Thương hiệu hay Con người

Tôi đã có may mắn được học thương hiệu từ người thầy tuyệt vời nhất, được đọc những quyển sách tuyệt hay, được giao lưu chia sẻ với những doanh nhân vô cùng tài giỏi. Nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi mình một câu: “Từ đâu mà con đường xây dựng và phát triển thương hiệu lại như vậy, tại sao nó có vẻ cao siêu, mà lại gần gũi như thể tôi từng được nhìn thấy đâu đó trong cuộc sống. Liệu nó cao siêu thật hay chỉ là một việc đơn giản mà ai cũng có thể làm?”

Sau rất nhiều nỗ lực nghiên cứu và chắt lọc từ vô số những trải nghiệm thực tế trong nhiều năm làm nghề, dường như tôi đã tìm được câu trả lời cho riêng mình.

1. Thương hiệu cũng như con người, cần một cái tên

Một cậu bé vui chơi tung tăng trong công viên. Nó dễ thương quá khiến tôi muốn gọi nó lại để cho một cái kẹo. Nhưng tôi chẳng biết phải gọi nó là gì ngoài câu thân thuộc: “bé ơi...”. Thế là nó cứ tiếp tục tung tăng chạy nhảy, mặc xác tôi, bởi vì xung quanh có bao nhiêu cậu bé, ai biết tôi đang gọi ai?

Nếu không có một cái tên thì khi một khách hàng tin dùng muốn gọi bạn hay nhắc tới bạn, họ cũng sẽ chỉ nói: “có một cái sản phẩm tên là gì đó tôi cũng không rõ, được bán ở chỗ...”. Cơ hội để bạn được nhắc đến chấm dứt từ đó.

2. Thương hiệu cũng như con người, cần có nhân dạng

Bạn sinh ra trên đời này có một khuôn mặt, một vóc dáng, một thân hình mà ông trời ban tặng. Cho dù bạn xấu hay đẹp, cao hay thấp, béo hay gầy, nhân dạng của bạn là độc nhất, và những người gặp bạn trong đời sẽ nhớ đến bạn với hình dáng, khuôn mặt đầu tiên, chứ không phải là những gì ẩn chứa bên trong. Rõ ràng đấy cũng là lý do mà trong danh bạ của di động người ta cho chúng ta chức năng lưu hình ảnh.

Thử tưởng tượng thương hiệu không có những nhận diện rõ ràng, thì cũng chẳng khác gì bạn là một người không có khuôn mặt, không có vóc dáng, chẳng có một cách nào để người khác có thể ghi nhớ được. Nhận diện đó đẹp, hay xấu là một câu chuyện khác, nhưng chí ít thì phải có để được nhớ tới.

3. Thương hiệu cũng như con người, cần có điểm khác biệt

Mỗi khi tôi tới chỗ đông người, với khát vọng được giao lưu, được nhiều người biết tới và nhớ tới hơn, tôi luôn phải nghĩ trong đầu: “ở chỗ này có bao nhiêu người, họ là những ai, họ có cái gì rồi, liệu mình có thể làm điều gì khác biệt để họ nhớ tới mình?”. Tôi không muốn đụng hàng với một ai khác, tôi cũng không muốn đi theo lối mòn của người khác vì nếu chỉ như vậy chẳng có một cơ hội nào cho tôi được để ý tới. Cũng dễ hình dung khi bạn chẳng có điểm nhấn gì ấn tượng, và khi bạn ra về vẫn chỉ có nụ cười trên môi và một lời chào lặng lẽ.

Trong thị trường có vô vàn sản phẩm dịch vụ cạnh tranh, cũng giống như bạn đến với một đám đông mà thôi. Không điểm nhấn, không ấn tượng, không điểm khác biệt có nghĩa là bạn sẽ đến, và đi như một làn gió nhẹ vô danh.

4. Thương hiệu cũng như con người, cần có tính cách

Cha mẹ sinh ra bạn trên cuộc đời này có những tính cách rõ ràng. Đó là phương tiện để bạn giao tiếp, sinh sống, hòa nhập xã hội... Khi nhớ đến bạn, ngoài bề ngoài và những đặc điểm nhận dạng, người ta sẽ nhớ tới tính cách, để nhớ bạn hay nói câu chuyện gì, đóng góp những giá trị gì, đóng vai trò gì trong các mối quan hệ...

Thương hiệu không có tính cách cũng sẽ có kết cục tương tự như con người không có tính cách. Chỉ là hình bóng, và quá sức nhạt nhòa để được nhớ tới lâu dài hay có chỗ đứng nhất định trong tâm trí của khách hàng.

5. Thương hiệu cũng như con người, cần có triết lý sống

Mỗi người trong chúng ta khi hết tuổi vô âu vô lo, đều có những triết lý sống cho riêng mình. Để vươn tới, để làm tôn chỉ cho cuộc sống, sự nghiệp, để không sống một cách vô nghĩa, và để đóng góp những giá trị cho xã hội. Thử tưởng tượng một con người không có triết lý sống, sẽ không khác gì chiếc lá trôi giữa dòng sông, phó mặc cho dòng nước xô đẩy đến đâu tính đến đó.

Thương hiệu không có triết lý sẽ như đứa trẻ ngu ngơ chưa định hình tương lai, cuộc sống, vui đâu chầu đấy, không chính kiến, không vị thế. Con người được tôn trọng khi có triết lý đúng đắn, và thương hiệu cũng sẽ được tôn trọng khi có triết lý giá trị cho xã hội.

6. Thương hiệu cũng như con người, cần có định vị

Nếu con người sinh ra không có chỗ đứng, bạn sẽ thật nhạt nhòa, giống như một giọt nước nằm trong bể nước. Chỗ đứng đem lại cho bạn vị thế, giá trị, sự trân trọng trong xã hội. Chỗ đứng giúp bạn được nhớ tới khác với những người khác đứng xung quanh, và cũng khác với chỗ đứng của những người khác. Chỗ đứng càng cao, càng dễ được nhớ tới.

Thương hiệu không có chỗ đứng sẽ lững lờ trôi trên thị trường, giống như bao sản phẩm dịch vụ khác, chìm nghỉm giữa đám đông không dấu vết, và quá khó để được ngó ngàng tới. Kết cục là một vòng đời nhàm chán, và cuối cùng trôi vào dĩ vàng mà không đem theo nổi một dấu phẩy trong lịch sử.

7. Thương hiệu cũng như con người, cần có giao tiếp

Con người giao tiếp trong xã hội để mở mang, để kết nối, để tạo ra giá trị và đóng góp giá trị. Con người không giao tiếp giống như pho tượng, đứng đó để người ta ngắm nhìn, rồi cứ đứng đó mãi, chẳng có gì thay đổi năm này qua năm khác. Một cuộc sống hư vô.

Thương hiệu không có giao tiếp (truyền thông, tiếp thị, tương tác,...) cũng sẽ đứng đó chết lặng, đợi chờ dòng đời xô đẩy. Sẽ không có phát triển, không được biết tới, không được nhớ tới, và cũng sẽ chẳng đóng góp được giá trị gì cho đời. Giống như một người tù, thương hiệu sẽ ngồi đó mòn mỏi bóc từng cuốn lịch, từng cuốn một.

8. Và...

Còn vô vàn điểm mà tôi có thể kể ra đây nữa, nhưng có lẽ như thế cũng là đủ để trả lời cho câu hỏi của tôi. Tôi đã tự hỏi mình: “Tại sao chúng ta phải xác định cho thương hiệu nhận diện, tính cách, định vị, triết lý,...?” Và câu trả lời của tôi là: “Cứ coi thương hiệu là một con người, và hãy xây dựng dựng thương hiệu như bạn nuôi dạy một con người vậy thôi”.

Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi luôn cố gắng để được nhiều người biết tới hơn qua các hội nhóm, tập thể, để được ghi dấu sự khác biệt của mình trong tâm trí những người xung quanh, để khẳng định giá trị của mình với những người cần tới và hơn tất cả là để có một cuộc sống đáng để tồn tại.

Chắc bạn cũng như tôi, và nếu bạn là một thương hiệu, bạn sẽ làm gì để được nhớ tới, để có chỗ đứng trong tâm trí khách hàng? Hãy cứ làm cho thương hiệu như những gì bạn sẽ làm cho cuộc đời của mình.

Bởi vì..

Thương hiệu cũng như con người, cần có một cuộc đời!