Lợi thế của công ty công nghệ Việt Nam

Người Việt Nam thường có ý hoài nghi về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước: Không thể đấu lại được Goolge, Apple, Intel,…Không thể cạnh tranh nổi với Mc Donald, StarBuck. Thực sự thì có thật là doanh nghiệp Việt Nam bất lợi đến vậy?

Đọc thêm bài cùng tác giả:
(1300 views) Bphone: 10000000+10000=?
(229 views) Quảng cáo tốt là gây được sự chú ý?

Câu chuyện Trung Quốc: Alibaba đánh bại eBay nhờ lợi thế sân nhà

alibaba

Alibaba được thành lập năm 1999 bởi Jack Ma, vốn là một giáo viên tiếng Anh. Ban đầu Alibaba được lập ra theo mô hình B2B, kết nối các doanh nghiệp trong nước và khách hàng quốc tế. Năm 2003, Alibaba thành lập Taobao, trang thương mại điện tử C2C , để cạnh tranh lại eBay, lúc này đang phát triển mạnh tại Trung Quốc. Thua thiệt eBay về mọi mặt, từ tài chính, nhân lực cho đến kinh nghiệm bán hàng, những tưởng Taobao sớm lụi tàn trước đại gia nước ngoài. Nhưng ba năm sau, mùa đông 2006, eBay đóng cửa trang tiếng Trung của mình, tuyên bố chào thua trước đại diện Trung Hoa. Taobao đã làm gì?

Jack Ma từng nói: “eBay có thể là cá mập đại dương nhưng tôi lại là con cá sấu sông Dương Tử. Nếu chiến đấu trong biển lớn, chúng tôi sẽ thất bại song nếu chiến đấu trên sông, chúng tôi sẽ thắng”. Và sự thực là, Taobao đã tận dụng am hiểu về “con sông Trung Hoa” để đấu lại cá mập eBay.

Để lấy được thiện cảm của khách hàng, họ xây dựng hình ảnh đậm chất Trung hoa. Chẳng hạn tên các Admin trang web được đặt theo tên nhân vật trong truyện kiếm hiệp. Họ khiến cho thương mại điện tử trở nên “high touch” hơn, dễ kiểm soát hơn, từ đó có được lòng tin của khách hàng. Nhận thấy khách hàng Trung Quốc không có thói quen thanh toán qua thẻ tín dụng, Taobao hợp tác với Bưu Điện Trung Quốc tạo điều kiện cho khách thanh toán tại nơi gần họ nhất. Trong chiến lược kinh doanh của mình, Taobao cũng đề cao yếu tố địa phương khi tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ vì cho rằng, họ là những người hiểu người tiêu dùng nhất. Điều này khá khác so với Amazon, vốn thường “đàn áp” các doanh nghiệp nhỏ để giảm giá tối đa cho khách hàng cuối.

Câu chuyện của Taobao cho thấy một doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có thể dựa trên lợi thế sân nhà, sự am hiểu thị trường để đánh bại những gã khổng lồ lắm tiền, nhiều chiêu. Và thực tế, am hiểu thị trường địa phương, thói quen người tiêu dùng cũng là một trong những vũ khí sắc bén nhất mà một công ty nội địa có thể có.

Câu chuyện Ấn Độ: Godrej & Boyce bán tủ lạnh nhờ am hiểu nông dân

chotukool

Việc tận dụng yếu tố địa phương không chỉ cần cho những sản phẩm công nghệ cao, mà còn cần cho cả sản phẩm công nghệ lùn hơn. Chẳng hạn như câu chuyện của công ty gia dụng Ấn Độ Godrej & Boyce trong việc chế tạo tủ lạnh cho vùng nông thôn. Bình thường, những chiếc tủ lạnh truyền thống thường có giá cao, tốn nhiều năng lượng để chạy.

Trong khi hồi đó, nông dân Ấn Độ thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/tháng. Họ thường ở phòng đơn cùng với 4,5 thành viên khác và có thói quen thay đổi chỗ ở. Họ cũng thường xuyên mua sắm, chủ yếu những đồ nhỏ như rau củ hay sữa. Nguồn điện thì không ổn định cho lắm. Từ đó Godrej kết luận, những người nông dân này không cần và cũng không thể mua một chiếc tủ lạnh thông thường được.

Công ty chế tạo riêng một loại tủ lạnh thô sơ hơn nhưng vừa khít với điều kiện và thói quen khách hàng. Đó là loại có nắp đậy như cái thùng để giữ không khí lạnh khi mở lắp, giúp tủ tiêu tốn ít điện. Nó có khả năng chạy pin khi mất điện. Nó nhỏ gọn để có thể đặt trong một góc nhà mà không chiếm diện tích, có quai hai bên để tiện bê đi bê lại khi chuyển nhà. Và giá thì chỉ 1 triệu 4 trăm đồng. Đây là một innovation theo đúng nghĩa đen. Thật không thể tin nổi.

Chuyện thế giới: Công nghệ do thói quen và vì thói quen

2

Theo ông Trương Gia Bình và một số lãnh đạo của FPT, một trong 4 xu hướng công nghệ mà thế giới đang trải qua là Social (3 cái còn lại là Mobile, Analysis, Cloud). Social thực chất được hình thành dựa trên các thói quen có sẵn của con người, công nghệ tham gia vào như một phương tiện để hỗ trợ các thói quen đó. Bất cứ nền tảng nào được lập ra, để kêu gọi người dùng tham gia, nó cần những tính năng giúp người dùng tương tác với nhau thoải mái nhất, tự nhiên nhất, thuận tiện nhất. Mà để được như thế, nó cần phải dựa trên thói quen người dùng.

Một trong những nguyên nhân Google thất bại trong cuộc đua Social với Facebook là vì, công ty này xu hướng thiên về kỹ thuật nhiều hơn, giải quyết các vấn đề công nghệ khó trong khi Facebook giống với một công ty tâm lý xã hội, muốn giúp con người giao tiếp dễ dàng, thoải mái nhất có thể. Tất nhiên, Facebook cũng có nhiều thành tựu về kỹ thuật nhưng đây không phải sứ mệnh của họ.

Trong cuộc chạy đua với Facebook, Twitter cũng tạo được chỗ đứng cho mình bằng việc tập trung vào thói quen tiêu dùng. Jack Dorsey, đồng sáng lập của Twitter, từng chia sẻ : “Nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm có lợi cho mọi người, bạn phải thử ở vị trí của họ, viết ra những câu chuyện từ vị trí của họ. Vì thế chúng tôi giành rất nhiều thời gian để tưởng tượng ra trải nghiệm của người dùng.” Và một khi công ty được tạo ra để khiến cho trải nghiệm khách hàng trở nên tuyệt vời, mọi thứ từ cách thức tổ chức, thiết kế cho đến phát triển, giới thiệu sản phẩm đều xuất hiện một cách tự nhiên, không chút khiên cưỡng.

Câu chuyện Việt Nam: Vươn lên nhờ đặc thù địa phương

Đối với công ty công nghệ Việt Nam, khi mà các đại gia công nghệ thế giới có thể vươn dài tay tới mọi ngóc ngách, thu thập cả biển dữ liệu để hiểu từng cá nhân: tuổi tác, thói quen, các mối quan hệ,… thì việc tìm tòi, am hiểu thị trường quê hương lại càng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Ở Việt Nam, Cốc Cốc đạt được một việc mà không công ty nào trong khu vực đông nam Á có thể làm: tạo ra trình duyệt đánh bại Firefox, Safari, sánh ngang với Chrome. Không phải số tiền đầu tư dồi dào mà đội ngũ nhận được, không phải chiến lược cao siêu gì vì ban đầu họ định cạnh tranh Google ở mảng Search Engine, mà chính việc tận dụng triệt để nhu cầu đặc trưng của dân Việt Nam: sửa lỗi tiếng Việt có dấu, tích hợp IDM, vào thẳng Facebook mà không lo bị chặn,…đã giúp Cốc Cốc thành công.

Zalo của VNG cũng là một sản phẩm Việt thành công dựa trên am hiểu thị trường nội địa. Dù sinh sau đẻ muộn, dù lớn lên trong giai đoạn lãi của VNG từ 700 tỷ xuống còn 10 tỷ, Zalo đã lầm lũi đạt được 30 triệu người dùng, đánh bại gà nhà giàu Viber, Line, Whatsup, Wechat… Khác với các ông lớn, Zalo tập trung tối đa vào thị trường nội địa, tinh chỉnh sản phẩm để phù hợp với khách hàng: thiết kế để chạy ổn định trên mạng 3G, điện thoại bình dân, tiết kiệm pin…Trong các hoạt động quảng bá của mình, họ cũng gắn liền với hai chữ “dân tộc”: tạo sản phẩm Việt cho người Việt, giấc mơ của người Việt,…

Peter Drucker trong cuốn Innovation and Entrepreneurship từng nói: Innovation là khi bạn ra ngoài và chứng kiến khách hàng của mình và hiểu được thực sự thì họ đang cần gì. Những nhu cầu đó nhiều khi không đến từ các điều tra thị trường, các con số thống kê, hay ngay cả từ chính miệng khách hàng. Nó đến từ tâm lý ẩn sâu trong khách hàng, mà được thể hiện ra bằng hành động, thói quen. Sản phẩm là con đẻ của nhu cầu. Những doanh nghiệp nội địa là những người am hiểu văn hóa, thói quen, sở thích, tâm linh của người bản địa nhất, vì thế mà cũng hiểu rõ nhu cầu của họ nhất. Đó là một lợi thế mà nếu tận dụng được, doanh nghiệp nội sẽ có khả năng thành công hơn.

Haminh8