Marketer Mr. K
Mr. K

Marketing manager @ Star Galaxy

05 Kỹ năng giúp bạn thực hiện "Tiết mục điểm nhấn - Key Moment"

Các tiết mục điểm nhấn - hay còn gọi là Key Moment thường là màn biểu diễn ấn tượng nhất trong các sự kiện ra mắt sản phẩm mới, hay những sự kiện thương hiệu. Mục tiêu của tiết mục điểm nhấn này là gây ấn tượng với đám đông khán giả, khiến khán giả nhớ mãi thông điệp mà tiết mục đó truyền tải - hay thực ra đó cũng chính là mục tiêu lớn nhất của cả sự kiện. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ 05 Kỹ năng và cũng là quá trình xây dựng một "Tiết mục điểm nhấn - Key Moment" trong một sự kiện ra mắt sản phẩm mới hay sự kiện phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

(Bài viết lấy cảm hứng từ Case Study tiết mục ra mắt sản phẩm Thẻ Premium của Viettinbank - Do Công ty Veba Group tổ chức sản xuất.)

1. Kiến thức về Marketing/Branding

Đầu tiên người này phải có kiến thức vững về Marketing & Branding, những kiến thức này đảm bảo nội dung màn trình diễn đi đúng theo hướng mà thương hiệu mong muốn, phù hợp với sản phẩm, thu hút đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.

Nếu không nắm vững những kiến thức này, thì EventProf sẽ rất khó khăn để tạo ra một sản phẩm ưng ý… Dù bạn có một màn trình diễn ấn tượng đến đâu, hấp dẫn cỡ nào nhưng lại không thể truyền tải đúng nội dung, thông điệp và đạt được mục tiêu của thương hiệu, thì màn trình diễn đó coi như không có giá trị.

2. Khả năng Sáng tạo

Sáng tạo là điều rất cần thiết để tạo ra những màn trình diễn xuất sắc. Vì sao khán giả lại ấn tượng với màn trình diễn này? Đơn giản bởi vì những điều họ nhìn thấy là những điều mà họ chưa nghĩ đến, không nghĩ ra được hoặc chưa thấy bao giờ!

Khi nhận được yêu cầu từ khách hàng hay sếp của bạn: “Phải làm một điều gì đó khác biệt để truyền tải thông điệp”. Việc đầu tiên là phải cho ra được những ý tưởng độc đáo, sau đó sẽ thiết kế lại ý tưởng này sao cho phù hợp với điều mà bạn mong muốn truyền tải đằng sau màn trình diễn.

3. Kinh nghiệm & hiểu biết về nghệ thuật/công nghệ.

Ý tưởng độc đáo là một điều tốt rồi, nhưng nó sẽ chẳng là cái gì cả nếu như không thể thực hiện nổi. Bạn phải am hiểu và có kinh nghiệm thật nhiều về nghệ thuật, update các công nghệ kỹ thuật mới để áp dụng nó vào những ý tưởng trình diễn.

Việc liên tục phải tư duy làm thế nào để biến những ý tưởng điên rồ thành sự thật đôi khi lại khiến bạn trở nên thật thiếu sáng tạo. Nhưng đâu đó vẫn có những người cân bằng được hai việc đó: Sáng Tạo & Kinh Nghiệm!!! Và chỉ khi cân bằng được điều này, bạn mới xứng đáng là một EventProf.

4. Kỹ năng lập kế hoạch, quản lý & tổ chức

Bản chất đây là những kỹ năng cơ bản, cốt yếu nhất của nghề tổ chức sự kiện mà hầu như Event planner nào cũng cho rằng là mình đã có. Tuy nhiên, những kỹ năng này cũng giống như nghề sự kiện luôn – làm thì dễ lắm, giỏi thì mới khó.

Trong màn trình diễn này, những hạng mục công việc: Visual trên màn hình LED/ Diễn viên múa/ Âm Nhạc… làm sao để cả 3 điều này khớp chính xác với nhau thành một thể. Làm gì trước, làm gì sau là một vấn đề thực sự không phải tùy tiện mà sắp đặt vào được.

Chị Lê Ngọc Quý - Event Manager của sự kiện ra mắt sản phẩm Thẻ Premium Viettinbank chia sẻ về quá trình thực hiện: "Trọng tâm của tiết mục điểm nhấn lần này là sự tương tác giữa Hiệu ứng hình ảnh trên màn hình LED & bài múa đương đại của Trần Đình Hoàng. Khó khăn là không có điều kiện dàn dựng màn hình LED từ trước để tập luyện, nhưng lại phải khớp chính xác các động tác nhảy của nghệ sĩ với các hiệu ứng hình ảnh. Vì lý do đó, chúng tôi buộc phải dựng bài nhảy cùng âm nhạc trước, sau đó ghi hình lại trên phông một màu, rồi sử dụng Video đó để sản xuất Hiệu ứng hình ảnh trên màn hình LED theo đúng tỉ lệ chính xác. Bài múa & Hiệu ứng hình ảnh cứ tập luyện và dàn dựng song song, cuối cùng chúng tôi chỉ cần 01 ngày để Rehearsal tiết mục, ngay lần đầu tiên thử diễn trên sân khấu, tiết mục đã vô cùng chính xác theo dự tính."

5. Khả năng đạo diễn sân khấu

Nghe “Đạo diễn sân khấu” có vẻ "ghê gớm"… nhưng thực chất là đúng như vậy đó. Không phải sự kiện nào bạn cũng cần phải có những Đạo diễn hàng hiệu tham gia, khi đó Event Manager chính là người sẽ kiêm luôn vai trò này.

Từ việc thiết kế/setup sân khấu, lập trình ánh sáng thế nào, hiệu ứng khói lửa ra sao, diễn viên xuất hiện thế nào, bao giờ thì cần xuất hiện, lúc nào thì nhạc phải bật, màn hình Led biến đổi làm sao…v…v… tất cả những công việc đó chính là của Đạo diễn sân khấu - nhưng bạn sẽ phải làm hết. Dần dần, sau những thất bại đau đớn, sau những học hỏi kinh nghiệm, biết đâu bạn lại có thể trở thành một Đạo diễn nổi danh. :D

(Made by Mr.K - Nguồn: www.facebook.com/EventManagement.vn )