Đánh giá hiện trạng thương hiệu bằng 5 câu hỏi

Là chủ doanh nghiệp, chắc hẳn sẽ có đôi lúc bạn thắc mắc và tự đặt ra những câu hỏi về việc nhận biết thương hiệu của chính doanh nghiệp mình, đại loại như: “thương hiệu của doanh nghiệp như thế nào so với đối thủ cạnh tranh? khách hàng đánh giá thế nào về thương hiệu của công ty mình? làm thế nào đo lường mức độ yêu mến thương hiệu của khách hàng? hình ảnh thương hiệu hiện tại đã phù hợp hay chưa? nhân viên nghĩ gì về hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp? Nếu như bạn là chủ doanh nghiệp, nhưng chưa bao giờ bạn giải đáp được những câu hỏi này hoặc thậm chí là chưa từng nghĩ về nó, vậy thì đã đến lúc bạn cần thay đổi.

Đánh giá hiện trạng thương hiệu cần được thực hiện thường xuyên và được xem là điều cần thiết giúp doanh nghiệp kiểm soát quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu từ đó có những biện pháp điều chỉnh cần thiết và kịp thời. Hãy cùng Bigsouth đánh giá hiện trạng thương hiệu của doanh nghiệp bằng 5 câu hỏi dưới đây nhé.

CÂU HỎI 1: TẦM NHÌN, SỨ MỆNH, GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ?

Một thương hiệu không có tầm nhìn cũng giống như một người khiếm thị, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tầm nhìn thương hiệu được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ thông điệp tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị tư tưởng hay đạo đức, trách nhiệm xã hội (CSR) hay cụ thể hơn như một bài hát tập thể chung của công ty, một khẩu hiệu hành động,… tất cả đều góp phần xây dựng và thông đạt tầm nhìn thương hiệu hay tầm nhìn doanh nghiệp đến với hai nhóm đối tượng, bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Công việc đầu tiên là bạn cần nhìn lại những giá trị mà bạn đã đề ra ban đầu khi thành lập doanh nghiệp. Việc hiểu rõ giá trị mà mình theo đuổi là điều kiện tiên quyết để so sánh xem liệu những nỗ lực trong thời gian qua có giúp bạn đi đúng hướng.

CÂU HỎI 2: LOGO HIỆN TẠI CÓ THỰC HIỆN ĐƯỢC SỨ MẠNG THƯƠNG HIỆU ?

Logo có sứ mạng miêu tả những giá trị và mục tiêu mà công ty của bạn theo đuổi. Bạn phải chắc chắn rằng những mục tiêu và giá trị đó được thiết lập một cách rõ ràng trước khi bạn đầu tư vào việc tìm kiếm một nhà thiết kế logo.

Biết rõ về thông điệp bạn muốn truyền tải thông qua thương hiệu, để logo của bạn phản ánh rõ ràng thông điệp đó. Chính bạn cần tạo nên mối liên kết mạnh mẽ giữa thương hiệu và logo. Nhưng đừng quên rằng, logo chỉ là một phần của chiến lược thương hiệu.

Nếu bạn tự thiết kế logo nhằm tiết kiệm chi phí, phải bảo đảm những nỗ lực thiết kế của bạn được thị trường “kiểm định”. Chắc chắn rằng logo bạn chọn không lỗi thời mà có thể sử dụng hiệu quả năm này qua năm khác. Nên nhớ đó là cách người tiêu dùng nhận biết công ty của bạn.

Thương hiệu vững vàng và một chiến lược thương hiệu mạnh sử dụng thiết kế để truyền đạt thông điệp nhằm thu hút khách hàng mục tiêu mà bạn nhắm đến – một thông điệp tạo ra sự vững vàng cho thương hiệu của bạn bằng cách tạo khác biệt giữa bạn với những đối thủ cạnh tranh.

Liệu logo của bạn có thể thực hiện được sứ mạng đó? Nếu câu trả lời của bạn là không, thì có lẽ giờ chính là lúc bạn quan tâm đến việc củng cố chiến lược thương hiệu của bạn và tìm một mẫu logo mới để tái định vị lại hình ảnh công ty trong tâm trí người tiêu dùng.

CÂU HỎI 3: CẢM NHẬN VỀ THƯƠNG HIỆU CỦA NHÂN VIÊN RA SAO?

Nhân viên được xem là đại sứ thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến suy nghĩ của họ và cần cho họ hiểu về giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Rõ ràng doanh nghiệp sẽ rất khó làm khách hàng hài lòng nếu như những người trực tiếp tạo nên những trải nghiệm hài lòng cho khách hàng lại cảm thấy không hài lòng.

Do vậy, để có những đại sứ thương hiệu ấy, trước tiên doanh nghiệp phải tạo sự hài lòng cho nhân viên và cho họ hiểu về giá trị của thương hiệu. Điều tra cảm nhận của nhân viên doanh nghiệp là một bước nhằm mục đích tìm hiểu xem những người làm việc trong doanh nghiệp liệu có hiểu về triết lý và giá trị doanh nghiệp theo đuổi hay không.

CÂU HỎI 4: CẢM NHẬN VỀ THƯƠNG HIỆU CỦA KHÁCH HÀNG ĐỐI TÁC RA SAO?

Yếu tố then chốt để xây dựng một thương hiệu thành công là sự cảm nhận (feeling) của khách hàng hay đối tác về chính thương hiệu đó. Xây dựng thương hiệu không phải là cái bạn muốn làm với sản phẩm, mà là cái bạn muốn làm trong tâm trí khách hàng. Công việc này nhằm tìm hiểu xem nhận diện thương hiệu và hành vi thương hiệu liệu có nhất quán trong tâm trí những đối tượng đề cập trên hay không.

CÂU HỎI 5: NỀN TẢNG THƯƠNG HIỆU ĐỀ RA BAN ĐẦU CÓ CÒN PHÙ HỢP?

Sau khi thu thập những dữ liệu từ 4 câu hỏi ở trên, doanh nghiệp cần phân tích, đánh giá để thấy rằng liệu nền tảng thương hiệu ban đầu của doanh nghiệp đã đi đúng hướng hay chưa? có nên thay đổi để cải thiện nhằm phát huy hiệu quả trong thời gian tới, việc thay đổi nên được áp dụng với triển khai hành vi thương hiệu hay là với giá trị nền tảng ban đầu?

Qua bài viết này, Bigsouth hy vọng bạn có thể tìm thấy những thông tin hữu ích trong việc đánh giá và điều chỉnh chiến lược thương hiệu sao cho hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Blog.bigsouthbrand.com