thương hiệu. Tính tới thời điểm hiện tại thì hầu hết những doanh nghiệp này đều đã bước qua thời kì hoàng kim của mình (ngoại trừ Canifa). Họ vẫn đang duy trì hoạt động kinh doanh tốt nhưng đó là do thị trường nước ta chưa có một cú hích lớn từ ngành công nghiệp thời trang tiên tiến của các nước với những thương hiệu có tốc độ thay đổi mẫu mã được tính theo ngày, những chiến dịch Marketing quy mô bài bản và những câu chuyện thương hiệu được cả thế giới trầm trồ ngưỡng mộ. Và để giữ vững được miếng bánh thị phần của mình các doanh nghiệp thời trang Việt sẽ cần nghiêm túc suy nghĩ về việc chăm chút cho thương hiệu mình chứ không chỉ đơn thuần là làm sao để hôm nay bán được nhiều hơn hôm qua vài trăm mẫu quần áo nữa.
Vấn đề cốt lõi của các doanh nghiệp thời trang Việt không phải là thiếu tham vọng, hay hạn chế hiểu biết trong vấn đề hội nhập. Đơn cử như ông Nguyễn Hữu Phụng (người sáng lập của thương hiệu Ninomaxx) đã từng thẳng thắn thể hiện quan điểm tiến bộ về hội nhập và tiến ra thị trường thế giới cách đây hơn 10 năm "Xu thế hội nhập đang là hiện thực, chỉ trong vài năm nữa, tất cả các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới sẽ tràn vào Việt Nam. Nhưng mặc dù vậy tôi vẫn sẽ chứng minh cho họ biết rằng: ở Việt Nam còn có Ninomaxx. Ninomaxx sẽ dẫn đầu thị trường thời trang trong nước và trong tương lai là của khu vực”. Và đó không chỉ là những lời nói xuông khi từng có thời điểm Ninomaxx chi ra mấy trăm ngàn USD để mở cửa hiệu đầu tiên tại Mỹ nhưng đáng tiếc do hạn chế về nguồn lực và sự am hiểu thị trường nên họ đã phải rút lui về nước chỉ sau vài tháng kinh doanh. Sự thiếu sót của rất nhiều thương hiệu Việt chính là một kế hoạch xây dựng thương hiệu bài bản. Không ít thương hiệu sở hữu một "câu chuyện” hay nhưng họ lại chưa tìm được “người kể chuyện” thích hợp để truyền đạt tư tưởng và tinh thần đến trái tim khách hàng. Bởi ngày nay, khách hàng sẽ không lựa chọn và trung thành với doanh nghiệp của bạn chỉ vì sản phẩm đẹp mắt, chất lượng cao hay dịch vụ tốt mà họ còn đặc biệt quan tâm tới một thứ vô hình nhưng lại chiếm vị trí quan trọng trong quá trình ra quyết định mua hàng - thương hiệu.
Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ không bình chân chờ đợi được lâu nữa khi mà thế giới ngày càng trở nên phẳng như mà hình LCD và cuộc cạnh tranh càng trở nên khốc liệt do sân chơi không thể rộng ra mặc dù các thương hiệu mỗi ngày đều mọc lên như nấm. Vì vậy, hãy kể một câu chuyện hay đằng sau ý nghĩa thương hiệu bên cạnh việc đầu tư cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Và biết đâu đấy, một ngày nào đó chúng ta sẽ có một con cá mập bơi từ Việt Nam ra đại dương thế giới thì sao?